Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Tác chiến điện tử và chiến tranh thông tin của Quân đội Mỹ và đồng minh

Tác chiến thông tin – điện tử và chiến tranh thông tin
của Quân đội Mỹ và đồng minh

Tác chiến thông tin – điện tử và chiến tranh thông tin của Quân đội Mỹ và đồng minh được tiến hành trong mọi lĩnh vực và trên tất cả các hướng, tác động trước hết đến hệ thống chỉ huy.

Về lĩnh vực này, quân đội Mỹ và đồng minh luôn xác định, cuộc chiến trên sóng và trong lĩnh vực thông tin là vô hình và không cảm thấy về mặt tâm lý. Thực chất của tác chiến thông tin – điện tử là giáng các đòn tập kích hỏa lực và vô tuyến điện một cách có phối hợp và theo mục đích, nhiệm vụ, vị trí, thời gian xác định.

Mục đích của các đòn tập kích này là phá vỡ tổ chức hệ thống chỉ huy lực lượng và điều khiển vũ khí của đối phương, làm tê liệt hoạt động của hệ thống trinh sát, chống vô tuyến điện, phòng không, cũng như tiêu diệt những thành phần quan trọng nhất của các đơn vị trinh sát và hỏa lực đối phương.

Cuối cùng tác chiến thông tin điện tử không chỉ là giành ưu thế thông tin, mà cả ưu thế trong chỉ huy nói chung. Ưu thế này đạt được thông qua tiến hành các biện pháp bảo đảm hoạt động vững chắc của các hệ thống chỉ huy lực lượng và vũ khí, trinh sát và chống vô tuyến điện, cũng như bảo vệ các đơn vị, các mục tiêu của quân Mỹ và đồng minh.


Tác chiến điện tử ngày càng tỏ rõ vai trò then chốt
trong chiến tranh hiện đại.

Các mặt trong tác chiến điện tử

Bộ phận hợp thành của tác chiến thông tin điện tử là tác chiến vô tuyến điện, bao gồm chế áp vô tuyến điện, bảo đảm thông tin vô tuyến và bảo vệ vô tuyến điện.

Về mặt kỹ thuật, tác chiến vô tuyến điện là tác động bức xạ điện từ và các dạng năng lượng định hướng khác đối với các phương tiện vô tuyến điện, binh lính và các cơ quan chỉ huy, kỹ thuật chiến đấu, các mục tiêu quân sự, vũ khí và mạng máy tính của đối phương.

Về mặt chiến thuật, tác chiến vô tuyến điện bao gồm tổ chức bảo vệ vô tuyến điện và bảo đảm vô tuyến điện cho các hoạt động chiến đấu .


Nếu được phát huy hiệu quả, hệ thống tác chiến điện tử
sẽ vô hiệu hóa sự phản kháng của đối phương.

Trong tổ chức chống vô tuyến điện, những năm gần đây Quân đội Mỹ và đồng minh không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng các phương tiện vô tuyến điện, tiếp tục trang bị các loại thiết bị vô tuyến điện có chức năng khác nhau.

Bên cạnh triển vọng, sự phát triển này bộ lộ các mặt hạn chế là làm tăng gánh nặng bảo đảm điều kiện dung hợp điện từ; số kênh liên lạc trùng lắp tăng lên, gây phức tạp đáng kể cho việc chế áp đài vô tuyến điện. Bên cạnh đó, hệ thống chỉ huy lực lượng và điều khiển vũ khí biểu lộ nhiều khả năng dễ bị tổn thương và dễ bị phát hiện.

Mối quan hệ của tác chiến điện tử trong chiến tranh hiện đại

Trong tác chiến điện tử, Mỹ và đồng minh đề cao việc sử dụng các đơn vị bộ binh cơ giới và xe tăng, vì các đơn vị này đóng vai trò khá quan trọng trong việc loại khỏi vòng chiến đấu các đài chỉ huy của đối phương. Hoạt động trong thành phần các nhóm trinh sát tuyến trước, vu hồi, đột kích, các đơn vị này có thể thâm nhập vào sâu trong hậu phương đối phương, thực hiện tập kích vào các đầu mối liên lạc, tổ chức phục kích, cắt đứt các đường dây liên lạc hữu tuyến, tiêu diệt các trạm radar.

Trong cuộc chiến tại Iraq, Quân đội Mỹ và đồng minh đã triển khai mạnh các hoạt động tác chiến thông tin điện tử. Trong đó đã thực hiện sự tác động thông tin cực mạnh đối với Quân đội Iraq và người dân Mỹ thông qua việc sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng nhằm chế áp tâm lý và tung hỏa mù.

Bằng việc tiến hành các chiến dịch vô tuyến điện, các hoạt động tổng lực và toàn diện về tư tưởng, tuyên truyền cũng được tăng cường. Ngay trước khi tiến hành các hoạt động quân sự, Quân đội Mỹ đã triển khai các lực lượng và phương tiện chống vô tuyến điện cả trên không, trên bộ và trên biển thông qua các máy bay chống vô tuyến điện thế hệ mới như EC-130H, EA-6B, bảo đảm chế áp các radar phòng không trong nằm sâu trong lãnh thổ Iraq. Các thiết bị tác chiến điện tử đã và đang được quân đội Mỹ hiện đại hóa về khả năng, gần đây nhất là thế hệ máy bay EA-18G Growler được ra đời.


Máy bay chiến thuật chống vô tuyến điện EC-130H.

Chiến thuật hỗ trợ tác chiến điện tử

Để đảm bảo cho việc chống lại sự tấn công vô tuyến điện của đối phương, Quân đội Mỹ và đồng minh, cũng như một số quốc gia khác đã thực hiện nhiều các biện pháp kỹ thuật và chiến thuật.

Trong đó, có việc sử dụng các đơn vị bộ binh cơ giới và xe tăng được ngụy trang tỷ mỉ; các trận địa, vị trí và kỹ thuật quân sự, các mục tiêu giả, kết hợp điều kiện địa hình nhằm chống lại có hiệu quả các phương tiện trinh sát quang học, radar và hồng ngoại, làm giảm xác suất bị phát hiện. Bên cạnh đó, biện pháp sơn ngụy trang các phương tiện vô tuyến điện và kỹ thuật liên lạc sẽ tránh được sự phát hiện bằng mắt thường và quang học.

Trong đối kháng thông tin, Quân đội Mỹ và đồng minh đã sử dụng các biện pháp tạo ra các màn radio khác nhau, thực hiện phong tỏa radar, tạo nhiễu vô tuyến điện chủ động và thụ động, sử dụng các phương tiện trinh sát vô tuyến và trinh sát kỹ thuật vô tuyến và chế áp vô tuyến điện khá linh động.


Quân đội Czech triển khai một đơn vị tác chiến điện tử.

Trong nghiên cứu và phát triển các thiết bị tác chiến điện tử, Mỹ và đồng minh đã đặc biệt coi trọng tới việc liên tục cải tiến khả năng của các hệ thống cảm biến điện tử hiện đại lắp đặt trên các máy bay tác chiến điện tử, do đó có thể theo dõi, phát hiện, xác định và vô hiệu hóa các hệ thống theo dõi điện tử của đối phương trên nguyên tắc thực thi bảo đảm khả năng tự bảo vệ bằng gây nhiễu sóng điện tử; thực hiện chế áp điện tử đối với các thiết bị trinh sát của đối phương và hỗ trợ các máy bay cùng thực hiện nhiệm vụ.

Trong chiến đấu, các máy bay tác chiến điện tử đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ phát hiện sớm và cảnh giới các hệ thống theo dõi, đánh lừa các hệ thống tác chiến điện tử và hệ thống điều khiển bắn tên lửa và pháo phòng không của đối phương.

Máy bay tác chiến điện tử cũng có thể gây nhiễu, làm sai lệch thông tin và làm tê liệt khả năng tác chiến của hệ thống phòng không đối phương; chúng thường đi cùng các máy bay chiến đấu thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt hệ thống phòng không của đối phương bằng các tên lửa chống bức xạ (SEAD) và chỉ điểm trận địa phòng không cho các máy bay chiến đấu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét