Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Quân đội Nga sẽ đạt đến một cấp độ mới

Tính năng động trong tình hình địa chính trị mới khiến các lực lượng vũ trang của Nga trong 3-5 năm tới cần đạt được "một mức độ tiềm năng mới", tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố. Tại cuộc họp với Bộ Quốc phòng, ông nhấn mạnh rằng chiến lược tổng thể của kế hoạch tái trang bị các lực lượng vũ trang Nga và cơ cấu tổ chức quân sự vẫn không thay đổi. Tỷ lệ vũ khí thế hệ mới ở Nga năm 2015 phải là 30%, đến năm 2020 phải lên đến 70-100%, tổng thống nói. Nga đang phải đối mặt với nhiệm vụ tạo ra lực lượng di động hiện đại có thể nhanh chóng và đầy đủ đáp ứng với bất kỳ mối đe dọa tiềm năng nào.
Trong khi đó hiện nay đang có những "nỗ lực thực hiện các phương pháp khác nhau” để phá hoại sự cân bằng chiến lược trên thế giới, ông Putin nói. Ông lưu ý rằng, trên thực tế, đang xảy ra giai đoạn 2 triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ, thăm dò khả năng mở rộng hơn nữa của khối NATO về phía Đông và có mối đe dọa quân sự của Bắc Cực.
Về vấn đề này, Tổng thống nêu các ưu tiên của Nga là thúc đẩy hội nhập trong lục Á-Âu, tăng cường không gian kinh tế thống nhất và thành lập Liên minh kinh tế Á-Âu.

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Các bài trên Blog từ 24/9/2012 - 21/2/2013

▼  2012 (140) ▼  tháng chín (34)

Mỹ ngả mũ trước tin tặc Trung Quốc

Mỹ và Trung Quốc cáo buộc nhau về hoạt động gián điệp máy tính. Đã vang lên những lời cáo buộc nghiêm ngặt nhất trong thời gian sự đối đầu giữa hai nước trên không gian mạng. Tổ chức Mandiant của Mỹ, công ty hàng đầu trong lĩnh vực an ninh mạng, đã công bố báo cáo, trong đó nêu địa chỉ trụ sở tin tặc Trung Quốc và các loại tấn công vào hệ thống máy tính trên toàn thế giới. Trung Quốc đã gọi những lời cáo buộc này là "không chuyên nghiệp" và "vô trách nhiệm".
Bản báo cáo 60 trang của công ty Mỹ Mandiant đã gây xôn xao dư luận, trong đó nêu địa chỉ cụ thể của “tổ tư duy” hoạt động gián điệp của Trung Quốc trên không gian mạng. Đó là thành phố Thượng Hải, khu Pudong, tòa nhà 12 tầng, trong đó bố trí đơn vị № 61.398 của quân đội Trung Quốc. Theo các tác giả của báo cáo, kể từ năm 2006, hàng trăm và thậm chí có lẽ hàng nghìn nhà khai thác từ trụ sở này đã vào mạng máy tính của 141 công ty thuộc 20 ngành công nghiệp khác nhau.

Theo Mandiant, quân đội Trung Quốc đã đánh cắp hàng trăm terabyte dữ liệu, trong đó có các bản vẽ, kế hoạch kinh doanh, thông tin giá cả, thông tin cá nhân, địa chỉ e-mail. Trước đó, tờ "Thời báo New York" đã cáo buộc tin tặc Trung Quốc cố gắng tấn công vào máy chủ của họ. Các chuyên gia Mỹ nói rằng, chiến dịch gián điệp lâu dài và mạnh mẽ đã được thực hiện nhờ vào sự hỗ trợ trực tiếp của nhà nước.
Trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, Hoa Kỳ đã tăng cường tấn công vào Trung Quốc cáo buộc về hoạt động gián điệp không gian mạng. Những lời cáo buộc trở thành nghiêm ngặt hơn trước thềm khóa họp mùa xuân Quốc hội CHND Trung Hoa mà tại đó sẽ bầu tân Chủ tịch Trung Quốc. Xét theo mọi việc ở đây nói về vòng mới của áp lực chính trị lên Trung Quốc.
Trong khi đó, bản báo cáo của Mandiant không gây ấn tượng mạnh với chuyên gia Nga về an ninh mạng Oleg Demidov. Theo ý kiến của ông, cuộc nghiên cứu này phù hợp với chính sách của Mỹ cáo buộc Trung Quốc về hoạt động gián điệp không gian mạng: “Trong những năm gần đây, các cơ quan an ninh và các viện nghiên cứu của Mỹ thường xuyên viết báo cáo tố cáo Trung Quốc sở hữu nhiều trung tâm hoạt động gián điệp không gian mạng. Một số báo cáo nói về hàng chục trung tâm gián điệp, theo những báo cáo khác, Trung Quốc có hơn một trăm trung tâm như vậy. Các trung tâm đó núp dưới vỏ bọc cơ quan nghiên cứu, công ty tư nhân, những cơ quan khác, họ tham gia hoạt động gián điệp, thực hiện các nhiệm vụ thù địch với Mỹ trên không gian mạng. Trung Quốc là đối thủ chính của Mỹ. Tình hình như vậy không thuận tiện với Hoa Kỳ bởi vì Washington không thể hướng trực tiếp đến Bắc Kinh để giải quyết vấn đề. Nếu chuyên viên Mỹ phát hiện dấu vết dẫn đến máy chủ ở Trung Quốc, thì chính quyền Bắc Kinh tuyên bố rằng, hành động này là do những cá nhân thực hiện, và Bắc Kinh không chịu trách nhiệm về điều đó. Còn bây giờ Mỹ cáo buộc một đơn vị quân đội”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã đáp trả lời cáo buộc của công ty Mỹ Mandiant. Nhà ngoại giao nhắc nhở rằng, luật pháp Trung Quốc nghiêm trị tội phạm trên mạng Internet. Trung Quốc kiên quyết phản đối các hành động bất hợp pháp trên không gian mạng và kêu gọi đấu tranh chống vấn đề này thông qua sự hợp tác quốc tế.
Đồng thời, Bắc Kinh đã gọi Mỹ là kẻ lừa đảo lớn nhất trên mạng Internet. Bắc Kinh công bố thông tin rằng, trong năm 2012, số lượng lớn nhất các cuộc tấn công tin tặc vào Trung Quốc đã thực hiện từ địa bàn Hoa Ky: hơn 30 nghìn trang web của Trung Quốc đã bị tấn công. Các tin tặc Mỹ cố gắng kiểm soát các máy tính ở Trung Quốc trước hết với sự giúp đỡ của trojan và botnet, thực hiện các cuộc tấn công bằng cách lây lan mã độc hại với các tên miền đăng ký tại Mỹ.
Theo TNN Nga

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Phúc trình liên kết quân đội Trung Quốc với các vụ tấn công mạng ở Mỹ

Một tổ chức an ninh mạng có trụ sở đặt tại Hoa Kỳ tố cáo chính quyền Trung Quốc dính líu tới một chiến dịch tấn công mạng tinh vi nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ, chính phủ Mỹ và cơ sở hạ tầng thiết yếu của Hoa Kỳ.

Phúc trình dài 60 trang của công ty an ninh mạng Mandiant, phổ biến hôm nay, tường trình chi tiết về hàng chục cuộc tấn công do một nhóm tin tặc năng động đặt trụ sở tại Trung Quốc thực hiện.

Công ty Mandiant nói rằng nhóm tin tặc này đã sử dụng “sự hỗ trợ trực tiếp của chính quyền Trung Quốc” để phát động điều mà họ miêu tả là một “chiến dịch tình báo mạng dài ngày và quy mô”.

Mandiant nói nhóm tin tặc được đặt tên là APT1, đã lấy trộm một số lượng dữ liệu khổng lồ từ hơn 150 tổ chức, phần lớn đặt tại Hoa Kỳ, từ năm 2006 tới nay.

Mandiant không nêu tên những mục tiêu bị tấn công, nhưng nói rằng các cơ sở bị tấn công là thuộc 20 ngành công nghiệp chủ yếu, từ công nghệï thông tin  cho tới các dịch vụ tài chánh.

Công ty an ninh mạng này cho hay họ đã truy ra những hoạt động của nhóm tin tặc tới một khu ở Thượng Hải, nằm xung quanh trụ sở chính của đơn vị bí mật 61398 của Quân đội Giải Phóng Nhân dân Trung Quốc.

Đây là đơn vị mà giới phân tích an ninh mạng trước đây đã liên kết với các cuộc tấn công trên không gian ảo.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi mạnh mẽ bác bỏ những lời tố cáo đó trong một cuộc họp báo thường lệ hôm nay.

Ông Hồng Lỗi nói các cuộc tấn công của tin tặc là một vấn đề quốc tế và nên được xử lý dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và hợp tác quốc tế. Ông nói đưa ra những lời tố cáo vô căn cứ là vô trách nhiệm và không chuyên nghiệp, và cũng không tạo điều kiện để giải quyết vấn đề tin tặc.

Khi được hỏi về tòa nhà mà tổ chức an ninh mạng của Mỹ nói là nơi chịu trách nhiệm về các hoạt động tin tặc, ông Hồng nói ông thấy các chứng cớ không đáng tin, vì sự khó khăn trong việc truy tìm nguồn xuất phát các cuộc tấn công mạng.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn tố cáo ngược lại rằng, dựa trên một cuộc nghiên cứu của Trung Quốc, thì Hoa Kỳ là nguồn xuất phát của đa số các cuộc tấn công mạng tại Trung Quốc.

Trung Quốc từ lâu được coi là nguồn xuất phát chủ yếu của các cuộc tấn công mạng toàn cầu. Nhưng như nhiều cơ quan công nghệ thông tin khác, Mandiant từ trước tới nay vẫn tỏ ra miễn cưỡng, không muốn tố cáo trực tiếp chính quyền Trung Quốc là giám sát các cuộc tấn công mạng.

Giờ đây, nhóm này nói họ đã thu thập đủ chứng cớ để thay đổi nhận định của mình. Họ nói rằng “đã tới lúc phải thừa nhận rằng mối đe dọa ấy xuất phát từ Trung Quốc.”

Quân đội Trung Quốc 'đứng sau tin tặc'

Báo cáo nói các vụ tấn công xuất phát từ một tòa nhà ở khu Pudong, Thượng Hải
Một đơn vị mật của quân đội Trung Quốc có thể là “nhóm gián điệp mạng hàng đầu thế giới”, theo hãng bảo mật mạng của Hoa Kỳ.
Hãng Mandiant nói Đơn vị 61398 đã “tự động lấy cắp hàng trăm terabytes dữ liệu” từ ít nhất 141 tổ chức trên toàn thế giới.
Hãng này truy lùng vết tích từ các vụ tấn công và phát hiện điểm đầu là từ một tòa nhà không được đăng ký ở Thượng Hải, do đơn vị này sử dụng.
Trung Quốc vẫn tiếp tục chối bỏ cáo buộc tấn công thông tin của các hãng và chính phủ nước ngoài.
Quan chức đại sứ quán Trung Quốc ở Washington tái khẳng định với báo New York Times hôm thứ Hai 18/02/2013 rằng tấn công thông tin là trái với luật pháp Trung Quốc và chính phủ nước này không hề liên quan.
Trong bản báo hết sức chi tiết, hãng bảo mật mạng của Hoa Kỳ nói đã điều tra hàng trăm vụ xâm nhập dữ liệu từ năm 2004, mà phần lớn đều liên quan tới dạng “Advanced Persistent Threat”, dạng tấn công thông tin mạng sử dụng các kỹ thuật tình báo, thường được chính phủ dùng.
Các chi tiết phát hiện được, Mandiant nói, “cho chúng ta thấy rằng nhóm chỉ huy những hoạt động này có trụ sở đặt ở Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc biết về nhóm này”.
Nhân vật chủ chốt của nhóm là APT1, Mandiant giải thích là “một tổ chức gồm nhiều kỹ thuật viên thực hiện các chiến dịch tấn công thông tin mạng, nhắm tới loạt đối tượng rộng rãi khác nhau, ít nhất là bắt đầu từ năm 2006”.
 “Theo quan sát của chúng tôi, đây là một trong những nhóm tin tặc nổi bật nhất xét trên phương diện số lượng thông tin đã đánh cắp,” Mandiant nói thêm, “có vẻ như nhóm này được chính phủ hỗ trợ và là một trong những nhân vật chính của các vụ tấn công tin tặc thường xuyên của Trung Quốc”.
" Chúng tôi tin rằng APT1 thực hiện các vụ tấn công dài hơi và trên diện rộng như vậy chỉ có thể là nhờ sự giúp đỡ của chính phủ. "
Hãng bảo mật mạng Mandiant
“Chúng tôi tin rằng APT1 thực hiện các vụ tấn công dài hơi và trên diện rộng như vậy chỉ có thể là nhờ sự giúp đỡ của chính phủ,” Mandiant cho biết.
Hãng này cũng nói đã truy ra được các hoạt động tấn công của APT1 xuất phát từ tòa nhà 12 tầng ở khu Pudong ở Thượng Hải.
Mandiant nói Đơn vị 61398 của Giải phóng Quân “cũng được đặt chính xác ở cùng khu vực đó” và các nhân vật có “nhiệm vụ, khả năng và nguồn lực” tương tự nhau.
Trong số các chứng cứ tìm được về APT1 liệt kê trong bản báo cáo:
  • Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn nhân viên có thể sử dụng tiếng Anh lưu loát với kỹ thuật tin học và an ninh mạng tiên tiến
  • Đã tấn công 141 công ty trên 20 ngành công nghiệp khác nhau, 87% trong số đó là ở các nước nói tiếng Anh, và có thể lấy cắp thông tin từ cả tá các mạng lưới khác nhau cùng lúc
  • Đã lấy cắp hàng trăm terabytes dữ liệu thông tin trong đó có các bản kế hoạch, kế hoạch kinh doanh, tài liệu giá cả, thông tin người dùng, thư điện tử và danh sách đầu mối liên lạcỞ bên trong hệ thống mạng đã thâm nhập trong thời gian trung bình là 365 ngày, có giai đoạn dài nhất là 1.764 ngày
  • Các ngành công nghiệp đối tượng có vị trí quan trọng trong Kế hoạch 5 Năm của Trung Quốc nhằm phát triển kinh tế

'Không có cơ sở'

Hãng bảo mật mạng Mandiant được New York Times thuê để điều tra tin tặc
Đơn vị 61398 từng bị Hoa Kỳ nghi là trung tâm của các chương trình tấn công thông tin, theo báo New York Times.
Mandiant thừa nhận có thể có khả năng khác giải thích cho kết quả điều tra của mình: “một tổ chức bí mật do nhóm toàn người nói tiếng Trung có thể trực tiếp ra vào trụ sở công ty hạ tầng viễn thông ở Thượng Hải, và làm việc cho chiến dịch tin học lâu năm của một công ty có tầm doanh nghiệp, đặt ngay ngoài cửa Đơn vị 61398, thực hiện các nhiệm vụ tương tự với những nhiệm vụ đã biết của Đơn vị 61398”.
Một số chính phủ, công ty và tổ chức nước ngoài từng bày tỏ nghi ngờ Trung Quốc cho thực hiện các vụ tấn công tin tặc rộng lớn kéo dài tới vài năm.
Tháng trước, báo New York Times nói hệ thống của họ bị xâm nhập trong thời gian bốn tháng, sau khi cho đăng bài báo về gia sản khổng lồ nhà lãnh đạo Ôn Gia Bảo.
Hãng Mandiant được tòa báo này thuê để thực hiện điều tra, truy ra thủ phạm xuất phát từ Trung Quốc. Tuy nhiên báo nói nhóm tấn công tòa báo thuộc nhóm khác.
Báo Wall Street Journal cũng cho biết bị tin tặc đặt ở Trung Quốc tấn công.
Tới thời điểm này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn bác bỏ cáo buộc của New York Times vì “không có cơ sở”, và “kết luận Trung Quốc tham gia các vụ tấn công thông tin mà không có chứng cứ chắc chắn là hoàn toàn vô trách nhiệm”.
Theo BBC

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Phúc trình của Mỹ nêu rõ mối đe dọa tin tặc đối với kinh tế

Các giới chức Hoa Kỳ nói rằng một phúc trình mới của chính phủ trình bày chi tiết về mối đe dọa tin tặc đối với nền kinh tế quốc gia, với Trung Quốc đứng hàng đầu trong số các nước chuyên thực hiện tin tặc.

Các giới chức mô tả báo cáo mật “Dự đoán Tình báo Quốc gia” với giới truyền thông, trong đó có báo Washington Post, hôm qua đã loan tin rằng tin tặc đang nhắm vào các ngành năng lượng, tài chánh, công nghệ thông tin, không gian và ô tô.

Một số ước tính cho rằng kinh tế Mỹ thiệt hại hàng chục tỉ đôla mỗi năm.  Nhưng có nhiều công ty không muốn báo cáo khi họ bị tin tặc tấn công, do đó con số thiệt hại thực sự không xác định được.

Ông Brad Glosserman, Giám đốc nhóm cố vấn ở Hawaii có tên là Diễn đàn Thái Bình Dương, nói với đài VOA rằng rất khó xác định được xuất xứ thực sự của gián điệp mạng điện toán, và rằng rất nhiều ngành đang mở ngỏ cho tin tặc tấn công.

Tòa Bạch Ốc đang cân nhắc cách đáp ứng, và trong những chọn lựa có cả phương án thương mại và hạn chế thị thực nhập cảnh.

Tờ Washington Post nói Tổng thống Barack Obama dự trù sẽ ban hành một sắc lệnh về an ninh mạng điện toán trong tuần này nhằm giúp khu vực tư nhân phòng vệ tin tặc.

Nhật báo này nói rằng phúc trình còn nêu tên Nga, Israel và Pháp là những nước sử dụng phương tiện tin tặc làm gián điệp kinh tế.

Washington Post nói rằng chính hệ thống điện toán của hãng tin này cũng bị tin tặc Trung Quốc xâm nhập, cũng giống như trường hợp của nhật báo The Wall Street Journal và The New York Times.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận các cáo buộc hồi tháng trước, và gọi những cáo buộc đó là “vô căn cứ” và “vô trách nhiệm.” 

Mỹ tiếp tục chú ý đến hoạt động gián điệp mạng kéo dài

Một tài liệu an ninh quốc gia của Hoa Kỳ được công bố gần đây đã tuyên bố nước Mỹ đang bị tấn công.

Bản Ước Tính Tình Báo Quốc Gia, NIE, cho rằng Trung Quốc là mối nguy hàng đầu cho an ninh mạng.

NIE, được đúc kết từ báo cáo của tất cả các cơ quan tình báo Mỹ, nói rằng Trung Quốc đã tăng cường các cuộc tấn công vào các doanh nghiệp Mỹ để xác định các dữ liệu sẽ giúp họ phát triển kinh tế.

Theo báo Washington Post, là tờ báo duy nhất có trong tay NIE, trong 5 năm qua, Trung Quốc đã tập trung nỗ lực vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, tài chính, và hàng không vũ trụ, và những ngành khác.

Diền tiến của cuộc chiến tranh mạng giữa Mỹ và Trung Quốc đã được lưu hồ sơ kỹ càng. Cả hai quốc gia đã không công khai nói rằng họ đang dè chừng nhau, nhưng cả hai bên đã nói rằng họ đều bị tấn công mạng. Nhiều người cũng tin rằng Trung Quốc đã cố gắng truy cập thông tin của các doanh nghiệp để phục vụ có lợi cho họ.

Điều đáng nói là Trung Quốc có thể không là mối đe dọa duy nhất mà Mỹ phải đối mặt.

Vẫn theo tin của Washington Post, NIE nói Nga, Israel, và Pháp cũng tiến hành những hoạt động gián điệp ảo nhằm vào các nỗ lực kinh tế tại Mỹ; tuy nhiên, những hoạt động của Trung Quốc là thường xuyên nhất.

Chính quyền của Tổng thống Obama muốn có một đánh giá đầy đủ về các nguy cơ Trung Quốc gây ra. Dựa trên thông tin đó, họ sẽ quyết định cách tốt nhất để đối phó với các cuộc tấn công của Trung Quốc.

Vụ thiên thạch rơi vào Nga 15/2/2013

Hôm thứ Sáu, một thiên thạch rơi xuống vùng Ural, gây ảnh hưởng đến cư dân Chelyabinsk, Tyumen, Kurgan, khu vực Sverdlovsk, cũng như các vùng lãnh thổ phía bắc của Kazakhstan. Thiên thạch rơi kéo theo tiếng nổ lớn lớn và ánh chớp lóe lên sáng chói. Tại Chelyabinsk, gần tâm chấn, nhiều tòa nhà bị thiệt hại do sóng xung động, khoảng 100 nghìn mét vuông kính bị vỡ, khoảng 1200 người phải xin trợ giúp y tế.
Hôm thứ Ba, cư dân Cuba đã nhìn thấy trên bầu trời một quả cầu lửa giống như thiên thạch rơi hôm thứ Sáu ở Nga. Điều này đã được hãng tin AP đề cập, dẫn nguồn từ các phương tiện truyền thông Cuba. Theo họ, thiên thể rơi ngày 12 tháng Hai gần thành phố Cienfuegos, phía đông nam thủ đô Havana. Không có thương vong hoặc thiệt hại nào được báo cáo. Người dân địa phương đang tìm kiếm các mảnh vỡ của nó. Như đã đưa tin, hôm thứ Bảy các cư dân California cũng đã chứng kiến sao băng như ở Chelyabinsk. Nhà thiên văn học Gerald Makkigan giả định có những sao băng lẻ tẻ rơi, không liên quan với bất kỳ trận mưa sao băng nào.
Đêm thứ Sáu, tiểu hành tinh 2012 DA1đã bay gần Trái đất ở khoảng cách kỷ lục - 27,7 nghìn km. Thời điểm tiếp cận gần Trái đất nhất đã được cơ quan vũ trụ báo cáo tại thời điểm 23:25 MSK, sau đó tiểu hành tinh bắt đầu di chuyển ra khỏi hành tinh chúng ta. Tiểu hành tinh bay qua phía đông Ấn Độ Dương.
Như đã đưa tin, sáng thứ Sáu, một thiên thạch đã rơi ở Ural. Thiên thạch vỡ ra trong khí quyển thành hàng chục mảnh lớn. Khoảng 1200 người bị ảnh hưởng, trong đó có 50 người phải nhập viện. Trong khi đó, các nhà thiên văn học cho biết mưa thiên thạch ở Chelyabinsk không liên quan với tiểu hành tinh 2012 DA14 bay gần Trái đất. Theo nhà thiên văn học Ian Crawford từ Đại học Birkbeck, tiểu hành tinh DA14 tiếp cận Trái đất từ phía Nam, còn mưa sao băng rơi xuống lãnh thổ Nga ở Bắc bán cầu. Do đó không có liên hệ giữa các sự kiện này, ông Crawford nói.
Hoạt động tìm kiếm những mảnh vỡ của thiên thạch đã nổ trên địa bàn tỉnh Chelyabinsk (vùng Ural) đã chấm dứt. Phó Thống đốc khu vực Chelyabinsk Igor Murogov cho biết, các công việc tìm kiếm đã tiến hành trong hồ Chebarkul cách thị trấn cùng tên 1 km, cũng như ở hai nơi khác. "Lúc đầu các các chuyên viên cho rằng, lỗ nước trên băng đã được phát hiện trên mặt băng hồ Chebarkul là nơi các mảnh vỡ thiên thạch rơi xuống hồ, nhưng nó đã hình thành vì một nguyên nhân khác”, - Phó Thống đốc nói. Cuộc sống trong khu vực đã trở lại bình thường. Độ phóng xạ là ở mứcbình thường.

Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

Máy bay Nhật Bản đánh chặn chiến đấu cơ của Nga

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, hai chiến đấu cơ của Nga đã xâm phạm vùng trời ngoài khơi đảo Hokkaido. Agence France-Presse đưa tin, lực lượng quốc phòng Nhật Bản lập tức điều động máy bay đánh chặn.
Theo Tokyo, sự kiện xảy ra vào ngày thứ Năm, mùng 7 tháng Hai. Các máy bay của Nga đã ở trong không phận Nhật Bản khoảng một phút.
Theo TNN Nga 

Các chiến đấu cơ của Nga không hề vi phạm không phận Nhật Bản. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich khẳng định như vậy ngày hôm nay.
"Đã có sự bác bỏ từ giới quân sự, đặc biệt, tuyên bố của cơ quan thông tin báo chí Quân khu Đông Nga,” – ông Lukashevich cho biết khi bình luận về việc xuất hiện tin trên một số phương tiện truyền thông nói rằng hai máy bay chiến đấu Nga đã vi phạm vùng trời Hokkaido, Nhật Bản, hôm 07/02.

Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

Trung Quốc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa để chống ai?

Trung Quốc đã trở thành nước thứ hai trên thế giới thực hiện được việc đánh chặn tên lửa đạn đạo ở quỹ đạo tầm trung. Điều này đã được Tân Hoa Xã công bố vào cuối tháng Giêng. Sau đây là ý kiến của ông Vasily Kashin, chuyên gia Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ đánh giá hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc.
Hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược là một loại vũ khí đặc biệt. Tên lửa chống tên lửa được thiết kế để bắn hạ các tên lửa xuyên lục địa và tên lửa tầm trung của đối phương, hầu như luôn luôn có chi phí tốn kém hơn so với tên lửa đạn đạo mà nó phải tiêu diệt. Trong khi đó, để tiêu diệt một mục tiêu cần phải bắn hai quả tên lửa hoặc nhiều hơn nữa.
Hệ thống phòng thủ tên lửa thử nghiệm ở Trung Quốc đã sử dụng tên lửa đánh chặn KT-2. KT-2 là tên lửa hạng nặng, dựa trên tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn DF-31. Trung Quốc không công bố số liệu về chi phí các tên lửa chiến lược của mình. Nhưng chúng ta có thể truy cập thông tin về chi phí của các tên lửa tham gia trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Tên lửa GBI của Mỹ được sử dụng trong hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất GMD có chi phí ban đầu là 70 triệu USD, sau khi thay đổi thiết kế thì lên đến 90 triệu $. Với mức giá như vậy không thể nói đến chuyện mua sắm tên lửa với quy mô lớn. GBI được mua với số lượng rất ít và không phải năm nào cũng mua. Tên lửa không mạnh bằng được thiết kế để đánh chặn các tên lửa tầm trung, được mua với số lượng 20-50 đơn vị mỗi năm. Ngay cả Hoa Kỳ với ngân sách quân sự rất lớn cũng không đủ khả năng để mua nhiều tên lửa đánh chặn. Nếu như Hoa Kỳ không có khả năng cho phép xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa khối lượng lớn thì không có lý do để hy vọng rằng Trung Quốc đủ sức làm việc đó hiện nay.
Hệ thống phòng thủ tên lửa chỉ là một phần của hệ thống bảo vệ chống lại các cuộc tấn công tên lửa của đối phương, thường rất tốn kém, nhưng không phải là quan trọng nhất. Sự bảo vệ tốt nhất chống tên lửa đạn đạo vẫn là tấn công phòng ngừa và tiêu diệt các tên lửa trước khi khai trương. Hệ thống phòng thủ tên lửa giá thành siêu cao rất cần thiết để đánh chặn các tên lửa của đối phương không bị phá hủy trên mặt đất và sẽ có thời gian để phóng lên.
Hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc được xây dựng để chống ai? Không chắc là để chống Hoa Kỳ và Nga - kho vũ khí chiến lược của Trung Quốc là quá nhỏ và Trung Quốc không có cơ hội để gây ra thiệt hại đáng kể cho tiềm năng chiến lược Nga và Mỹ.
Như vậy, rõ ràng là hệ thống phòng thủ tên lửa Trung Quốc nhằm bảo vệ trước sự tấn công tên lửa từ các nước láng giềng châu Á đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển chương trình tên lửa hạt nhân. Các mục tiêu có khả năng nhất cho hệ thống phòng thủ tên lửa Trung Quốc là Ấn Độ. Lực lượng tên lửa Ấn Độ không lớn, nhưng được xây dựng chủ yếu nhằm kiềm chế Trung Quốc. Người ta cho rằng Ấn Độ có chỉ vài chục đầu đạn hạt nhân. Tuy Ấn Độ đang thực hiện những bước tiến lớn trong việc xây dựng tên lửa đạn đạo tầm trung, nhưng số lượng tên lửa của họ cũng chỉ mới có mấy chục chiếc.
Tuy nhiên cần phải được lưu ý rằng ngay cả các lực lượng này cũng không thể chống đỡ chỉ bằng mỗi hệ thống phòng thủ tên lửa. Tên lửa đạn đạo tinh vi nhất và đắt nhất của Ấn Độ là Agni 5 tầm xa hơn 5000 km, theo chính phủ Ấn Độ thì giá thành chỉ có 9 triệu USD, rẻ gấp 10 so với GBI của Mỹ. Và có lẽ rẻ hơn nhiều lần so với tên lửa KT-2 của Trung Quốc, có thể đảm bảo đánh chặn Agni 5. Hơn nữa, chưa có sự đảm bảo chắc chắn rằng kết quả đánh chặn sẽ là 100%.
Trung Quốc sẽ phải đầu tư rất lớn cho do thám vũ trụ và do thám phòng không, cũng như hệ thống tấn công phi hạt nhân có khả năng vô hiệu hóa tiềm năng của Ấn Độ. Về phần mình, Ấn Độ sẽ phải thực hiện những nỗ lực để đẩy nhanh sự phát triển hệ thống phòng không mà từ lâu đã bị lãng quên. Ngoài ra, Ấn Độ sẽ cần phải tăng cường nỗ lực để phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia.
Được biết rằng Đài Loan đang thực hiện chương trình phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung. Mặc dù căng thẳng giữa đảo quốc và đại lục đã giảm xuống, công việc cải thiện tên lửa của Đài Loan đang được tiến hành. Nếu như trước đây các tên lửa đó có thể đạt đến Thượng Hải, thì bây giờ, theo tuyên bố của Đài Loan, các tên lửa như vậy có thể đe dọa khu vực trung tâm Trung Quốc, và có lẽ đe dọa cả Bắc Kinh.
Hàn Quốc cũng đang thực thi chương trình tên lửa đạn đạo tầm xa lên đến 800 km. Cuối cùng, Pakistan và Bắc Triều Tiên cũng có kho vũ khí với các tên lửa tầm trung và vũ khí hạt nhân. Tuy cả hai nước đều đang có mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, nhưng với mối đe dọa nghiêm trọng về bất ổn chính trị nội bộ, tương lai không thể đoán trước được.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc vốn ở trong khu vực bất ổn, đã quyết định xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng việc thành lập hệ thống này chắc chắn sẽ kéo theo những nỗ lực của các quốc gia khác trong khu vực để tăng cường tiềm năng chiến lược của mình.

Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

Đài Loan triển khai hệ thống radar hiện đại

Đài Loan triển khai hệ thống radar hiện đại do Mỹ cung cấp có thể cảnh báo phi cơ cũng như hỏa tiễn của kẻ thù 6 phút trước khi chúng tiến đến mục tiêu.
Những đài radar trị giá hàng tỷ Mỹ kim sẽ được đặt trên một vùng núi thuộc quận Hsinchu. Tướng Wu Wan-chiao nói với báo chí rằng hệ thống radar hiện đại này sẽ giúp cho Đài Loan chống lại sự tấn công bằng hỏa tiễn từ Trung Quốc một cách hữu hiệu hơn.
 Theo báo The Liberty Times thì hệ thống radar này có thể phát hiện một vật thể bay với khoảng cách 5 ngàn cây số và trị giá hơn 1 tỷ 300 triệu Mỹ kim.
Theo giới quan sát quốc tế thì hệ thống radar này cho phép Đài Loan trở thành một nước trong mạng lưới liên kết quốc phòng của Mỹ tại Châu Á Thái Bình Dương.
Theo RFA

Các tin tặc chủ yếu là người Trung Quốc và Nga

Ba tờ báo lớn của Mỹ - The New York Times, The Wall Street Journal và The Washington Post - nói rằng tin tặc Trung Quốc đã thâm nhập vào máy tính của công ty họ để theo dõi những bản tin về Trung Quốc. Một số chuyên gia nói rằng sự việc này đã diễn ra trong hơn 5 năm.

Không phải chỉ có những tờ báo này mới bị tấn công. Các chuyên gia nghĩ rằng gần như tất cả các phương tiện truyền thông đều đã bị tấn công, họ hoặc không biết hoặc không báo cáo. Ở ngay tại đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA này, các vụ tin tặc tấn công cũng đã xảy ra.

Ban tiếng Tây Tạng của VOA phát 4 chương trình truyền hình một tuần và 5 chương trình phát thanh một ngày. Trưởng ban tiếng Tây Tạng Losang Gyatso nói rằng nhân viên của ông hàng ngày phải đối mặt với tin tặc. Ông Losang Gyatso nói:

"Về cơ bản, ban tiếng Tây Tạng không lưu trữ trên máy tính bất kỳ nguồn cung cấp thông tin nào cho ban. Ban chúng tôi rất cẩn thận. Chúng tôi có những phần mềm ngăn chặn và thanh lọc thông tin trên tất cả các ổ đĩa cứng.”

Ông Gyatso cho biết, giống như với các tờ báo ở Mỹ, các vụ tin tặc tấn công này đều bắt nguồn từ Trung Quốc.

Alan Paller đã đào tạo 145.000 chuyên gia an ninh mạng trên toàn thế giới. Ông nói rằng có hơn 100 quốc gia có dính líu đến các hoạt động gián điệp không gian mạng. Ông nhận định:

"Trung Quốc là ầm ĩ hơn cả, và điều đó có nghĩa là rất dễ dàng phát hiện các công nghệ của họ. Do đó, các tin tặc Trung Quốc bị phát hiện rất nhiều và đã có rất nhiều tin tức về ho. Tuy nhiên, các tin tặc người Nga cũng hoạt động rất hung hãn và họ còn kín đáo hơn các tin tặc Trung Quốc."

Ông Paller nói rằng việc sử dụng tường lửa, các phần mềm chống virus, và chống xâm nhập hệ thống là không đủ. Ông nói:

"Mặc dù chúng ta có thể xây dựng được những bức tường chắn cao, nhưng bọn chúng cũng có thể xây dựng các bậc thang cao hơn. Vì vậy, chúng ta bắt buộc phải bắt giữ những kẻ có đủ khả năng vượt qua các bức tường chắn đó. Cách chúng ta làm việc đó không phải là với các công cụ, mà là với các kỹ năng. Nhưng hiện tại các hãng truyền thông vẫn không tập trung thiết lập các kỹ năng này. Họ chỉ nghĩ là họ sẽ thuê ai đó sau khi họ bị tấn công.”

Bảo tàng báo chí Hoa Kỳ Newseum có một đài tưởng niệm các nhà báo đã tử nghiệp trong khi thi hành nhiệm vụ. Nhiều phóng viên đã bị giết hại bởi những người phản đối các tường trình của họ.

Cô Patty Rhule làm việc trong ủy ban xem xét các danh sách các tên tuổi. Cô lo sợ rằng không biết các vụ tấn công tin tặc này sẽ dẫn đến những hậu quả gì:

"Nếu bọn họ có thể tấn công một cách bí mật, bởi một vài cú nhấp chuột từ một máy tính, thì điều đó thật đáng lo ngại hơn nữa khi mà bạn thậm chí sẽ không biết ai đang ở phía sau bạn.”

Các chuyên gia cho rằng quan trọng là hãy làm thế nào để máy tính của chúng ta không thể bị xâm nhập và do đó các tin tặc không thể nhấp chuột được,  thay vào đó là sẽ chuyển sang tấn công một máy tính khác dễ xâm nhập hơn.

Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Mối đe dọa của hacker ở Trung Quốc ngày càng tăng

Các tay 'hacker' Trung Quốc đã thực hiện ngày càng nhiều các vụ tấn công vào các công ty nước ngoài và các cơ quan chính phủ trong những năm vừa qua, khiến một phúc trình mới đây của Quốc Hội Hoa Kỳ phải gọi Trung Quốc là 'tác nhân gây đe doạ nhiều nhất trong không gian ảo'.
Mặc dầu các vụ tấn công còn rất khó lần ra dấu vết tới một nguồn cụ thể, nhiều người nghi rằng các tay hacker đang nhắm mục tiêu vào doanh nghiệp nước ngoài, giới truyền thông, các cơ quan chính trị và an ninh theo chỉ thị, hay được phép của chính phủ hay quân đội Trung Quốc.

Các giới chức Trung Quốc đã phủ nhận lời tố giác đó và nói rằng Bắc Kinh cũng là một nạn nhân của các vụ tấn công điện toán và sơ hở an ninh. Họ lập luận rằng chỉ vì các vụ tấn công mạng có thể phát xuất từ lãnh thổ Trung Quốc không có nghĩa là Trung Quốc bảo trợ cho các kẻ tấn công.

New York Times: Quân đội Trung Quốc là thủ phạm

Lời cáo buộc mới nhất được đưa ra hôm nay là của báo New York Times, nói rằng các tay hacker sử dụng các phương pháp mà người ta biết là đã đưọc quân đội Trung Quốc sử dụng để xâm nhập các máy điện toán của báo này, rõ ràng là để trả đũa một cuộc điều tra gay gắt nhắm vào tài sản của Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Câu chuyện này phù hợp với khuôn thức đối với nhiều ký giả và các tổ chức tranh đấu làm việc ở Trung Quốc từ lâu vẫn than phiến về những vụ tấn công có cơ sở điện toán và các kỹ thuật khác mà theo lời cáo buộc nhắm mục đích hăm dọa họ và các nguồn cung cấp tin để họ không tường thuật về các đề tài xúc phạm đến Bắc Kinh.

Mặc dầu báo Times có khả năng sử dụng một công ty lớn về an ninh điện toán để bảo vệ chống lại các vụ tấn công tin tặc, các quan sát viên nói rằng nhiều tổ chức nhỏ hơn với ngân sách khiêm tốn về kỹ thuật thông tin dễ bị tấn công hơn bởi vì họ không có khả năng cung cấp mức độ bảo vệ tương tự.

Phúc trình của Mỹ: Trung Quốc là 'tác nhân đe dọa nhiều nhất trong không gian ảo'
Các tay hacker Trung Quốc cũng được cho là đã do thám chính phủ các hoạt động của chính phủ và quân đội Hoa Kỳ, theo chi tiết của một bản phúc trình tháng 11 do Uỷ ban Xét duyệt An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc đệ lên Quốc hội.

Bản phúc trình nói các tay hacker được nhà nước bảo trợ thường ăn cắp thông tin bí mật để góp phần thúc đẩy các mục tiêu chính trị, kinh tế và an ninh của Trung Quốc.

Phúc trình cũng nói Trung Quốc thường quyết định làm lơ khi các tay tin tặc hay các tội phạm mạng độc lập, tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào các lợi ích doanh nghiệp hay chính phủ Hoa Kỳ.

Bản phúc trình nói vấn đề phức tạp thêm vì sự hiện diện rộng khắp của các công ty quốc doanh hay thuộc quyền kiểm soát nhà nước ở Trung Quốc, thường mướn các tay hacker để ăn cắp bí mật thương nghiệp nhà nưóc hầu giành lợi thế trước các công ty nước ngoài cạnh tranh với họ.

Vì các yếu tố này mà ủy ban Hoa Kỳ gọi Trung Quốc là 'tác nhân gây đe dọa nhiều nhất trong không gian ảo'.

Bằng chứng cho thấy sự can dự ngày càng nhiều của Trung Quốc vào hoạt động tin tặc

Các dữ liệu mới đây cho thấy vấn đề lại còn tệ hại thêm. Một báo cáo từng quý hồi tuần trước của Akamai Technologies cho thấy các vụ tấn công mạng trên toàn cầu phát xuất từ Trung Quốc tăng hơn gấp đôi trong quý ba năm 2012, so với 3 quý trước đó. Cuộc nghiên cứu cho thấy 1/3 các vụ tấn công mạng nay xuất phát từ Trung Quốc.

Mặc dầu ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự can dự của Bắc Kinh vào hoạt động tin tặc, các chuyên gia phân tích an ninh nói rằng khó mà lần ra dấu vết trực tiếp đến chính phủ Trung Quốc, một phần bởi vì các tay hacker dùng các phương pháp tinh vi để che giấu tung tích.

Bài báo hôm nay của New York Times nói rằng các tay hacker tìm cách che giấu hoạt động bằng cách chuyển các vụ tấn công qua các máy điện toán ở nước ngoài và liên tục thay đổi địa chỉ IP. Bài báo cũng nói Bắc Kinh tiếp tục đưa ra những lời phủ nhận hợp lý bằng cách mướn các tay hacker rành nghề làm việc này ở nước ngoài.

Mỹ có thể phải đối mặt với một vụ Pearl Harbor trên mạng?
Các giới chức ở Washington trong những tháng gần đây đã cảnh báo về mối đe doạ khủng khiếp đề ra bởi các tay hacker điện toán nước ngoài, trong đó có những tay ở Trung Quốc. Tuần này, Ngũ Giác Ðài đã có hành động giải quyết các mối đe dọa bằng cách gia tăng lực lượng an ninh mạng thêm hơn 4.000 người, vào con số hiện hữu là 900 người.

Quyết định được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cảnh báo rằng Hoa Kỳ đứng trước khả năng một vụ tấn công “Trân Châu Cảng ảo” có thể gây gián đoạn cho mạng lưới điện năng trong nước, hệ thống giao thông chuyên chở và các mạng lưới tài chính.

Các giới chức Hoa Kỳ đã nhiều lần nêu vấn đề ra với Trung Quốc, và nước này tiếp tục phủ nhận sự can dự vào bất kỳ hoạt động gián điệp mạng nào. Trung Quốc lập luận rằng họ đã cố gắng diệt trừ tội phạm trên mạng Internet và nói rằng bản thân chính phủ Trung Quốc cũng là một nạn nhân lớn nhất của các vụ tấn công mạng. 

"Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cảnh báo Hoa Kỳ đứng trước khả năng một vụ tấn công 'Trân Châu Cảng ảo' có thể gây gián đoạn cho mạng lưới điện năng trong nước, hệ thống giao thông chuyên chở và các mạng lưới tài chính."