Bộ đội ta hành quân trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (Nguồn: Tư liệu) |
Trước hết là nghệ thuật xây dựng thế trận thông tin liên lạc. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Quân uỷ Trung ương, Cục Thông tin liên lạc đã chỉ đạo Trung đoàn thông tin 132 dây trần khẩn trương triển khai tuyến trục thông tin chiến lược từ trạm cơ vụ A72 (Quảng Bình) vào tới Quân khu Trị - Thiên dài 300 km. Lực lượng thông tin Chiến dịch đã triển khai mạng thông tin hữu tuyến điện (sử dụng dây bọc) từ Sở chỉ huy Chiến dịch đến sở chỉ huy các sư đoàn bộ binh, các cụm pháo binh, pháo cao xạ và các đơn vị binh chủng, nhất là những đơn vị trên hướng chủ yếu; có những hướng phải kéo dây dài tới 120 km, qua nhiều địa hình phức tạp. Hệ thống thông tin vô tuyến điện được tổ chức thành các cụm vô tuyến điện sóng ngắn và cực ngắn. Cụm vô tuyến điện sóng ngắn bảo đảm liên lạc trực tiếp với các sư đoàn, có thể vượt cấp xuống các trung đoàn bộ binh và được trạm chuyển tiếp vô tuyến điện đặt trên điểm cao 1035 tiếp sức. Như vậy, trước khi bước vào Chiến dịch, thế trận thông tin liên lạc đã hoàn chỉnh, bảo đảm thông suốt, vững chắc ở tất cả các hướng, các lực lượng, kể cả liên lạc về Bộ Tổng tham mưu bằng hai mạng: hữu tuyến điện (dây trần và dây bọc), vô tuyến điện (sóng ngắn và cực ngắn). Thế trận thông tin cũng liên tục chuyển hoá theo thế trận Chiến dịch, cũng như thế trận của các lực lượng, binh chủng. Chỉ sau 5 ngày nổ súng tiến công, lực lượng thông tin đã nhanh chóng xây dựng được “thế trận kép” (một sở chỉ huy ở hướng Đông và một sở chỉ huy ở hướng Tây Đường 9), bảo đảm cho Bộ Tư lệnh chỉ huy các lực lượng tác chiến kịp thời, sát các phương án và diễn biến Chiến dịch. Trong khi đó, thế trận thông tin chiến lược vẫn được giữ vững bằng việc sử dụng máy tải ba TCT-1 truyền tín hiệu qua tuyến trục dây trần và trạm thông tin tiếp sức vô tuyến điện.
Hai là, nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng, phương tiện thông tin liên lạc. Để phục vụ công tác chỉ huy, điều hành tác chiến của Bộ Tư lệnh, cơ quan thông tin Chiến dịch được xác lập với đủ các thành phần (tham mưu, chính trị, hậu cần và kỹ thuật) do Phó Cục trưởng thông tin liên lạc trực tiếp phụ trách, vừa đảm nhiệm chức năng là cơ quan tiền phương của Binh chủng, vừa là cơ quan chỉ huy trực tiếp các đơn vị thông tin trong Chiến dịch. Xác định đúng vai trò, chức năng của lực lượng Thông tin liên lạc trong chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, Binh chủng đã điều động một lực lượng lớn, tổ chức thành các kíp (chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và dự bị) bổ sung cho các đơn vị, nhằm phục vụ chỉ huy, điều hành tác chiến 24/24 giờ trên tất cả các kênh. Thực hiện chủ trương vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng, cơ quan thông tin đã bố trí cán bộ chỉ huy, nhân viên kỹ thuật có trình độ đồng đều ở các vị trí, nhằm bồi dưỡng và bổ sung cho nhau, coi trọng bồi dưỡng những chiến sĩ mới bổ sung về đơn vị. Do đó, trong quá trình thực hành Chiến dịch, càng đến giai đoạn cuối, lực lượng thông tin càng lớn mạnh, bảo đảm thông tin càng vững chắc. Để thống nhất kế hoạch tổ chức, sử dụng lực lượng thông tin toàn chiến dịch, cơ quan thông tin đã tổ chức hội nghị hiệp đồng giữa các đơn vị thông tin cấp trên, cấp dưới cùng các đơn vị thông tin trực thuộc Cục đang làm nhiệm vụ trên địa bàn Chiến dịch. Nhờ đó, lực lượng thông tin đã triển khai được hai sở chỉ huy Chiến dịch theo đúng ý định của Bộ Tư lệnh Chiến dịch trong một thời gian ngắn, bảo đảm thông tin thông suốt, vững chắc ở tất cả các cấp.
Cùng với đó, Cục Thông tin liên lạc đã chuẩn bị ngay từ đầu một số lượng lớn khí tài cùng các trang thiết bị, vật tư bổ sung cho các sư đoàn, các phân đội thông tin ở Sở chỉ huy Chiến dịch và làm nguồn dự trữ chiến đấu. Được sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, cơ quan thông tin đã bố trí cụm điện đài “kẹp nách” sở chỉ huy (đặt máy vô tuyến điện sát cạnh cơ quan Tham mưu và Tư lệnh Chiến dịch) để liên lạc với hướng chủ yếu hoặc làm nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, liên lạc theo kiểu “bút đàm” bảo đảm tính kịp thời của thông tin chỉ huy. Việc tổ chức, đưa vào sử dụng một số loại phương tiện, khí tài thông tin mới, như: máy tải ba, vô tuyến điện tiếp sức và nhiều loại máy vô tuyến điện sóng cực ngắn ở Sở chỉ huy Chiến dịch; đồng thời, bố trí các cụm vô tuyến điện sóng ngắn và cực ngắn trên các điểm cao vừa tăng thêm nhiều loại phương tiện thông tin liên lạc, vừa tăng được cự li, khả năng kháng nhiễu và tránh được sự khống chế thông tin của địch. Đây là bước phát triển mới về khả năng khai thác, sử dụng các loại khí tài thông tin mới của bộ đội ta, làm phong phú thêm hình thức, phương pháp truyền nhận lệnh. Mặt khác, khi có nhiều phương tiện thông tin cùng hoạt động, hệ thống thông tin Chiến dịch càng được củng cố vững chắc hơn.
Ba là, nghệ thuật phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các hệ thống thông tin. Ngay từ khi bước vào chuẩn bị Chiến dịch, Cục Thông tin liên lạc trực tiếp chỉ đạo đơn vị thông tin dây trần cùng lực lượng thông tin của Quân khu Trị - Thiên và nhân dân trên địa bàn triển khai đường dây thông tin hữu tuyến điện chiến lược theo sở trường, thế mạnh của từng đơn vị. Theo đó, Trung đoàn Thông tin 132 là đơn vị có nhiều kinh nghiệm, năng lực chuyên môn tổ chức triển khai xây dựng các tuyến thông tin hữu tuyến điện; lực lượng thông tin Quân khu Trị - Thiên là đơn vị nắm chắc tình hình địa bàn và quen biết địa hình, đã có mặt trên địa bàn, triển khai trước một số đường dây bọc đi các hướng, nhất là hướng Tây và hướng Nam Đường 9 phục vụ chỉ huy tác chiến. Để có sự thống nhất khi sử dụng khí tài thông tin, giải tần làm việc, thời gian mở đài cũng như các hình thức, phương pháp và tín hiệu hiệp đồng được cơ quan thông tin xây dựng thống nhất trong kế hoạch bảo đảm. Trong quá trình thực hành tác chiến, cơ quan thông tin xác định lấy thông tin vô tuyến điện làm phương tiện chủ yếu nhưng vẫn phải kết hợp chặt chẽ với thông tin hữu tuyến điện nhằm tăng khả năng bảo đảm thông tin liên lạc. Theo đó, cơ quan thông tin đã khéo tổ chức, sử dụng nhiều loại khí tài thông tin vô tuyến điện tạo thành các cụm vô tuyến điện (sóng ngắn và cực ngắn), nhằm bảo đảm trong cùng một thời gian có nhiều đài làm việc ở nhiều tần số khác nhau. Việc bí mật bố trí, triển khai trạm thông tin tiếp sức vô tuyến điện trên điểm cao 1035 làm cho địch hoàn toàn bất ngờ; ta thì tăng được cự li thông tin liên lạc, cho phép nối các cụm vô tuyến điện sóng cực ngắn với Sở chỉ huy Chiến dịch, sở chỉ huy của các sư đoàn, trung đoàn, thậm chí làm nhiệm vụ chuyển tiếp thông tin đến các cụm pháo binh, pháo cao xạ, báo cáo về sở chỉ huy các cấp và về Bộ Tổng tham mưu.
Lực lượng thông tin Chiến dịch mặc dù đã có nhiều hình thức, biện pháp bảo đảm thông tin Chiến dịch thông suốt, vững chắc, nhưng việc thực hành tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc Chiến dịch còn bộc lộ một số hạn chế; đó là: chưa tổ chức được một lực lượng dự bị mạnh ở tất cả các cấp để sẵn sàng bổ sung cho Chiến dịch khi có tình huống tác chiến đột xuất (ngoài dự kiến); chưa tổ chức tổng trạm thông tin dự bị làm cơ sở cho chỉ huy Chiến dịch.
Nhìn lại chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm xưa, chúng ta càng nhận thấy những bài học quý báu về nghệ thuật tác chiến của lực lượng Thông tin liên lạc vẫn còn nguyên giá trị trong việc xây dựng Binh chủng Thông tin liên lạc hiện nay theo hướng hiện đại. Theo đó, cùng với hiện đại hóa trang bị, phương tiện thông tin liên lạc, phải tiếp tục nghiên cứu phát triển nghệ thuật tác chiến thông tin liên lạc để bảo đảm đánh thắng địch trong mọi tình huống, cả khi chúng sử dụng vũ khí công nghệ cao.
Tư lệnh Binh chủng QPTD - Thứ hai, 11/ 7/2011-16:00:40
1 - Khoảng 45.000 quân (28.000 quân Mỹ), gồm: 3 trung đoàn lính thủy đánh bộ tăng cường, 9 tiểu đoàn pháo binh, 3 tiểu đoàn và một đại đội cơ giới,…
2 - Về lực lượng có: Ban thông tin ở Sở chỉ huy Chiến dịch, Tiểu đoàn 66, Tiểu đoàn thông tin 46 Quân khu Trị - Thiên; trang thiết bị và khí tài thông tin gồm: 30 máy 15w, 70 máy K63, 115 máy P105, 35 máy 71B, 30 máy thu, 41 máy tải ba TCT-1, 650 máy điện thoại, 1.500 km dây bọc, 28 máy nổ SS-125, 70 súng pháo hiệu, 5.000 đạn pháo hiệu, 80 tấn pin các loại,...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét