Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

T-50 áp dụng công nghệ tàng hình plasma và ngụy trang điện tử

Máy bay chiến đấu thế hệ 5 T-50 PAK FA của hãng Sukhoi (Nga) sẽ ứng dụng công nghệ tàng hình mới giúp máy bay không bị phát hiện ngay cả bằng mắt thường.

Công nghệ tàng hình plasma

Công nghệ tàng hình truyền thống mà nhiều quốc gia đang sử dụng, điển hình nhất là các máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất như F-117, B-2, F-22 và cả J-20 của Trung Quốc, dùng các kết cấu góc cạnh làm tán xạ sóng điện từ đi tất cả các hướng, kết hợp với các vật liệu mới và lớp sơn phủ đặc biệt hấp thụ sóng radar để giảm bức xạ nhiệt hồng ngoại do động cơ thải ra…

Tuy nhiên, đối với PAK FA T-50, Nga lại áp dụng công nghệ hoàn toàn mới là "tàng hình plasma" hay còn được biết đến với tên gọi “công nghệ tàng hình chủ động”.

Công nghệ này sử dụng khí ion hóa để giảm tiết diện radar. Khí ion hóa sẽ bao trùm toàn bộ máy bay và hấp thụ năng lượng điện từ của sóng radar, qua đó gây khó khăn cho việc phát hiện máy bay từ hệ thống phòng không đối phương.

Công nghệ tàng hình ngụy trang

Tuy nhiên, Nga không chỉ muốn máy bay của mình tàng hình trước radar của đối phương mà còn tàng hình ngay cả đối với mắt thường và các khí tài quang học. Điều đó thúc đẩy Nga phát triển một công nghệ tàng hình hoàn toàn mới là "ngụy trang điện tử" bằng việc sử dụng các vật liệu đặc biệt.

Bề mặt của máy bay sẽ được chụp ảnh theo thời gian thực, trong môi trường nó đang hoạt động. Thông qua máy tính tiên tiến và sử dụng các vật liệu đặc biệt, máy ảnh sẽ chiếu những hình ảnh lên bề mặt của máy bay để làm cho nó trông giống như bầu trời và địa hình xung quanh, đồng nghĩa với việc khoác lên PAK FA một chiếc áo ngụy trang.

Công nghệ "ngụy trang điện tử" này từng được công chúng biết đến trong bộ phim "Die Another Day", khi chiếc xe hơi Aston Martin của điệp viên 007 vô hình với mắt thường.

T-50 sẽ ứng dụng công nghệ "tàng hình điện tử"

Khi đó, T50 có thể thực hiện phi vụ tấn công mặt đất vào ban ngày mà không nhất thiết phải tấn công ban đêm giống như một số máy bay tàng hình của Mỹ như loại đã bị giải nhiệm F-117, và có thể cả loại sắp đưa vào trang bị F-35.

Tàng hình có thể giúp cho T50 chiếm được lợi thế trong không chiến khi mà phi công của đối phương không thể nhìn thấy nó bằng mắt thường. Tuy nhiên, F-35 được trang bị với hệ thống cảm biến quang điện hiện đại, cho phép phi công nhìn xa hàng trăm km với màn hình hiển thị nhiệt phát ra từ một PAK FA.

Cho dù các máy bay T50 sẽ có công nghệ "ngụy trang điện tử" hay không, thì điều quan trọng là Mỹ sẽ triển khai một lực lượng máy bay chiến đấu thế hệ 5 đủ mạnh, có khả năng đáp ứng với các thách thức tiềm năng như PAK FA của Nga hoặc J-20 của Trung Quốc.

Mỹ sẽ cần một số lượng đủ lớn máy bay chiến đấu thế hệ 5 để giảm thiệt hại, chống lại những đối thủ tiềm năng và có ưu thế về số lượng trong một cuộc chiến tranh với một sức mạnh không quân lớn.

Quốc hội Nga đang xem xét các tác động của việc xuất khẩu máy bay chiến đấu tàng hình này cho các quốc gia khác. Ngoài Ấn Độ, Nga có thể bán PAK FA cho Iran nếu lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc được gỡ bỏ, hoặc cho các nước Arab nếu Mỹ từ chối bán F-35, cũng như Venezuela, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, và có lẽ ngay cả Trung Quốc, khi mà PAK FA được đánh giá cao hơn so với J-20 còn nhiều ẩn số.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét