Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

Ra-đa giám sát mặt đất

QĐND - Ra-đa giám sát mặt đất (còn gọi là ra-đa trinh sát mặt đất) dùng cho lục quân có nhiệm vụ phát hiện các mục tiêu chuyển động trên mặt đất (gồm sinh vật sống và phương tiện kỹ thuật) trong vùng quan sát, xác định vị trí tương đối và tốc độ di chuyển của chúng. Trong nhiều trường hợp, ra-đa còn có khả năng nhận dạng kiểu loại mục tiêu theo các dấu hiệu đặc trưng như tốc độ di chuyển, độ lớn hay phổ tín hiệu. Ngoài ra cũng có thể dùng ra-đa để phát hiện tàu thuyền trên mặt biển, phương tiện bay thấp trên không, hoặc phát hiện, bám quỹ đạo đạn pháo, đạn cối, tên lửa để hiệu chỉnh đường đạn, phản pháo.

Đặc trưng nổi bật của ra-đa giám sát mặt đất là được trang bị cho bộ binh, có tính cơ động cao, có thể mang vác được bằng sức người. Một đặc điểm nữa của ra-đa giám sát mặt đất là phát hiện các mục tiêu di động trên nền nhiễu địa vật và nhiễu tạp của máy thu có mức ngang với các tín hiệu phản xạ từ xe tăng, ô tô hoặc các mục tiêu trên mặt nước. Để lọc được các mục tiêu cần quan sát khỏi nền nhiễu, người ta thường dùng phương pháp xử lý lọc mục tiêu di động dựa trên hiệu ứng Doppler của thành phần tốc độ hướng tâm. Môi trường sử dụng của ra-đa giám sát mặt đất có đặc điểm là nhiễu phản xạ mặt đất lớn, tầm nhìn ra-đa bị hạn chế bởi sự mấp mô, che khuất của địa hình... nên cự ly phát hiện thường giới hạn trong khoảng từ vài trăm mét đến vài chục ki-lô-mét.

Ra-đa SQUIRE của Hà Lan. Ảnh tư liệu

Ngày nay, công nghệ nhìn đêm đã có nhiều tiến bộ, đặc biệt công nghệ ảnh nhiệt cho phép phát hiện mục tiêu gần như trong mọi điều kiện thời tiết phức tạp như ban đêm, sương mù, mây, khói, ngụy trang... Tuy vậy, ra-đa giám sát mặt đất vẫn có vị trí không thể thay thế nhờ những ưu điểm đặc biệt như khả năng bao quát được những khu vực rộng trong thời gian ngắn; hiệu quả sử dụng đài ra-đa ít phụ thuộc vào thời gian ngày đêm và điều kiện thời tiết...

Dòng ra-đa giám sát mặt đất AN/PPS được quân đội Mỹ phát triển không ngừng. Đài ra-đa phiên bản AN/PPS-5 và AN/PPS-5B (phiên bản hoàn thiện), về sau là các phiên bản AN/PPS-11 và AN/PPS-15/18/25 đã được quân đội Mỹ sử dụng trong các phân đội trinh sát của các tiểu đoàn bộ binh cơ giới và các tiểu đoàn tăng-thiết giáp.

Cộng hòa Pháp là quốc gia quan tâm nghiên cứu, chế tạo nhiều chủng loại ra-đa lục quân. Ra-đa RATAC-S, ngoài khả năng trinh sát các mục tiêu mặt đất chuyển động và phục vụ hiệu chỉnh bắn của pháo binh còn phát hiện được các mục tiêu bay thấp kiểu máy bay trực thăng ở cự ly đến 60km. Từ các loại ra-đa kiểm soát mặt đất RATAC, RASIT, RATAC-S, hãng điện tử A-ca-ten (Pháp) đã phát triển hệ thống ra-đa cảnh giới đường biên BOR550-A, hoạt động trên nguyên lý Doppler, có khả năng phát hiện mục tiêu, kiểm soát khu vực bán kính 40km. Ra-đa BOR550-A hoạt động ở dải tần từ 5,2 đến 10,9 GHz, có khả năng chỉ báo mục tiêu di động và xử lý tín hiệu cảnh giới mặt đất và mặt biển. Ra-đa BOR550-A được xem là ra-đa của thế kỷ 21, dùng để phát hiện người nhập cư trái phép qua biên giới, chống tội phạm, khủng bố.

Ra-đa Monitor-M của Nga. Ảnh tư liệu

Hiện nay, ra-đa giám sát mặt đất tiên tiến EL/M-2140 do hãng ELTA nghiên cứu chế tạo được trang bị cho quân đội I-xra-en dùng để kiểm soát các vùng đất có tranh chấp trên dải Ga-da, khu vực biên giới với các nước xung quanh. Ra-đa có các trạm quan sát cố định, cơ động, hệ thống chỉ huy, kiểm soát, làm việc kết hợp với một ca-mê-ra nhiệt, cự ly hoạt động tới hơn 40km. Lục quân Hà Lan trang bị ra-đa SQUIRE sử dụng sóng liên tục điều tần, công suất ra của ra-đa rất nhỏ, có xác suất bị thu chặn thấp, có thể phát hiện người đi bộ ở cự ly tới 10km và xe tải chuyển động ở cự ly 24km, đồng thời có thể tự động phân loại mục tiêu.

Nhiều công nghệ hiện đại đã được ứng dụng trong chế tạo ra-đa. Công nghệ ăng-ten mạng pha hiện đại đã cho phép chế tạo các hệ thống ăng-ten mạng pha có khả năng điều khiển cánh sóng một cách linh hoạt. Công nghệ vật liệu siêu cao tần đã tạo ra cuộc cách mạng lớn đối với các hệ thống máy phát, máy thu ra-đa trong việc vừa bảo đảm được công suất, độ nhạy cần thiết vừa giảm thiểu được khối lượng, kích thước phần cứng góp phần nâng cao hiệu quả chung của ra-đa. Công nghệ thông tin cũng giúp ra-đa cải thiện nhiều tính năng của hệ thống xử lý tín hiệu cấp 1, cấp 2, điều khiển, tính toán tham số, quỹ đạo và hiển thị mục tiêu. Nhờ việc dùng các mạch biến đổi tương tự-số (ADC) tốc độ hàng trăm MHz và công nghệ xử lý số (DSP) trên các bo mạch khả trình FPGA mà tốc độ xử lý số tín hiệu đã đạt mức tiệm cận xử lý thời gian thực. Những phần mềm giao diện người-máy thân thiện đã làm cho con người tiếp cận với máy một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều.

Nhờ ứng dụng những thành tựu tiên tiến của khoa học công nghệ mà ra-đa giám sát mặt đất ngày càng hiện đại; khối lượng, kích thước ngày càng giảm, tính tiện dụng và cơ động càng cao. Hiện nay, trên thị trường thế giới có chào bán nhiều kiểu loại ra-đa giám sát mặt đất với những tính năng vượt trội như: Độ phân giải mục tiêu theo cự ly chỉ vài mét, theo góc nhỏ hơn 1 độ; có khả năng bám sát đồng thời hàng trăm mục tiêu trong khi công suất phát khoảng vài oát, thậm chí nhỏ hơn; khối lượng chỉ vài chục ki-lô-gam, có khả năng kết nối với nhiều thiết bị và truyền dữ liệu về trung tâm mà không có rào cản về cự ly.

Việt Phú - theo QĐND Thứ Sáu, 12/08/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét