Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

CHIẾN TRANH CÔNG-NGHỆ

Phần I
Lê Chánh Thiêm

A. MỞ ĐẦU.

Ngày nay, nhân-loại đã đi những bước dài trong việc áp dụng các thành tựu về khoa-học, kỹ-thuật trong mọi ngành nhằm phục vụ cho quyền lợi của con người. Chỉ riêng trong lĩnh-vực quân-sự, không biết bao nhiêu kết quả đã được đúc kết qua rất nhiều thí nghiệm để hoàn thành sản phẩm, đã được áp-dụng. Những phát minh, phát kiến, nghiên cứu mới nầy được áp dụng để đưa vào sản xuất hầu cung cấp cho nhu-cầu cho chiến-tranh: trong tiến công hay gìn-giữ, bảo-vệ hòa-bình. Tất cả những thiết-bị công-nghệ cao, tân-kỳ về quân-sự được sản-xuất để cung ứng cho nhu cầu nhằm giảm thiểu số thương vong, đem đến kết quả hữu hiệu, giảm thiểu bớt các trở ngại, ít tốn kém tiền bạc, bảo vệ sinh mạng cho binh-sĩ, tránh các sai lầm có thể gây ra thương vong v.v… mà mang lại chiến-thắng nhanh chóng, chắc-chắn.

Trong phạm vi đề tài nầy, xin giới-thiệu đến độc giả một số thành tựu khoa học mới được ứng dụng để cung-ứng cho nhu cầu chiến-tranh, những điều mới nghe qua tưởng như chỉ có trong sách vở, là chuyện giả tưởng (người Việt ta thường gọi là chuyện Tề Thiên) nhưng đã và sẽ được áp-dụng trên nhiều loại chiến-trường, đó là phương thức, hình thái chiến tranh mới: chiến tranh công nghệ.

B. THẾ NÀO LÀ CHIẾN TRANH CÔNG NGHỆ?

Trong thời gian gần đây, chúng ta được nghe đến các danh-từ mới lạ liên quan đến chiến tranh như: “chiến-tranh chính-xác”, “chiến-tranh thông-tin”, “chiến tranh công-nghệ cao”, “chiến-lược-số-hóa”, “chiến tranh điện tử”, “chiến tranh vi trùng”, “tác chiến điện tử” v.v..., nhất là thường được báo chí đề cập đến khi có cuộc chiến nào sắp xảy ra hay so sánh tương quan lực lượng giữa các phe phái đối đầu nhau.

Sở dĩ người ta dùng các từ ngữ đó bởi các cuộc chiến ngày nay mang hình thái khác hơn các cuộc chiến cổ điển quy ước từ trước. Trên chiến trường ngày nay, với bao thiết-bị được kể đến vì được phổ biến, có loại đã được đem ra xử dụng, có loại còn đang thí-nghiệm; có loại đã được thông-báo, có loại còn đang dấu kín với nhiều lý do. Với Hoa Kỳ, chỉ những bí mật quốc phòng quan trọng mới được “dấu kỹ” còn đa số đều có thời hạn sẽ được giải mã (1).

Các tiền bộ về khoa-học kỹ-thuật đã cung ứng cho con người những thành-quả thật hữu-hiệu để áp-dụng cho chiến tranh ngày nay và trong tương lai, cuộc chiến được “công-nghệ-hóa” toàn diện.


Cuốn sách "Chân dung người lính của thế kỷ thứ 21.

Trong chiến-tranh quy-ước cũ, người lính chiến tại mặt trận phải làm tất cả mọi việc. Đối với các cấp chỉ huy, phải nghiên-cứu chiến-lược, chiến-thuật để ra lệnh cho quân nhân thi hành, thay đổi chiến thuật tùy theo hoàn cảnh, trận địa. Về nhiệm vụ của Ban tham mưu tại các căn cứ, cấp chỉ huy phải theo dõi mọi diễn biến tại trận địa để “điều binh, khiển tướng”, để thay đổi chiến thuật, chiến lược, tiếp vận, yểm trợ, tăng phái hay xuất phái các đơn vị quân đội khi cần. Ngoài ra, còn bao chuyện cần thiết khác luôn phải sẵn sàng để đáp ứng cho nhu cầu chiến cuộc khi cần đến để đem lại chiến thắng.

Với binh sĩ chiến đấu, họ phải trực chiến với kẻ thù, phải đối diện với hiểm nguy, phải nhận lệnh, thi hành lệnh do cấp chỉ huy trực tiếp ban hành, phải giúp đỡ và cộng tác với đồng đội… Ngoài ra, họ còn có thể làm nhiệm vụ tản thương, tiếp vận, hiệp đồng tác chiến v.v…Nói chung, nhiệm vụ của người lính chiến đấu được xem là nặng nề nhất, nguy hiểm nhất. Dĩ nhiên, công trạng của họ cũng được tuyên dương và được đãi ngộ xứng đáng.


Ngày nay, người ta dùng từ-ngữ “robosoldiers” (người lính máy) hay “FIST”, Future Intergrated Soldier Technology: “Quân nhân liên-kết với công-nghệ thương lai” để chỉ người lính đang tham chiến, trong hiện tại của thời kỳ thí nghiệm. Những người lính máy nầy có thể là một chiến binh tác chiến, nghĩa là đối đầu với địch quân tại trận địa, là một chiến binh đi thám thính, là một lính “trinh sát”, là một chuyên viên tháo gỡ chất nổ, mìn bẫy, là chuyên viên tiếp tế, tản thương,…nghĩa là thi hành tất cả nhiệm vụ của một chiến binh tại tiền tuyến hay ở hậu phương. Đó là những con người bằng xương bằng thịt hay những robot, người máy.

Các chiến binh nầy được trang bị thật đầy đủ, được yểm trợ tối đa, toàn diện. Các tin tức về tình-báo, thời-tiết, về lực lượng đối phương v.v...được các vệ-tinh viễn-thông, radar, phi-cơ thám-thính, tin tức tình-báo, thám không...gởi về tổng hành dinh tức thời để từ đó, Bộ Chỉ Huy sàng lọc, phối kiểm, đối chiếu…ngõ hầu tìm giải pháp tối ưu để áp dụng được hầu cung cấp cho các robosoldiers. Các chiến binh được thông tin đầy đủ qua các trang bị của họ mang theo, để biết các tin tức, hình ảnh, mệnh lệnh, chỉ thị…cho họ thi hành nhiệm vụ. Họ cũng liên lạc trực tiếp đến đồng đội tại mặt trận.

Trước đây - ngay cả hiện tại với quân lực các nước nghèo vẫn còn xử dụng - từng người lính không thể liên lạc thẳng với đồng đội hay với Bộ Chỉ Huy mà chỉ qua một máy truyền tin chung của cấp tiểu đội, cấp trung đội hay từng toán. Bộ chỉ huy chỉ liên lạc với vị cấp trưởng chức không thể liên lạc với từng người. Ngày nay, chiến binh có thể liên lạc thẳng từng người trong nhóm với nhau vì đã có hệ thống thông tin gắn trên chiếc mũ sắt của họ. Do vậy, họ cũng dễ dàng gởi các tin tức tại chiến trường về trung tâm chỉ huy. Điều đặc biết là các tin tức, hình ảnh mà họ gởi về đồng thời với thực tại ở mặt trận ngay lúc đó nên tạo mọi sự dễ dàng cho cấp chỉ huy hay trung tâm hành quân để đối phó cho hợp với hoàn cảnh đang xảy ra tại mặt trận.

Về vũ khí cá-nhân của Robosoldiers cũng khác xưa: được gắn các thiệt-bị điện tử trên các vũ khí quy ước. Súng được gắn ống nhắm trên đó, qua màn ảnh, họ nhắm mục tiêu mà chỉ cần nhìn vào màn hình. Xử dụng máy nhắm để bắn dễ trúng mục tiêu, có ống nhắm bằng tia hồng ngoại tuyến để ban đêm nhìn rõ hơn. Tùy theo nhu cầu chiến trường, người lính chiến còn được cấp cho các loại súng đặc biệt như súng điện-tử, súng bắn xuyên qua góc (corner shot), súng radar, súng điện, súng bắn sẻ.

Ngày nay, sau cuộc chiến Afghanistan và Iraq cũng như trong tương lai rất gần, các chiến-lược, chiến-thuật về quân-sự phải được được thay đổi cho phù-hợp khi áp-dụng công-nghệ chiến tranh mới. Quân nhân chỉ là người thi-hành theo các chỉ-thị, mệnh lệnh,…là một “người máy” thật sự. Họ không cần suy-nghĩ, tính toán vì họ được cung-cấp các dữ-kiện một cách đầy đủ, chính-xác, nhanh-chóng, họ chỉ là một phần nhỏ trong “hệ thống thông-tin chính-xác” mà thôi, chỉ thi hành lệnh mà không cần suy xét, tính toán gì cả.

Điển hình, trong chiến dịch mang tên Operation Telic, đơn vị 42 Thủy-quân Lục-chiến của Quân-lực Hoàng-Gia Anh thực hiện tại Iraq, cùng các đơn vị quân đội Mỹ tham chiến tại đây, quân nhân được trang bị những thiết-bị hiện đại nhất, do đó đã thu được nhiều thành quả đáng kể, trong đó một số tin tức về các kỹ thuật được phổ biến, một số khác còn được dấu kín.


Pháo đài bay B-52 Stratofortress

Đối với quân lực Mỹ tại hai chiến trường Afghoanistan và Iraq, các chiến binh được trang bị đầy đủ các trang cụ tối tân nhất mà ngày nay nhân loại đã có. Điều nầy, trong nhiều tài liệu ghi nhận, đã làm cho nhiều giới chức quân sự của nhiều nước ghen tị, trong đó có cả Trung Cộng, một nước đang “hiện đại hóa nhảy vọt” về quân sự. Xin xem họ nói gì về quân đội Mỹ, ở phần sau.

Sau thế chiến thư hai, gần nhất là sau khi cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt, quân lực Mỹ không còn đối thủ về quân sự. Do đó, các giới chức lãnh đạo áp dụng các chiến thuật mới lạ như “đánh phủ đầu”, “tiên hạ thủ vi cường”, “đơn phương tấn công”, không cần được sự đồng thuận của các cơ quan quốc tế (như Liên Hiệp Quốc, các nước đồng minh…) mà vẫn khai chiến. Chưa biết kế hoạch quân sự của đảng dân Chủ sau khi Obama đắc cử như thế nào. Hiện nay, có hai học thuyết chiến tranh đang được quân đội Hoa Kỳ áp dụng.

Học thuyết thứ nhất là “Học thuyết chiến-tranh Powell”, mang tên của tướng Powell, người hùng của Quân lực Mỹ trong hai cuộc chiến Vùng Vịnh. Theo học thuyết nầy, có ba điều: thứ nhất, phải đánh bất kỳ nước thù địch nào nếu cần, để bảo vệ quyền lợi nước Mỹ. Thứ hai, chỉ nên phát động chiến tranh nếu được dân chúng ủng hộ, dư luận đồng tình. Thứ ba, khi đánh, Hoa Kỳ phải dùng lực-lượng áp đảo để chiến thắng đối phương. Để áp dụng các tiêu đề nầy, quân đội Mỹ phải nắm rõ ràng mục-tiêu và sử-dụng vũ-lực áp-đảo. Điều nầy có nghĩa trước khi mở màn trận đánh, quân đội Mỹ phải chuẩn bị hoàn tất và nắm rõ mọi chuyện: từ phía ta và địch; khi chiến trận xảy ra, phải dùng vũ lực tối đa trong thế áp đảo. Do đó, sác xuất chiến thắng phải đến một cách chắc chắn, Hoa kỳ đánh trong thế mạnh.


Chiến đấu cơ A-10 Thunderbolt-II

Thứ hai là “học thuyết Rumsfeld”, mang tên vị Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của Tổng Thống George W Bush. Theo học thuyết nầy, cũng có ba tiêu chí. Thứ nhất, khi tham chiến, Hoa Kỳ chỉ “dùng số lượng binh lính ít hơn phía địch quân nhưng phải trong tình trạng cực-kỳ tinh-nhuệ”. Điều nầy có nghĩa không cần quân số đông (để tránh thiệt hại về nhân mạng) mà chỉ chú trọng đến các phương tiện tân tiến để trang bị cho quân nhân hầu có thể tiêu diệt quân thù một cách hữu hiệu. Mục tiêu thứ hai là “tập trung vào các chiến-dịch đặc biệt”. Quân lực Mỹ chỉ tham chiến tại những chiến trường cần thiết, tại nơi mà cần có sự hiện diện của người Mỹ theo nhu cầu chiến thuật, chiến lược của Bộ Quốc Phòng Mỹ. Điều cuối cùng là “xử dụng không lực và áp dụng công-nghệ cao” cho chiến tranh. Đây là điểm then chốt của học thuyết nầy.

Với tiềm lực quân sự hùng hậu, là một quân đội thiện chiến, trang bị đầy đủ, với nguồn tiếp vận dồi dào và nhanh chóng, có thể đáp ứng ngay theo nhu cầu của chiến trường đòi hỏi, quân lực Mỹ phải thanh toán chiến trường nhanh. Như thế, học thuyết nầy chú trọng đến Không quân, đặt nặng đến sự nhanh chóng, dồi dào, hữu hiệu…mà Không quân đang nắm. Ngoài ra, tiêu đề nầy cho thấy cần triệt để khai thác các trang cụ tân tiến mà công nghệ quốc phòng Mỹ đã dày công sáng chế.

Nhìn qua hai học thuyết đều liên quan đến tiêu đề của bài nầy. Áp dụng khoa học kỹ thuật vào quân sự, cái lợi của quân lực Mỹ là có thể tham chiến cùng lúc trên nhiều mặt trận. Hiện nay, quân Mỹ đang tham chiến tại 2 mặt trận, nơi nào cũng cần thiết, cũng nặng nề. Hai học thuyết chiên tranh trên có ít điểm tương đồng nhưng có nhiều dị biệt. Dĩ nhiên tùy chiến trương, tùy mục tiêu, tùy chiến thuật chiến lược,…các cấp chỉ huy trong Quân lực Mỹ phải nghiên cứu, cần phải sửa đổi để áp dụng cho phù hợp theo nhu cầu của trận chiến mới.

Theo Đại Tá hồi-hưu Daniel Smith, nhà phân-tích các vấn-đề quân-sự tại Ủy-ban Pháp-chế Quốc-gia tại Washington DC. nhận-định:

-“Trong tương lai rất gần, Bộ-binh và Thủy-quân Lục-chiến Mỹ sẽ ngày càng giống nhau: gọn nhẹ, lưu-động và dễ phối-trí. Số lượng xe tăng cơ-giới và pháo binh hạng nặng sẽ giảm. Các chiến-dịch đặc-biệt sẽ lớn hơn và chủ động hơn”.

Để thực hiện được các điều vừa đề cập trên, chắc chắn phải cần một nhu cầu thích hợp về trang bị cho quân-đội Mỹ, do đó, các thiết-bị mới cần phải được nghiên-cứu và sản xuất. Theo lời của ông Jan Walker, phát ngôn viên của “Cơ quan Nghiên cứu Dự án Quốc phòng Cao cấp” (Defense Advanced Research Projects Agency, gọi tắt là DARPA), là tổ chức chuyên nghiên cứu và phát triển các thiết bị mới, trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết:

-“Chính phủ Mỹ đang tham gia vào nhiều công trình nghiên cứu các công nghệ mới cho quốc phòng”.


Tổng hành dinh của DARPR ở thành phố Arlington, Virginia.

Quân đội Mỹ đã áp-dụng khoa-học kỹ-thuật từ trước nay nhưng ngày càng có nhiều trang cụ hiện-đại hơn. Chính quyền của Tổng-Thống Bush dự trù rút bớt quân đội Mỹ đang trú đóng tại nước ngoài về nước trong kế-hoạch “tái phối-trí quân-lực”. Việc rút quân nầy không làm thay đổi cán cân lực lượng vì theo lời một giới chức Ngũ Giác Đài cho biết:

-“Mặc dù rút quân về nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ giảm bớt sự cam-kết của mình với đồng-minh. Khi số quân giảm bớt thì khí-giới và kỹ-thuật sẽ bù lại hơn số đó”.

Một giới chức cao cấp khác trong chính quyền Mỹ cho báo giới hay:

-“Tổng-thống Bush sẽ thảo luận cách thức tái phối-trí năng lực quân-sự của Mỹ nhằm đáp-ứng những mối đe-dọa của thế-kỷ 21 bằng kỹ-thuật tân-kỳ và khả-năng mới”.

Trong bài diễn-văn đọc trước gần 15.000 người thuộc “Tổ-chức Cựu Chiến Binh Các Cuộc Chiến-tranh ở Ngoại quốc” (Veterans of Foreign Wars) tại Cincinati, Ohio và tại Kansas City thuộc Missouri, Tổng-thống Bush công-bố kế-hoạch:

- “Bộ Quốc-phòng sẽ dùng đội quân trang-bị khoa-học kỹ-thuật hiện-đại, có sức di-chuyển linh-hoạt, trong tương-lai gần để bảo-vệ tổ quốc”.

Tại cuộc hội nghị 3 ngày tại New Orleans, Louisiana, Bộ trưởng Tư-Pháp John Ashcroft cũng đề cập đến việc Mỹ sẽ ứng-dụng kỹ-thuật tân-tiến vào việc khám-phá các tội phạm và nghi-can khủng-bố để bảo-vệ đất nước. Như vậy, việc áp dụng thành tựu khoa học không những cho các hoạt-động quân-sự mà còn cho cả dân-sự nữa.

Theo kế-hoạch “Tái phối-trí quân-đội” song song với kế-hoạch “Lá chắn phòng-thủ phi-đạn” cùng việc gia-tăng sản-xuất kỹ-thuật trong chiến-tranh để trang-bị cho quân-lực Mỹ là một phần trong chủ-trương của chính quyền Mỹ ở Washington DC là dùng kỹ-thuật thay cho con người trong các cuộc chiến mà quân đội Mỹ sẽ tham gia.


Chiến đấu cơ A-10 Thunderbolt phóng hỏa tiễn vào mục tiêu.

Chúng ta đã biết chủ-trương của nhóm Tân Bảo-thủ trong Đảng Cộng-Hòa, với chiến-lược phòng-thủ nước Mỹ và toàn cầu đã và sẽ dùng các giàn phi-đạn, hỏa-tiễn, máy bay không người lái, ngoài nhiệm-vụ do thám có thể xạ kích mục-tiêu tức-khắc với kết quả chính xác hơn do chính con người đảm nhiệm. Ngoài ra, sau biến-cố 11-9-2001, mọi chuyện đã cho chúng ta thấy rõ-ràng rằng các hoạt động chống khủng-bố đã làm tăng sức ép lên chính-phủ và các tập-đoàn sản-xuất Hoa-Kỳ trong việc nghiên-cứu, ứng-dụng và sản-xuất các thiết-bị thay thế cho con người trong các công-tác mà đối-phương là kẻ thù tàn-nhẫn nhất đã giết người, tự giết mình không gớm tay, không ngần-ngại. Do đó, chúng ta không ngạc-nhiện khi gọi cuộc chiến thời nay là “chiến-tranh công-nghệ”.

Theo tin tờ Financial Times (Anh) và Washington Post, Mỹ có thể rút 70 ngàn và có thể lên đến 100 ngàn quân về nước trong số 200 ngàn quân đóng ở ngoại quốc (100 ngàn ở Á Châu, 100 ngàn ở Âu châu). Riêng số 150 ngàn quân tại Iraq và Afghanistan không nằm trong kế-hoạch nầy.

Không riêng gì phía Mỹ, các giới chức quân sự Trung Cộng cũng đang đặt nặng vấn đề áp dụng kỹ thuật mới trong quân-đội. Họ đã chỉ thị cho các chiến lược gia nghiên-cứu kỹ-lưỡng chiến-thuật chiến lược của cuộc chiến-tranh Iraq mà họ cho là “hình-thái một cuộc chiến-tranh xuất-phát từ ưu-thế về khoa-học kỹ-thuật của Mỹ”. Các chuyên viên Trung Cộng đối chiếu cuộc chiến Iraq với cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991 và so sánh để rút ra những kinh-nghiệm.

Trong cuốn “Chiến-tranh Không giới hạn” của một Đại Tá Trung Cộng, có đoạn viết:

-“Vào thời điểm chiến tranh vùng Vịnh, chúng ta (Trung Cộng) không thể so sánh nổi với thế-lực khoa-học kỹ-thuật chiến-tranh của Mỹ”.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Cộng cũng đã ra chỉ thị:

-“Bộ Chính trị phải tăng cường và tập trung nỗ-lực “yểm-trợ an ninh quốc phòng và hiện đại hóa quân đội”, phải đưa kỹ thuật tin học vào quân đội và động-viên toàn bộ sức mạnh khoa-học kỹ thuật để phục vụ nhu cầu quân đội”.

Chủ tịch Quân Ủy Trung ương quân đội Trung Cộng Jiang Zemin chỉ thị:

- Quân đội phải đẩy mạnh “cuộc cách mạng kỹ-thuật” bằng cách cải tổ quân đội “thành đơn-vị nhỏ nhưng tinh nhuệ hơn dựa vào khoa-học kỹ-thuật”.

Chiến-đấu-cơ F-16 Fighting Falcon

Qua các điều vừa đề cập, thành tựu khoa học kỹ thuật được chính quyền cùng các nhà quân sự nhiều nước chú ý đáng kể để hiện đại hóa quân đội của họ.

Người ta gọi chiến trường Afghanistan và Iraq là “chiến trường thí nghiệm”. Tại đây, Mỹ áp dụng những thành quả mạ họ nghiên cứu từ trước mà chưa có cơ hội thử nghiệm thực tế. Thực vậy, tại hai nơi nầy, người ta biết đến các phương tiện chiến tranh mới mà đề tài nầy nói đến: chiến tranh công nghệ.

C. CHIẾN TRANH AFGHANISTAN.

1. Cuộc chiến tiêu diệt Taliban và Al Qaeda của quân Mỹ.

Sau
biến cố 11-9-2001, trong cuộc điều trần trước Quốc Hội Mỹ vào ngày 20-9-2001 và thông điệp trước quốc dân Mỹ vào ngày 7-10-2001, Tổng Thống Bush cho biết quyết định của chính phủ Mỹ là sẽ tấn công vào Afghanistan để tiêu diệt chế độ Taliban để diệt quân khủng bố Al Qaeda do tên Osama bin Laden cầm đầu. Khi mệnh lệnh tấn công vào Afghanistan của Tổng Thống George W. Bush, Tổng Tư lệnh Tối cao của Quân đội Mỹ ban ra, cuộc hành quân mang tên “Hành Quân Sức Mạnh của Tự Do” (Operation Enduring Freedom), còn gọi là “Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu” Global War on Terrorism (GWOT) bắt đầu.

Lực lượng tham chiến ban đầu hoàn toàn do quân đội Mỹ, các đồng minh chỉ là nỗ-lực phụ. Bắt đầu ngày 7-10-2001, trước khi cuộc tấn công trên bộ khai diễn, các phi cơ B-1 Lancer, B-2 Spirit và pháo đài bay B-52 Stratofortress, được sự yểm trợ của các loại F-14 Tomcat và F/A-18 Hornet của Hải Quân Mỹ bỏ bom các cứ điểm mà tin tình báo cho hay có quân Taliban trú ngụ. Ngoài ra, các hỏa tiễn Tomahawk được phóng đi từ tàu chiến và tàu ngầm của Mỹ và Anh liên tục bắn vào đất Afghanistan.


Lực lượng Liên quân do Mỹ cầm đầu tiến về mặt trận Afghanistan vào tháng 11-2001, từ trái sang:
MM Maestrale (F 570), De Grasse (D 612); USS John C. Stennis (CVN 74), Charles De Gaulle (R 91), Surcouf (F 711); USS Port Royal (CG-73), HMS Ocean (L 12), USS John F. Kennedy (CV 67), HNLMS Van Amstel (F 831); và MM Durand de la Penne (D 560).

Trận bộ chiến đầu tiên của cuộc hành quân do Task Force Sword (TFS) thuộc Bộ Chỉ Huy Hành quân Đặc Biệt, đặt dưới quyền chỉ huy của Đại Tướng Tommy Frank, Bộ Chỉ huy Trung ương (Central Command) ở Trung Đông thực hiện. Khi màn đêm sắp buông xuống, các chiến sĩ của TFS lên các trực thăng Chinook, có trang bị súng Gunship 6 nòng (xem hình) bay vào vòng chiến, được các chiến đấu cơ hộ tống. Trước khi các Chinook đổ quân, các phi cơ từ các Chiến Đoàn (battle group) (1) Hàng Không Mẫu Hạm (HKMH) oanh tạc phủ đầu, các hỏa tiễn, các khẩu pháo từ các HKMH tới tấp, tối đa nã vào các mục tiêu, dọn bãi để đổ quân. Ngay trong trận đầu tiên, quân nhân của TFS đã tiêu diệt vô số địch quân, bắt sống một số mang về HKMH Kitty Hawk để khai thác. Tàn binh al Qaeda chạy tán loạn, làm mồi cho trực thăng võ trang bắn hạ tuy rằng trong đêm tối. Cứ đêm tối đến, các chiến sĩ thuộc TFS lại vào trận địa, mờ sáng lại trở ra HKMH nghỉ ngơi.

Lực lượng Hải quân tham chiến gồm có Chiến đoàn HKMH Enterprise, Chiến đoàn HKMH George Washington cùng với Chiến đoàn HKMH Kitty Hawk. Các phi đội chiến đấu và oanh-tạc cơ thay phiên nhau cất cánh, bay vào tiêu diệt mục tiêu, mỗi HKMH có từ 85 đến hàng trăm chiến đấu-cơ và oanh-tạc-cơ. Lực Lượng bộ binh của Hoa Kỳ tham chiến gồm: Sư Đoàn 10th Mountain, Sư Đoàn 101st Không vận Kỵ binh, các toán Lực Lượng Đặc Biệt TF 11, TF Bowie và TF Dagger. Quân đội Liên quân gồm có: Thủy Quân Lục Chiến Quân Đội Hoàng Gia Anh quốc, Sư Đoàn 3 Gia Nã đại, Lực Lượng Kỵ binh Nhẹ Nữ Hoàng Canada, Quân Lực Quốc gia Afghanistan, Lực lượng KSK của Đức, Lực Lượng Không Quân Đặc Biệt của Úc, Lực Lượng Không Quân Đặc Biệt của Tân Tây Lan cùng toàn quân của Liên Minh Phương Bắc.


Tướng Franks, Tư Lệnh Mặt trận gặp gỡ các vị chỉ huy Liên Minh Phương Bắc trên đất Afghanistan.

Liên quân tiến quân nhanh hơn người ta tưởng, tiêu diệt dễ dàng các cứ điểm của quân Taliban. Chúng bị vỡ từng mảnh nhỏ và sớm bị loại ra ngoài vòng chiến, Mazari Sharif một lãnh đạo của Taliban bị diệt vào ngày 9-11-2001. Đa số tàn quân của Taliban chạy qua Pakistan. Trận Tora Bora, gồm liên quân Anh Mỹ, Liên Minh Phương Bắc xem như xóa sổ tổ chức Taliban vào tháng 11-2001 trên toàn lãnh thổ Afghanistan. Chiến dịch Operation Enduring Freedom đã giải phóng nhân dân Afghanistan khỏi sự cai trị của tập đoàn lãnh đạo bạo tàn Taliban. Sau đó, chính quyền Afghanistan được thành lập để điều hành quốc gia.

Kể từ cuộc chiến khai diễn đến khi chuyển giao quyền lực cho chính phủ Afghanistan, Hoa Kỳ tốn cho cuộc chiến nầy 0 tỷ Đô La.

2. Các cuộc chiến trên đất Afghanistan.

a. Cuộc chiến với Anh quốc.

Trước
khi quân Hoa Kỳ và Nga hiện diện trên đất Afghanistan, nơi nầy đã ba lần chôn thây quân Anh khi đế quốc nầy xâm lăng Afghanistan. Lần thứ nhất, khi đế quốc Anh bành trướng, Nam Á là vùng đất mà người Anh để mắt đến mà Ấn Độ và Afghanistan là hai vùng gần nhau. Theo lịch sử, qua bao thăng trầm, Afghanistan được thành lập vào thế kỷ 19 với biên giới vẫn chưa ổn định, do sắc tộc Pachtoune thống trị. Năm 1818, Dust Mohammad lên ngôi. Năm 1837, vua Iran mở mặt trận đánh chiếm Herat nên đế quốc Anh nhảy vào cuộc. Quân Anh biết các ngọn đèo ở Afghanistan sẽ mở đường đến Ấn Độ và cho rằng Sa hoàng Nga chắc chắn phải đứng sau lưng Iran nên quyết định liên minh với Dust Mohammad nên cử một công sứ toàn quyền đến Afghanistan. Sa hoàng Nga cũng cử đến Afghanistan một công sứ.


Liên quân Anh - Mỹ tại trận tuyến.

Giống như trước đó, triều đình Afghanistan giữ mối quan hệ với cả đôi bên. Chính quyền Anh không chấp nhận tình trạng nước đôi nầy nên đã đưa đội quân viễn chinh đánh chiếm Kabul, lập Chouia lên ngôi vua, lập nên vương triều Shah Shuja. Dust Mohammad đầu hàng. Con trai Dust Mohammad là Akhbar ở lại Kabul tiếp tục tổ chức đánh du kích, làm cho quân Anh thiệt hại nhiều.

Thấy tình thế nếu kéo dài sự thiệt hại sẽ rất lớn, chính quyền Anh phải cử sứ thần điều đình với Akhbar. Trong thế mạnh, đích thân Akhbar giết luôn sứ thần. Đạo quân Anh, Ấn gồm 4.500 binh sĩ và 12.000 thường dân đi theo phải rút khỏi Afghanistan trong cái lạnh và đói ăn, giống như đạo quân của Napoléon rút khỏi Mạc Tư Khoa năm 1812. Đến đèo Koord-Kabul, đạo quân bị phục kích: tất cả đều bị tiêu diệt hoặc bị bắt sống, chỉ trừ một người duy nhất sống sót chạy về Ấn Độ báo hung tin. Nước Anh đã phải từ bỏ mộng xâm lăng Afghanistan mà chỉ giữ Ấn Độ.

Cuộc chiến tranh thứ hai của Anh ở Afghanistan xảy ra vào năm 1878. Cũng tương tự như các nguyên nhân lần trước. Nước Nga đánh chiếm nhiều vùng ở Afghanistan. Anh không muốn Nga tiến sâu về hướng Ấn Độ là nơi Anh đang chiếm nên Anh đưa quân chiếm Afghanistan. Tháng 5-1879, đại diện chính quyền Anh ký hiệp ước bảo hộ với Afghanistan. Vài tháng sau đó, vị công sứ toàn quyền Anh bị người Afghanistan giết. Chiến tranh trả đũa bùng nổ, Anh chiến thắng nên loại Nga khỏi địa bàn. Anh lập vua Haib Allah lên nắm quyền. Ông nầy khôn khéo, không muốn Afghanistan bị lôi vào chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Năm 1919, Allah đề đạt với phó vương Ấn Độ, công nhận Afghanistan độc lập.

Cuộc chiến tranh thứ ba của Anh tại Afghanistan từ 1919 với chiến dịch mới của Anh, tái đánh Afghanistan, và họ đã thành công. Rút kinh nghiệm hai lần đầu, London chỉ tiến hành những chiến dịch quân sự có quy mô hạn chế rồi chuyển sang chính sách vận động từng phe phái riêng lẻ ở Afghanistan. Để thi hành chủ đích này, họ chủ yếu sử dụng sức mạnh tài chính (tiền, vàng bạc), hứa hẹn những chức vị, mua chuộc phái này, khích bác phái kia để các phe phía chống đối nhau rồi yếu dần hoặc chí ít cũng làm giảm đáng kể sức mạnh tổng hợp các lực lượng chống đối. Tuy nhiên, việc Anh cố ép Afghanistan phải chấp nhận vị vua do họ lập ra nên đã vấp phải sự chống đối quyết liệt của tất cả các phe phái ở đây.

Trong thời gian đó, quân Anh bị rải trên nhiều vùng đất họ chiếm được gọi là “Liên Hiệp Anh”, bao gồm nhiều nơi trên nhiều châu lụ, với câu nói: “Mặt trời không bao giờ lặn trên đất Anh”, nghĩa là Anh chiếm được nhiều nơi trên địa cầu, từ Đông sang Tây nên quân số rất mỏng. Những năm sau, Anh nhận thấy nếu cứ tiếp tục giữ vùng đất khô cằn nầy sẽ không có lợi nên họ rút khỏi Afghanistan. Nhìn chung, quân Anh đã thất bại, chịu tổn thất khá lớn cũng như uy tín giảm sút nặng nề trong thời gian họ hiện diện trên đất Afghanistan.

b. Cuộc chiến với quân Nga.

Mãi
đến năm 1921, vua Aman Allah mới đạt được nguyện vọng: dành được độc lập cho Afghanistan. Những năm sau, vua Maman Allah muốn hiện đại hóa đất nước nhưng vấp phải sự chống đối từ giới tăng lữ bảo thủ. Nội chiến xảy ra giữa các phe phái và kết thúc trong biển máu. Nếu trước Afghanistan là vùng đệm giữa Iran, Sa hoàng và Anh - Ấn thì sau chiến tranh thế giới thứ hai, là vùng đệm tại châu Á của chiến tranh lạnh giữa khối Cộng sản và khối Tự do. Vua Mohammad Zahir đón tiếp cả Eisenhower của Mỹ lẫn Khrouchtchev của Nga. Đến năm 1973, hoàng thân Mohammad Daoud buộc vua Zahir phải thoái vị, phải sống lưu vong, để tuyên bố Afghanistan theo chế độ cộng hòa và lên ông ta làm Tổng thống.


Chiến xa của Nga tại Afghanistan.

Năm 1978, Hoàng thân Daoud bị ám sát, Mohammed Taraki lên cầm quyền rồi bị Hafizullah Amine lật đổ. Ngày 24-12-1979, căn cứ vào hiệp định Nga đã ký kết với Afghanistan trước đó một năm, các binh đoàn quân Nga tiến vào Afghanistan: chiến dịch mang tên “Gió lốc 333” bắt đầu. Dinh tổng thống bị tấn công, một “chính quyền xã hội chủ nghĩa” do Babrak Karmal lãnh đạo được thành lập, do quân Nga hậu thuẫn. Từ 1979-1980, quân Nga chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ chính quyền mới, đóng tại các cứ điểm chiến lược. Sang năm thứ hai, họ bắt đầu phải chiến đấu đánh trả các phần tử nổi dậy do Pakistan vũ trang và Mỹ tài trợ. Thời gian kéo dài, sự thiệt hại của Nga tăng theo, buộc chính quyền Nga thay đổi ý định. Năm 1988, Tổng thống Gorbachev quyết định rút quân về nước. Đợt rút quân cuối cùng khỏi Afghanistan kết thúc vào ngày 15-2-1989.

Trong 10 năm từ năm 1979, có đến 620.000 binh sĩ Nga đặt chân đến Afghanistan. Lực lượng Nga thường trực chiến đấu từ 80.000 đến 105.000 quân. Thiệt hại được chính quyền Nga công bố sau nầy: 15.000 binh sĩ Nga tử trận hoặc mất tích. Thật sự, con số chính xác còn cao gấp nhiều lần. Đến năm 1992, chính quyền “xã hội chủ nghĩa” ở Afghanistan sụp đổ theo, nó “sống dai” hơn chính quyền Nga một năm.

Nhìn chung, trong 10 năm xâm lăng Afghanistan, quân Nga cũng phải trả giá rất đắt khi đưa quân vào Afghanistan. Các hang động hầm hố tại đây đã làm thiệt hại cho quân Nga rất nhiều. Ngoài tổn thất về nhân mạn và của cải, họ còn mất một thứ lớn hơn thế: Tâm trạng cay đắng vì thất bại đã góp phần dẫn đến sự sụp đổ liên bang Nga, tiêu tan một chủ thuyết, sụp đổ cái gọi là thành trì của chủ nghĩa Cộng sản. Nhiều nhà phân tích cho rằng trong các nguyên nhân dẫn đến thất bại của Liên Bang Xô Viết nói riêng, chủ nghĩa Cộng sản nói chung, có những yếu tố đặc thù, từ cuộc xâm lăng Afghanistan.


Bộ binh Nga tại Afghanistan.

Tuy nhiên, các nguyên nhân xuất phát từ chính Liên Xô là đáng kể nhất, họ đã tự làm yếu chính họ. Chỉ riêng về quân sự, chính phủ Mạc Tư Khoa đã “chạy đua” với Mỹ nhiều lãnh vực, làm khánh kiệt kho tàng quốc gia vốn dĩ “không đáng kể” sau khi chiếm từ Sa hoàng. Với một đất nước Nga thua Mỹ trên nhiều phương diện nhưng “tham vọng đế quốc” đã làm mờ mắt các nhà lãnh đạo sắt máu. Tài sản quốc gia đã đổ vào các chương trình không gian, chương trình hiện đại hóa quân sự, viện trợ cho các nước đàn em tay sai để bành trướng chủ-nghĩa hoang tưởng v.v… đã làm đất nước đi đến chỗ “mạt rệp”. Những thất bại trên nhiều mặt liên tiếp đã kéo theo sự sụp đổ một chủ nghĩa mà họ ôm ấp chỉ là một chủ nghĩa hoang tưởng, một “thiên đường” không bao giờ đến, đó là Thiên đường Cộng sản.

Khi quân Nga rút đi, Burhanudin Rabbani, người đứng đầu Liên minh các phe phái Hồi giáo lên làm tổng thống. Từ năm 1992 đến 1996, các phe phái mâu thuẫn, lẫn nhau do nhiều nguyên nhân, dẫn đến nội chiến sắc tộc để giành quyền kiểm soát Kabul. Ngày 27-9-1996, phe Taliban được Pakistan hậu thuẫn, là tác nhân mới trên bàn cờ Afghanistan, đánh chiếm Kabul, thiết lập chính quyền Hồi giáo cực đoan, do giáo sĩ Omar lãnh đạo. Các phe phái thua trận rút dần về miền Bắc, cùng hợp tác lại, thành lập “Mặt Trận Thống Nhất” còn gọi là “Liên minh phương Bắc” để chống Taliban. Mặt trận này bao gồm các tay súng của 3 phe phái chính: 1/ Phe của thủ lĩnh Ahmad Shad Massoud, thuộc sắc tộc Tadjik, sau khi ông bị ám sát chết ngày 9-9-2001 thì Moukhammad Fakhim lãnh đạo, 2/ Phe của tướng Dostom thuộc sắc tộc Ouzbek, và 3, Phe của các phần tử thuộc sắc tộc Hazara.

3. Nói thêm về Nga.

Nhắc
đến Nga mà quên nhắc đến câu nói của Thủ Tướng Nga, Nikita Khrushchev, một trùm Cộng sản hung hăng quả là điều thiếu sót. Trong diễn từ trong một buổi tiếp tân tại sứ quán Ba-Lan ở Mạc-Tư-Khoa vào ngày 18-11-1956, lúc nói đến Mỹ, Nikita Khrushchev đã lớn tiếng "Мы вас похороним!", chuyển dịch (transliterated) là “My vas pokhoronim!”, dịch sang Anh ngữ là "We will bury you!", có nghĩa “Chúng tôi sẽ chôn vùi các anh”. Nguyên văn câu nói đầy đủ là “Нравится вам или нет, но история на нашей стороне. Мы вас закопаем” chuyễn sang Anh ngữ: "Whether you like it or not, history is on our side. We will dig you in", Dầu các ông có thích hay không, lịch sử đứng về phía chúng tôi. Chúng tôi sẽ chôn vùi các ông.


Bộ binh Nga "làm nghĩa vụ quốc tế" tại Afghanistan.

Vào ngày 24-8-1963, tên Cộng Sản đầu sỏ nầy còn nhắc lại điều nầy khi y phát biểu tại tại Yugoslavia:

-“I once said “We will bury you” and I got into trouble with it. Of course we will not bury you with a shovel. Your own working class will bury you," (Trong một lần tôi đã nói “Chúng tôi sẽ chôn vùi các ông” và tôi đã gặp rắc rối vì điều đó. Dĩ nhiên chúng tôi sẽ không chôn các ông với một cái xẻng. Các việc các ông làm sẽ chôn các ông).

Câu nói “We will bury you” được Jan Sejna (sinh ngày 12-5-1927, một tên Tướng vừa là đảng viên Đảng Cộng Sản Czechoslovia) lấy làm tựa đề cho một cuốn sách của ông ta về chiến lược Cộng Sản trong thời chiến tranh lạnh (Cold war).

Có điều mỉa mai mà ít người biết, con trai của tên trùm Cộng Sản hung hăng đó lại “xin nhập quốc tịch Mỹ”, kẻ thù của ông ta. Sergei Nikitich Khrushchev tên Nga LÀ Серrей Никитич Хрущёв, trước khi đến Mỹ để nhận được thẻ xanh của Mỹ vào năm 1994 là một Tiến sĩ làm việc trong Phòng Nghiên cứu Hệ thống hướng dẫn cho Hỏa tiễn và làm việc trong chương trình Không Gian Nga thời Cộng Sản. Sergei cùng vợ và 2 con đã giơ tay “tuyên thệ trung thành với nước Mỹ” khi họ được nhập quốc tịch Mỹ vào ngày 12-7-1999 tại buổi tuyên thệ dành cho các tân công dân Hoa Kỳ, tại giảng đường của Trường Đại học Brown thuộc thành phố Providence, Rhode Island.

Tiếc thay cho cái “thiên đường” mà Khrushchev theo đuổi lại bị chính con ruột của mình ruồng bỏ. Ông Sergei đã nhận ra cái chủ nghĩa hoang tưởng đó nên không thể sống ở nơi mà “hơi hướm cộng sản” vẫn còn, dù đó là nơi chôn nhau cắt rún của mình nên phải sang Mỹ tìm cuộc đời mới trên đất kẻ thù. “Cha làm thầy, con bán sách”, câu Ông Bà chúng ta đã nói, quả không sai!

Về khách quan, một số lớn binh lính Nga chết tại Afghanistan vì những căn bệnh không chửa được. Về chủ quan, chiến thuật quân sự của họ mắc nhiều sai lầm, tinh thần quân lính thì suy sụp. Thêm vào đó, gần như tất cả các phe phái ở Afghanistan đều chống đối ý thức hệ mà Liên Xô mang đến đây. Người Nga đã không lường trước được quan điểm của dân chúng và các phe phái tại Afghanistan. Quân Nga chỉ được một nhóm “trí thức thành thị”, những người từng theo học ở Nga và một số sĩ quan quân đội “say mê lý tưởng Cộng Sản” ủng hộ. Họ thất bại vì đã cố gắng áp đặt đường lối riêng của mình lên một nước mà nơi đó khác cả về văn hóa lẫn tôn giáo với Nga. Sau 10 năm, họ rút khỏi Afghanistan mang theo nỗi nhục nhã vì chiến bại. Ngoài ra, quân Nga mang về cố quốc mầm bệnh tật cùng nỗi ám ảnh khó gột rửa khi không mang về chính quốc điều gì, ngoài chiến bại.


Các chỉ huy của người Afghanistan chống Nga.

Người ta thường nhắc đến “Nỗi ám ảnh của Mỹ sau chiến tranh Việt Nam” với các cựu chiến binh nghiện ngập, thất nghiệp, vô gia cư, gia đình tan vỡ, xã hội Mỹ bị ảnh hưởng, v.v… bởi vì giới truyền thông thiên tả Mỹ thổi phồng theo ý đồ của họ, bởi sự tự do báo chí, bởi người Mỹ không dấu diếm điều xấu gì… Ngược lại, không ai nói đến “nỗi ám ảnh của người Nga sau cuộc chiến Afghanistan”. Chúng ta biết, người Cộng Sản dấu nhẹm những thất bại, những sự thật có hại cho uy tín của họ, những tệ trạng xã hội, tham nhũng, bè phái,… những chuyện mà họ cho là “làm nhục quốc thể”. Có mấy người biết được những của cải mà chính quyền Cộng Sản thu gom từ dân chúng Nga, sau ngày “Liên Bang tang hoang” đi về đâu? Tài sản trong các xí nghiệp quốc doanh vào túi giới nào? Các tệ trạng xã hội như băng đảng, trộm cướp, hối mại quyền thế, tham nhũng…tại Nga, có mấy người được biết? Không những chỉ ở Nga mà cả tại cả các nước Cộng Sản khác như Tàu Cộng, Bắc Hàn, Cuba, Việt Nam, những cái xấu không ai dám thố lộ.

4. Người Nga nói gì về Afghanistan?

Trở
lại chuyện Afghanistan, khi quân Mỹ chuẩn bị tấn công Afghanistan, nhiều sĩ quan cao cấp Nga đã tuyên bố vung vít, khuyên các sĩ quan Mỹ nên nghe theo lời “vàng ngọc” của họ nếu muốn chiến thắng vì họ đã có “kinh nghiệm đầy mình” về đất nước Afghanistan. Ta hãy nghe các Tướng Tá Nga nói những gì.

Đầu tiên là Tướng Boris Gromov, nguyên Tổng Tư Lệnh Binh Đoàn 40, sinh năm 1943, người đã dẫn quân vượt sông Amu Darya kết thúc đợt rút quân cuối cùng của quân Nga ra khỏi Afghanistan. Hiện nay, Gromov giữ chức Bộ trưởng Nội An. Theo ông nầy:

-“Mỹ sẽ sa lầy vào cuộc chiến lâu dài không lối thoát. Mỹ không thể tấn công bằng bộ binh trên quy mô lớn”. Ông ta còn nói:

-“Cứ một binh sĩ Mỹ chiến đấu phải cần đến 4 binh sĩ tiếp tế. Dĩ nhiên Mỹ sẽ thất bại nặng”.

Thứ nhì, cựu Đại tá Không quân Evgueni Zelenov, hiện nay là đại biểu Quốc hội Duma. Ông là phi công từ năm 1979 ở Afghanistan và nhiệm vụ cuối của ông tại chiến trường Afghanistan là đưa toàn bộ nhân viên đại sứ quán Nga ra khỏi Kabul năm 1992 trên 3 máy bay vận tải dưới làn đạn của đối phương. Ông ta được phong “anh hùng” với “chiến công”: một máy bay bị trúng đạn rơi xuống đất trong lần rút quân đó. Có lẽ được thưởng vì đáng lý ra là bị bắn rớt cả 3 chiếc, nhờ ông “giỏi” nên chỉ có một chiếc bị rơi. Ông Evgueni Zelenov đưa ra nhiều nhận định với câu kết luận:

-“Cách tốt nhất là Mỹ nên nhớ bài học của Nga và đừng đặt chân lên Afghanistan”.


Quân Nga hồi hương, với bộ dạng thất thểu, phải dùng "ô tô bước" (đi bộ) do không xe pháo gì.

Người Nga tập làm quen với phương tiện nầy để rồi sẽ dùng đôi chân đó đi đến "Thiên đường Xã Nghĩa" thế nhưng họ đã phải bỏ cuộc nửa chừng vì "thiên đường quá xa vời" (Chú thích của tác giả).

Thứ ba là Tướng Rouslan Aushev, cũng được phong “anh hùng” nhờ “chiến công” tại Afghanistan, hiện là Tổng thống nước Ingouchie. Ông cho rằng:

-“Mỹ đánh ở Afghanistan còn khó thắng hơn so với chiến tranh Việt Nam hay ở khu vực Balkan. Cho dù Mỹ tận dụng tiềm lực không quân cũng không thể đánh đối phương ẩn náu sâu trong núi và lại phải chịu tổn thất cao như Liên Xô trước đây”.

Thứ tư, Tướng Không quân Alexandre Rutskoi, cũng đã được phong “anh hùng” do có thời gian phục vụ tại Afghanistan, cho rằng:

-“Mỹ rất khó dùng chiến tranh chớp nhoáng tại Afghanistan. So với Nga, Mỹ không có biên giới chung nên việc tiếp tế và điều quân sẽ khó khăn bội phần”.

Ông nầy còn cho rằng:

-“Mỹ ném bom hoặc đổ quân là điều rất phiêu lưu. Tốt hơn, Mỹ yểm trợ tiền bạc, vũ khí, đạn dược, lương thực, máy bay, cố vấn, huấn luyện... cho Liên minh phương Bắc đánh lại Taliban”, nghĩa là “Mỹ dừng nên vào đất Afghanistan”.

Cuối cùng là Đại tá Franz Klintsevitch, hiện là đại biểu Quốc hội Douma, từng chiến đấu tại Afghanistan vào năm 1986. Theo ông nầy:

-“Mỹ cần thu thập thông tin tình báo, chuẩn bị dư luận quần chúng, thực hiện chiến tranh tâm lý tại Afghanistan trước khi đưa quân vào Afghanistan”.

Ông ta còn cả quyết rằng:

-“Nếu quân Mỹ đổ vào, cuộc chiến sẽ kéo dài nhiều thập niên, trừ phi “toàn bộ dân Afghanistan đều bị giết sạch”.

Ngoài các tên tuổi vừa nêu ra, còn nhiều “lời vàng ngọc” dành cho người Mỹ khác từ nhiều người Nga, qua kinh nghiệm “chiến bại” của họ khi làm “nghĩa vụ quốc tế” tại đất nước nầy.

Thật sự, mọi chuyện, như chúng ta đã thấy, đã trái ngược với những “kinh nghiệm đầy mình” của các giới chức quân sự Nga. Quân đội Mỹ đã áp dụng nhiều chiến thuật thích hợp để thanh toán chiến trường, chính yếu là họ áp dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật khi chế tạo các khí tài quân sự tân kỳ để áp dụng cho từng loại mục tiêu, cho từng trận chiến.


Hỏa lực Không quân "dọn bãi" trước khi đổ quân.

Với hệ thống hầm hố, địa đạo, quân Mỹ dùng bom áp nhiệt mà người sáng chế là một nữ lưu gốc Việt, bà Dương Nguyệt Ánh. Với địa thế khó dùng quân xa, ngoài việc dùng ngựa, quân Mỹ dùng các chiến xa đặc biệt, dùng robot, dùng máy bay không người lái. Với đêm tối của vùng núi đồi đầy bụi bặm, với hệ thống laser hồng ngoại, binh sĩ có thể nhìn được mục tiêu. Với những nơi quân Mỹ khó vào, đã có hệ thống định vị toàn cầu và các hệ thống tình báo, do thám… báo cáo, họ chỉ việc ra lệnh cho phi cơ không người lái đến phóng rốc kết, hỏa tiễn để thanh toán mục tiêu. Và còn nhiều nữa.

Nếu với một địa hình địa thế hiểm trở như vậy, Afghanistan là “vùng đất bất khả xâm phạm” hay sao? Và như thế, yếu tố “địa lợi” là điểm then chốt cho mọi chiến trường hay sao? Không phải vậy. Ít nhất là hiện tại. Với những đội quân được trang bị những phương tiện có thể khắc chế được trở ngại của địa thế, như quân đội Hoa Kỳ hiện nay, việc giải quyết chiến trường không còn lệ thuộc vào yếu tố “địa lợi” như binh pháp cổ xưa nữa.

Kể từ ngày 7-10.2001 khai diễn cuộc chiến đến nay, quân Mỹ và NATO cùng Lực Lượng Liên Quân còn hiện diện trên đất Afghanistan, cuộc chiến còn đang tiếp diễn, người ngoại quốc còn tiếp tục mất mạng trên đất nước nầy, người dân Afghanistan còn phải chịu cảnh bom đạn, thương vong. Gần đây, qua thắng lợi của Obama và đảng Dân Chủ tại Lưỡng viện Quốc Hội Mỹ, nhiều chuyên gia cho rằng chắc chắn lực lượng Taliban và Al Qaeda sẽ hoạt động mạnh trở lại tại Afghanistan sau bao năm bị Liên quân truy lùng gắt gao bởi họ biết rằng Đảng Dân Chủ nghiêng về đối nội, không có sở trường về điều binh kiển tướng. Họ cho rằng Afghanistan sẽ là điểm nóng trong tương lai. Một nước Nga quyết “lấy lại thế siêu cường” sau khi đã sụp đổ, sẽ dùng lợi thế về địa lý để giúp đỡ các lực lượng chống Mỹ và NATO tạiAfghanistan cũng là điều họ tiên đoán. Và như thế, tương lai của Afghanistan chắc sẽ khong được sáng sủa mấy nếu không nói là tồi-tệ hơn. Thời gian sẽ trả lời.

D. ĐIỂN HÌNH CỦA CHIẾN TRANH CÔNG NGHỆ.

Không
phải lúc nào quân Mỹ có mặt tại chiến địa mới tiêu diệt được quân thù. Với những trang bị, những phương tiện mới, người Mỹ có thể xạ kích địch quân khi cách xa họ có khi đến nửa vòng trái đất. Các chuyên viên Mỹ ngồi tại các trung tâm chỉ huy trên đất Mỹ hay các căn cứ khác trên đất đồng minh, trong phòng gắn máy lạnh, với hệ thống viễn khiển, họ có thể điều động phi cơ, phi cơ không người lái đến tấn công mục tiêu hay quan sát, thám thính, chụp hình v.v…trên vòm trời của mục tiêu rồi chuyển tin về cho họ. Chuyện nầy nói có người không tin: “làm sao đang ở Mỹ mà lái máy bay đi tấn công quân địch được?”. Thật sự là vậy. Xin mời độc giả theo chân các chiến binh Mỹ “ngồi bàn giấy mà đánh giặc” sau đây.


Các Căn cứ Không Quân" (Air Force Base) trong nội địa nước Mỹ.

Tại “Nellis Air Force Base”, Căn cứ Không Quân Nellis - một trong nhiều căn cứ không quân (1) trên đất Mỹ (hình trên) lại “điều hành” cuộc chiến tại hải ngoại - nằm trên đất Nevada, là bản doanh của “Đoàn phi cơ trinh sát 15”, RS 15 (RS: Reconnaissance Spy) với 25 chiếc phi cơ không người lái Predator (Dã thú) đang tham chiến tại chiến trường Iraq, khoảng gần 200 chiến binh làm việc tại Nellis. Các quân nhân Mỹ tại đây, hàng ngày “lái máy bay chiến đấu mặt trận Iraq” mà họ không ra khỏi nước Mỹ: ở tại Mỹ mà tham gia trận chiến tại Iraq.

Trước chiếc bàn với nhiều phím bấm, với màn hình rộng trước mặt, họ dán mắt vào đó để theo dõi chiến trận tại đất Iraq để khi cần, bấm nút ra lệnh cho phi cơ của họ lái xạ kích vào mục tiêu. Phi cơ của họ lái, các chiếc phi cơ không người lái Predator đang bay dọc ngang trên vòm trời Iraq trong một khoảng không phận được chỉ định. Họ, những “người lái” lại ngồi trên đất Mỹ, cách xa nó đến hơn 12.000 cây số.

Người ta không lạ gì từ ngữ “học hàm thụ”, ngồi ở nhà mà vẫn học hành đỗ đạt bằng cấp mà sẽ cảm thấy lạ lẫm với từ ngữ “chiến đấu tại bàn giấy” như các quân nhân tại Nellis và nhiều căn cứ Mỹ khác. Tại Nellis, các quân nhân Mỹ “tham chiến” 24 giờ mỗi ngày bất kể nam hay nữ không có ngoại lệ, không có ngày lễ, chia làm ba ca trực chiến mỗi ngày, cứ 3 tuần lại đổi giờ làm việc theo lối luân phiên. Họ làm việc thật căng thẳng, gò bó, nguyên tắc.

Nếu muốn rời vị trí đang theo dõi các phi cơ phải xin phép thượng cấp và phải có người thay thế trước khi rời ghế ngồi. Người thay thế phải được biết rõ những gì đã xảy ra, những gì đang cần theo dõi và những gì nghi ngờ sẽ xảy ra, theo kinh nghiệm của người cần rời chỗ làm để người trực thế tiếp tục làm tròn sứ mạng. Dù thay thế nhiệm vụ chừng 5, 10 phút nhưng người nầy phải biết rõ mọi diễn tiến, như lúc bàn giao khi mãn phiên trực. Chính những gò bó, căng thẳng, nguyên tắc… trong suốt phiên trực nầy mà các chiến binh tại Đoàn RS15 ở Nellis gọi phi cơ Predator là “trại giam Shawshank”, tên một nhà tù khắc nghiệt trong “Shawshank Redemption”, một phim bi, thảm kịch (drama) do Hollywood sản xuất năm 1994, với diễn viên gạo cội lừng danh Morgan Freeman thủ vai chính, đã thu được ,341,469 Đô-la trong tuần công chiếu đầu tiên.

Người ta cho rằng các chiến binh làm việc tại những trung tâm hành quân như tại Nellis có hai cuộc sống, vật chất và nội tâm, ảnh hưởng rất nhiều đến con người họ. Khi ngồi làm việc tại nơi nầy, họ là một chiến binh, nghĩa là bắn phá, tàn sát, thấy cảnh đổ nát, chết chóc, hoang tàn. Khi mãn phiên trực, họ trở về là một con người bình thường trong cuộc sống với vợ, chồng, con cái. Đôi khi cảnh bắn giết đó ảnh hưởng đến họ, dằn vặt họ vì chính tay họ đã thực hiện các cảnh bắn giết vừa qua. Tuy nhiên, chiến tranh là như vậy. Không phải chiến đấu tại chiến địa thì phải chiến đấu nơi bàn giấy.



Chiến đấu cơ của Không lực Mỹ.

Người Mỹ đã đưa chiến tranh ra khỏi nước Mỹ nếu không muốn chiến tranh xảy ra như vụ 11-9-2001, hay trước đó, vụ đánh bom vào Trung Tâm Thương Mại Thế Giới (WTC) vào ngày 26-1-1993 (xem hình) làm 6 người chết và hơn 1000 người bị thương, một phần dưới bị phá hủy. Chính phủ Mỹ tránh cái chết cho binh sĩ của họ tại mặt trận nhưng khó có thể bảo vệ họ khỏi những dằn vặt do chiến tranh gây ra, có thể tác động tâm lý để sinh ra bi kịch trong xã-hội, như tâm sự của Đại Tá John Harris, chỉ huy Đoàn RS 15 như sau:

-“Chúng tôi đang đứng bên bờ của sự khủng hoảng”.

Một tối, lúc 10 giờ 30 đêm tại Nellis, Nevada, tức 10 giờ 30 sáng tại Iraq, sau hai giờ quan sát trên màn hình chiếc Pradator bay trên đất Iraq và liên tục gởi hình ảnh nó quay một chiếc xe tải của quân nổi dậy trang bị súng máy, xả đạn vào quân Mỹ. Shannon Roger, một Thiếu Tá Không Quân Mỹ cùng người phụ tá kỹ thuật nhận được lệnh bắn hạ chiếc xe tải nầy. Roger ra lệnh cho thuộc cấp bấm nút khai hỏa chiếc hỏa tiễn Hellfire (Lửa địa nguc) mà chiếc Predator mang theo. Trớ trêu thay, sau khi bấm nút khai hỏa, lại thấy một chiếc xe hơi chạy ngang qua nơi mục tiêu sẽ bị xạ kích. Trong trường hợp nầy, nếu muốn tránh thương vong cho chiếc xe hơi nọ, chuyên viên có thể điều khiển hướng bay của hỏa tiễn Hellfire để cho nổ tại một nơi khác. Lần nầy, Roger ra lệnh “Nhắm vào mục tiêu”. May thay, chiếc xe của quân phiến loạn nổ tung khi chiếc xe hơi vừa đi qua.

Những quyết định cấp thời như vậy của cấp chỉ huy tại Nellis rất ảnh hưởng đến chiến cuộc ở tận Iraq. Người chỉ huy không có nhiều thời gian để suy nghĩ, để chọn lựa hầu ra quyết định tức khắc, như trường hợp vừa kể. Họ biết quyết định của họ rất quan trọng, liên quan đến chiến cuộc, ảnh hưởng đến binh sĩ Mỹ tại trận địa, đến uy tín của quân đội Mỹ tại chiến trường với dân bản địa. Như thế, họ phải sáng suốt khi ban hành lệnh cho thuộc cấp để bấm bàn phím chỉ huy đội phi cơ đang bay trên chiến trường.

E. PHƯƠNG TIỆN “CHIẾN TRANH CÔNG NGHỆ” CỦA QUÂN MỸ.

Không
phải đến bây giờ người Mỹ mới cải tiến các thiết bị cho quân đội mà họ đã có chương trình từ nhiều thập niên trước. Một thiết bị đến tay binh sĩ tại mặt trận phải qua nhiều thời gian, nhiều giai đoạn. Ban đầu, các chiến lược gia quốc phòng và chính phủ cùng nhau bàn bạc, sắp đặt kế-hoạch, phương thức, chiến thuật chiến lược… sao cho phù hợp với nhu cầu của chiến tranh mới. Khi đồng thuận bước đầu, họ mới mới kêu gọi các nhà thầu, các hãng xưởng quốc phòng đến đấu thầu để các hãng thầu nghiên cứu, thí nghiệm. Khi sản phẩm thành công, còn phải qua giai đoạn thử nghiệm. Lúc tất cả mọi chuyện đều hoàn hảo, mới đi vào sản xuất số nhiều để đưa ra chiến trường. Có những chương trình thành công, cũng có chương trình thất bại tuy tốn kém rất nhiều.

Trong cuốn “Chiến binh của Thế kỷ 21” (21st Century soldieres), tác giả cho ta nhiều tài liệu được giới chức quốc phòng cho giải mật về các thiết bị trong thế kỷ nầy, từ hạ tầng (là các chiến binh) đến thượng tầng (các Bộ chỉ huy đầu não) của quân đội Mỹ. Xin giới thiệu một số trang cụ đang được quân đội Mỹ xử dụng:

1. Súng laser chống hỏa tiễn gắn trên phi-cơ.

Danh
từ khoa học “Laser” có nghĩa là một loại máy có khả năng tạo một luồng ánh sáng với cường độ mạnh. Trước kia, với kỹ-thuật còn phôi-thai, các hỏa-tiễn phóng ra thường không chính xác. Khi phát minh ra laser, người Mỹ áp-dụng trong sản-xuất các loại vũ-khí. Các loại hỏa tiễn của Mỹ phóng ra (trên phi-cơ hay giàn phóng) đều được tia sáng laser hướng dẫn tới mục tiêu nên rất chính xác.

Trong kế hoạch “Chiến tranh các vì sao” với nhiệm vụ phòng thủ lãnh thổ khi bị tấn công, Hoa-Kỳ sẽ áp dụng nhiều thành tựu khoa học mới. Mỹ đã thí nghiệm thành công việc dùng hỏa tiển bắn hạ một hỏa tiễn khác đang bay. Ngoài ra, ngành công nghiệp và quốc phòng đã thí nghiệm một kiểu máy bay phản lực Jumbo có trang bị súng laser để bắn hạ hỏa tiển. Với thành tựu nầy sẽ là yếu tố then chốt giúp hệ thống phòng thủ dể dàng bắn hạ hỏa tiển đối phương nhắm vào đất Hoa Kỳ.

Với kế hoạch nầy, các máy bay sẽ bay tuần tiểu tại các vùng quan trọng với cao độ trên 12 ngàn thước (quân đội Mỹ dùng Boeing 747-400). Các hệ thống quan sát sử dụng tia laser sẽ theo dõi tất cả mọi hoạt động trong phạm vi giới hạn, sẽ thông báo mọi diễn tiến của hoạt động khả nghi (hỏa tiễn địch) về máy bay. Khi đã phát giác, nó sẽ theo sát hỏa tiễn trong lúc các hệ thống trên máy bay sẽ tính toán phương hướng, vận-tốc, và các dữ liệu khác của hỏa tiễn để ước tính các chi tiết cần thiết đối phó. Sau một thời gian rất ngắn ước tính, một chùm tia laser sẽ được phóng từ phi-cơ đến hỏa tiễn đang bay trong khoảng từ 3 đến 5 giây đủ sức xuyên thủng lớp vỏ hỏa tiễn để kích nổ để phá hủy nó trên không trung trước khi đến mục tiêu đối phương đã nhắm đến.

Riêng về loại “vũ khí laser” hyperboloid còn kinh khủng hơn nhiều. Nó có thể cắt đứt, phá hũy cả một con tàu, một nhà máy, hệ thống phòng thủ kiên cố, các cơ sở sản-xuất, đường sá, gây xáo trộn môi trường ngoài việc dả thương sinh vật. Trong tương lai, nếu không có đạo luật hạn chế thử nghiệm, sản xuất, xử dụng sẽ gây những nguy hại to lớn không thể kể xiết.

2. Laser dò mìn.

Ngoài
áp dụng laser cho chiến lược phòng thủ nói trên, các nhà khoa học Mỹ tại căn cứ quân sự Waynesville, Missouri vừa sáng chế ra hệ thống dò mìn mới. Hệ thống này sử dụng kỹ thuật laser để phát giác và phá hủy mìn bẫy, bom đạn... nằm rải rác trên chiến trường. Những thứ nầy là mối đe dọa cho mọi người vì có thể nổ bất cứ lúc nào.

Hệ thống dò mìn Zeus của Mỹ gồm một máy phóng laser cực mạnh đặt trên một chiếc xe bọc thép (để giữ an toàn cho quân nhân xử dụng). Người lính ngồi trong xe dùng một cần điều khiển để phóng của chùm laser ra vùng cần dò mìn bẫy. Một chùm laser có công suất từ 500 đến 2.000 Watt có thể xuyên thủng vỏ thép của mìn bẫy, bom đạnlàm cho chúng bùng nổ.

Theo các chuyên gia Mỹ, Zeus có thể phát giác tất cả các bom đạn, mìn bẫy (vỏ nhựa, kim loại) ở khoảng cách từ 25 đến 250 mét. Yếu điểm của Zeus là chùm laser không thể xuyên sâu xuống đất nên Zeus thích hợp cho việc dò bom mìn ở chiến trường chứ chưa thể dò mìn chôn sâu dưới đất được.

3. Robot khám phá mìn:

Để
phác giác mìn bẫy của địch quân gài sẵn, trước đây quân đội Mỹ dùng máy rà mìn, do quân nhân cầm tay để rà trên mặt đất hầu phát giác ra mìn bẫy để toán tháo gỡ chất nổ đến gỡ đi hay phá nổ. Đây là việc làm nguy hiểm cho quân nhân đi rà mìn vì nhiều khi mìn được chôn dưới đất nhưng gài dây trên đường mà mắt thường hay vô ý sẽ không nhận ra, đạp nhắm nó sẽ gây thương vong. Ngày nay, nhiệm vụ nầy được giao cho các robot.

4. Gieo cây để phát giác mìn:

Để
phát giác ra các bãi mìn, người ta dùng máy bay rải trên mặt đất vùng đó một loại thảo mộc, tưới nước cho nó mọc lên rồi nhìn màu lá để biết có mìn hay không. Các chuyện gia biết được khi mìn bẫy chôn dưới đất sẽ sinh ra chất NO2 (nitrogen dioxide). Họ phải tìm loại thảo mộc nào bị ảnh hưởng khi môi trường sinh sống của nó có chất NO2 và chất nầy có ảnh hưởng với nó. Loại thảo mộc được dùng nầy sẽ làm biến đổi lá cây loại nầy từ mầu xanh bình thường trở thành mầu đỏ. Các chuyên gia chỉ cần nhìn vào lá cây sẽ biết vùng đất đó có mìn bẫy hay không để tìm phương thức giải quyết.

5. Vũ khí thời tiết HAARP.

Chương
trình mang tên HAARP (High-frequency Active Aural Research Program: Chương trình nghiên cứu kích hoạt sóng cao tần), là một phần của kế hoạch “Chiến tranh các vì sao” (Star Wars) nằm trong “Hệ thống Phòng Thủ Chiến Lược” (Strategic Defence Initiative: SDI) của Hoa Kỳ, có khả năng chế ngự khí hậu: có thể tạo ra những thay đổi thời tiết tại địa phương được chọn làm mục tiêu, có thể gây ra lũ lụt, bão và động đất.


Một căn cứ HAARP

Chương trình nầyđang hoạt động tại Gokoma, tiểu-bang Alaska, với sự bảo trợ của Không quân và Hải quân Mỹ. HAARP là một trong những loại vũ khí tinh vi mới trong Chiến lược phòng thủ của Mỹ. HAARP gồm một rừng hệ thống antena cực mạnh với 48 cột ăngten cao 22m với dây dợ chằng chịt như để phát sóng radio bình thường vào không trung. có thể “tạo ra những thay đổi có thể kiểm soát được trong tầng điện ly”. Hệ thống nầy tạo một sự thay đổi thời tiết theo ý muốn, là một tiến bộ của nhân loại có thể làm thay đổi thiên-nhiên. Theo một chuyên viên cao cấp phụ trách khu vực này cho hay:

-"Đây là trạm phát sóng siêu mạnh và duy nhất trên thế giới".

Còn tờ Times cho biết:

-“Các phương pháp được sử dụng bao gồm kích hoạt những cơn giông bão, khiến nước của các dòng sông bốc hơi để từ đó xuất hiện mưa, gây ngập lụt ở các mục tiêu trên trái đất mà Mỹ muốn”.

Chương trình này của quân đội Mỹ điều khiển, thực tế là một thứ vũ khí hoàn toàn mới, một chuyên gia cho hay:

-“Đây là một cỗ máy quái quỷ có khả năng sử dụng các hiện tượng thời tiết trong trường hợp có xung đột nổ ra”.


Một radar của HAARP

Nếu có một nhóm người muốn nổi dậy chống chính quyền ở một vùng cách xa chính quyền trung ương, muốn quét sạch chúng, chỉ cần tạo ra một vòi rồng càn quét khu vực đồn trú của nhóm này ngay lập tức, mọi chuyện sẽ “im re” ngay. Một hạm đội (hải quân), một không đoàn (không quân), một quân doàn (lục quân) của địch đang khống chế mọi hoạt động của quân đội Hoa Kỳ, muốn giải nguy, đó là “chuyện nhỏ”. Chỉ cần một mệnh lệnh là có thể tạo ra một trận bão đủ mạnh theo ý muốn để xua đuổi những toán quân kia. Còn nếu quân Mỹ giao tranh với địch trong thời gian dài, muốn chấm dứt, chỉ cần cung cấp cho quân nhân đang tham chiến quân phục đặc biệt rồi tạo ra một trận nóng khủng khiếp (như trận nóng ở châu Âu năm 2003) là đủ để binh lính đối phương kéo cờ trắng.

Được biết sóng điện từ tần số thấp, khi dội về trái đất ở cường độ cao cũng có thể tác động đến não bộ con người, đến điện từ trường của trái đất, làm xáo trộn các hệ thống sinh thái, ảnh hưởng đến thời tiết, khí hậu, nông nghiệp. HAARP là một thứ “vũ khí” hết sức nguy hiểm, có thể thay đổi bộ mặt trái đất.

Chương trình nầy bị các tổ-chức bảo vệ môi-trường ở Mỹ phản đối. Những người đi đầu trong chiến dịch chống HAARP gọi nó như “một công nghệ phát sóng radio siêu mạnh có thể tập trung các tia sóng và làm thủng tầng điện ly” (ozone) (tầng nằm trên cao trong bầu khí quyển, có nhiệm vụ bảo vệ trái đất). Còn Tiến sĩ Rosalie Bertell, một khoa học gia, cho rằng "Các chuyên gia quân đội Mỹ đang làm việc trong những hệ thống thời tiết được xem là vũ khí tiềm năng".



Hệ thống antenna của HAARP

Ngoài ra, chúng ta cần biết là HAARP còn bị các nước “chống Mỹ” khác như Pháp, Đức, Anh,…và cả khối Cộng sản chỉ trích “kịch liệt” vì đây là một thứ “vũ khí tàn sát” nguy hiểm. Các nước khác không đủ tiền bạc để trang trải nhiều thứ chi phí, không đủ nhân viên giỏi điều hành nhất là “địa thế thiết kế” để có được một hệ thống khổng lồ như vậy. Đây cũng là điều dễ hiểu. Để phản hồi, một giới chức của tổ chức nầy đã nói:

-"Thật nực cười hết mức! Mục đích của chúng tôi là nghiên cứu cải thiện truyền thông bằng sóng radio trên toàn hành tinh. Cũng giống như những chiếc radar bình thường, số ăngten của chúng tôi phát sóng nhằm thử độ phản hồi của chúng lên khí quyển trái đất. Vậy thôi".

Cách mặt đất vài trăm kilô mét bầu khí quyển có một tầng điện ly có khả năng phản hồi lại các loại sóng (wave) phát từ mặt đất bay lên. Nhờ có tầng điện ly này, một chương trình phát thanh của một đài phát nào đó mới có thể bay tới các máy của từng gia đình. Những âm thanh đó phát lên không trung không bị mất là vì trong tầng điện ly có chứa nhiều điện tử tự do, một số loại sóng khi lên đây sẽ bị bức màn điện tử này ngăn lại và phản hồi lại trái đất. Tuy nhiên, nếu có quá nhiều sóng mạnh được phát lên tầng khí quyển sẽ làm các điện tử dao động mạnh sẽ làm nhiệt độ trái đất nóng lên.

Người ta nghi rằng loại sóng mà HAARP phát lên không trung mạnh gấp nhiều lần so với một trạm phát sóng FM thông thường. Ở giữa tầng điện ly (khoảng gần 300 km), nhiệt độ khoảng 1.400 độ C. Các nhà nghiên cúu của HAARP cho hay trung tâm phát sóng của họ chỉ cần tập trung lượng sóng phát ra từ 48 cột ăngten vào một khu vực nào đó trên tầng khí quyển đủ để nâng nhiệt độ tại đây lên thêm 50 độ C trong một phút. Những người chống lại dự án này cho rằng nếu nhiệt độ ở tầng điện ly đột ngột thay đổi cao như vậy có thể gây ra bão tố, hiện tượng vòi rồng, mưa gió và đủ loại thiên tai khác.

Người ta đặt nhiều câu hỏi: Mục đích thực sự của dự án này là gì? HAARP sẽ làm mưa tạo gió làm bão chỉ bằng một cái click con chuột của máy computer nếu không là “một thứ vũ khí môi trường cực kỳ lợi hại của Mỹ” thì họ thiết trí để làm gì? Các nhà khí tượng học đặt câu hỏi là tại sao HAARP không quan tâm nghiên cứu các tầng khí quyển khác mà chỉ chú ý vào tầng điện ly? Họ cho rằng người Mỹ biết các tầng khí quyển khác không có nhiều ảnh hưởng tới các hiện tượng thời tiết.



Hệ thống antenna của HAARP

Mối nguy hiểm to lớn khác của HAARP là gây nhiễu, phá sóng, đánh lừa đối phương bằng những hệ thống đặt tại Alaska. Người ta biết khi sóng phát ra từ Alaska nầy sẽ làm dao động mạnh các điện tử tự do trên tầng điện ly, bất kỳ một loại sóng nào khác phóng lên đây sẽ bị lệch hướng, bị phản hồi hoặc bị mất luôn nghĩa là Mỹ có thể làm tê liệt mọi thông tin liên lạc của mọi nước. Trong khi 48 cột antenna đó phát sóng cao tầng, HAARP lại có thể phát ra loại sóng có tần số rất thấp để có thể lan truyền đi bất cứ nơi đâu, các giới chức Mỹ dễ dàng liên lạc được với các ñơn vị quân đội Mỹ, trên đất, trên biển hay trong lòng đại dương.

Tưởng cũng cần nên biết thêm, Mỹ có lần đã sử dụng loại vũ khí này nhưng mới chỉ ở mức độ thấp và trong vòng bí mật. Mới đây, trong một báo cáo đã gây sửng sốt giới khoa học thế giới vào năm 1996 là không lực Mỹ từng "có ý định" tạo ra những trận cuồng phong nhằm xua đuổi các hạm đội của đối phương trong thời kỳ trước đó. Vì thế, người ta cho rằng HAARP nằm trong dự án vừa phòng thủ vừa tấn công của Mỹ.

6. Packbot, robot chiến trường.

Trên
mặt trận Afghanistan, Quân đội Mỹ đưa robot có tên Packbot vào chiến trường, đảm nhiệm những sứ mệnh nguy hiểm thay con người. Packbot được giao cho Đại úy Robert Merritt, người chỉ-huy đơn vị lục quân tại căn cứ Bagram, Afghanistan điều khiển. Nó chuyên thám thính, đánh hơi những khu vực nguy hiểm và gửi về căn cứ các bức ảnh, tin tức. Ngoài ra, robot còn có nhiệm vụ kiểm soát các bãi chiến trường sau trận chiến, thám sát các tòa nhà, hang động. Mỗi chiếc xe robot Packbot trị giá 45.000 Mỹ-kim.

Các nhà khoa học Mỹ dự trù sẽ cải cách robot Packbot này bằng cách lắp thêm camera, súng, ống và lựu đạn cho nó để có thể được sử dụng vào nhiều việc khác: nhiệm vụ của một binh sĩ hoặc như một chuyên viên để thám sát địa thế, theo dõi, báo cáo chất độc tại chiến trường.

7. Robot Tìm Địch Quân.

Cũng
trên mặt trận Afghanistan, lần đầu tiên trong quân sử, Quân lực Mỹ đưa rô bô vào chiến trường. Ngày 29-7-2002, Sư Đòan 82 Không Kỵ Mỹ, căn cứ tại Fort Bragg, đã sử dụng robot Hermes để len-lỏi vào các hang động ở Afghanistan để lục soát tìm người, khí tài của quân khủng bố al Qaeda. Robot Hermes dài 3 feet, nặng 43 lbs, di chuyển nhờ hai bánh kéo bằng dây xích như bánh xe tăng màu xanh lục.

Trên thân robot Hermes được đặt hai máy camera. Những hình ảnh quay được sẽ được truyền bằng sóng điện từ cho người điều khiển ở ngoài hang. Bánh xích của robot có thể vượt qua mọi chướng ngại, có thể len lỏi qua những hóc kẹt rất nhỏ mà quân nhân hay quân khuyển không lọt qua được, tránh được hơi độc, chất độc có thể gây thương vong cho binh sĩ. Robot Hermes còn dùng để tiền sát hay rà mìn bẫy, giúp cho binh sĩ tránh khỏi những cuộc phục kích hay bị mìn bẫy sát thương. Với mìn bẫy gài trên cao, robot cũng phát giác được nhờ máy camera.

Mỗi robot Hermes có thể mang theo 12 camera, nhiều súng tự động hay phóng lựu, được điều khiển từ xa. Robot Hermes có giá 40.000 Mỹ kim mỗi chiếc. Chính nhờ những chiếc “lính robot” nầy đã gây thiệt hại cho quân Taliban rất nhiều, làm cho cuộc chiến tiêu diệt Taliban sớm kết thúc, đỡ thiệt hại nhân mạng cho quân Mỹ rất nhiều mà theo dự trù, con số tổn thất khá cao.

8. Súng laser, bom vi-ba.

Đây
là loại vũ-khí chưa được xử dụng, là súng hay bom khi nổ không có miểng, đả thương con người bằng tia laser và các sóng vi-ba, không làm chết người mà chỉ gây thương tật suốt đời. Tia laser sẽ làm mù mắt, sóng vi-ba sẽ làm phỏng da trầm-trọng, nước trong cơ thể con người sẽ bị nung sôi, địch quân sẽ cảm thấy nóng nảy, khó chịu tột độ cho dù núp, trốn bất cứ nơi đâu. Đây là loại vũ-khí nguy hiểm vì nó không làm chết ngay địch quân mà gây thương tật vĩnh viễn, tạo một gánh nặng tài chánh (phải nuôi nấng thương binh suốt đời) và tâm-lý (sợ sệt) cho quốc gia địch. Trước đây, loại mìn “con cóc” cũng không làm chết người (khi đạp phải, nó nhày lên ngang gối mới nổ làm cho địch quân gãy chân, phải cưa chân, thành phế nhân) nhưng để lại cho xã hội gánh nặng từ các thương binh nầy.

Bom súng laser nầy bị các tổ chức nhân quyền khắp nơi phản đối kịch liệt nên các chuyên gia quân sự Anh Mỹ e ngại chưa cho mang ra xử dụng. Trước đó, các nhà bảo vệ nhân quyền đã nhờ đến luật-pháp quốc-tế để có biện pháp chế tài loại vũ khí nầy. Tuy vậy, nhờ kẻ hở của luật pháp: “trong một quyết-định quốc tế vào ngày 30-10-2000 cho phép ứng-dụng tia sáng laser để chế tạo loại vũ khí “không giết người” (non-lethal)” nên các chuyên gia Anh Mỹ lợi-dụng kẻ hở của luật trên để chế tạo loại vũ-khí đặc-biệt nầy.

9. Phi Cơ Không Ngưới Lái.

Một
điều cần biết khác, đó là các phương tiện, các trang cụ “không người lái” khác như phi cơ không người lái, tàu ngầm không người lái… có thể thi hành những nhiệm vụ như những phi cơ, tàu chiến có người lái để thi hành các nhiệm vụ đặc biệt do nhiều lý do mà Bộ chỉ huy quyết định phương tiện nào nên dùng tùy theo từng chiến trường, từng mục tiêu.

Ngày nay, phi cơ không người lái là một trong những phương tiện tham chiến chủ lực của Hoa Kỳ. Qua cuộc chiến tại Afghanistan, khả năng của Pradator được các nhà chuyên môn đánh giá cao. Thứ nhất, an toàn cho sinh mạng binh sĩ Mỹ. Về giá thành, tổn phí một chiếc Pradator khoảng từ 4 triệu Đô la, quá rẻ so với chiếc F-22 của Mỹ giá 1 triệu mà F-22 lại cần phi công để lái. Chiếc F-22 đầu tiên được chuyến giao cho Không Quân Mỹ tại Căn cứ Nellis vào ngày 14-01-2003.

Hiện nay, F-22 Raptor là loại chiến đấu cơ được đánh giá là tối tân nhất bởi tính đa năng, đa hiệu của nó. Vào lúc nầy, trong các kho của Mỹ có đến hàng ngàn chiếc máy bay không người lái, đủ kiểu, đủ cỡ, từ loại nhỏ xíu nằm trong lòng bàn tay (là loại thám thính) đến loại lớn như một máy bay dân dụng cỡ trung bình, trong đó Global Hawk là một trong vài loại hữu hiệu nhất.

Global Hawk được các kỹ-sư và chuyên-viên thuộc Trung tâm Hàng không Ryan, thuộc tập-đoàn Grumman Northrop Corporation của Mỹ thiết kế và chế-tạo. Chi phí mỗi chiếc máy bay nầy từ 10 đến 20 triệu USD tùy theo các trang-bị phụ. Global Hawk hoạt động do thám trên một vùng diện tích rộng đến 137.000 km2, vẫy vùng liên tục trên không trung lâu đến 36 giờ đồng hồ. Với các thiết-bị sẵn có, nó có thể nghe trộm đường truyền tín hiệu, bằng radar hay sóng hồng ngoại, nó đánh dấu các mục tiêu, sau đó ghi hình các hoạt động dưới mặt đất trong khu-vực hoạt-động. Quân đội Mỹ sử dụng Global Hawk để mục đích phát giác, phân loại, theo-dõi và giám sát đối phương từ xa mà vẫn rõ ràng, các tin tức ghi nhận từ mục tiêu đang hoạt động.

Tuy không cần người lái nhưng loại phi cơ nầy hoạt động rất đắc lực. Chỉ huy phó của Osama bin Laden là Mohammed Atef cùng với hàng chục tên tay chân thân tín của Atef đã bị phi cơ không người lái Predator giết chết. Gần đây, một phi-cơ không người lái đã giết chết Qaed Salim Sinyan al-Harthi vào ngày 11/2/2002 tại Yemen. Tên nầy là trưởng nhóm Al Qaeda tại Yemen, nghi can chính trong vụ tấn công vào chiếc Khu trục hạm Mỹ USS Cole.

Những chiếc phi cơ như vậy đã giúp quân Mỹ rất nhiều. Người ta dự đoán, chỉ trong vòng 20 năm nữa, loại máy bay nầy sẽ thay thế cho nhiều loại máy bay cần người điều khiển.

10. Phi cơ siêu thanh:

Việc
di chuyển từ điểm này đến điểm khác trên thế giới, hoặc bay thẳng lên Trạm Quốc tế Alpha mà chỉ mất 2 giờ sẽ không còn là chuyện viễn tưởng nữa. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sắp đưa ra mô hình phi cơ siêu thanh, có thể biến trở ngại không gian thành chuyện dễ dàng. Chẳng hạn thế hệ siêu thanh X-43 có thể bay cao đến 33 cây số với vận tốc độ 6.000 km/h, tức là vượt quá Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh).

* Với chiếc X-43A có gắn động cơ đặc biệt, được gọi là "động cơ tổng hợp", bởi nó kết hợp nguyên lý động cơ của máy bay phản lực và hỏa tiễn, lấy ôxy trực tiếp từ không khí nên có hiệu suất cao gấp 5 đến 10 lần hiệu suất của động cơ phản lực thường. Động cơ của X-43A chạy bằng hydro lỏng, có thể đạt tốc độ Mach 7, thậm chí lên tới Mach 10 (gấp 7 hay 10 vận tốc âm thanh (300.0000 km/s).

* X-43 C: Động cơ hoạt động theo nguyên lý động cơ máy bay siêu thanh của Không lực Hoa Kỳ, tốc độ tối đa của X-43C sẽ là từ Mach 5 đến Mach 7.

* Phi cơ siêu thanh lớn nhất của NASA là X-43B, là loại máy bay tổng hợp tất cả lợi thế của hai loại Hyper-X nói trên.

11. Đạn dính.

Một
nhóm sinh viên cơ khí của trường Đại Học Florida và Công ty Quốc phòng Lockheed Martin đã nghiên cứu để làm ra một loại “đạn dính” được đặt tên là SPLAT (Sticky Polymer Lethal Agent Tag). Bên trong SPLAT là các máy cảm biến điện tử nhỏ, có nhiều chức năng như dò thuốc nổ và ghi âm thanh có thể giúp binh sĩ tìm kiếm những quả bom bị che dấu. Máy truyền phát tín hiệu dùng pin nhỏ như pin đồng hồ cung cấp năng lượng, chuyển dữ liệu trở lại người bắn ra thông qua một ăng-ten dây nằm sau viên đạn. Điểm đặc biệt của SPLAT là vật liệu polymer dính nằm ở đầu viên đạn. Theo ông Leslie Kramer, Giám đốc Đơn vị Kiểm soát Hỏa tiễn và Hoả lực tại công ty Lockheed Martin cho biết đó là vật liệu để bảo vệ dây cáp mà ngành truyền hình Cable thường sử dụng. Ông cho hay:

-''Vật liệu giống như... dịch mũi của người, có thể dính vào hầu hết mọi thứ''.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ các kỹ thuật khác. Tại Đại Học Florida có một giáo sư người Việt Nam, hiện là Giáo sư Cơ khí Hàng không, ông Vũ Quốc Lộc cho biết các sinh viên đã vượt qua một số trở ngại để đi đến thành công nầy''.Toàn bộ hệ thống, bao gồm cả súng bắn, trị giá chưa tới 1.000 USD. Công ty Lockheed Martin đã đưa dự án trở lại phòng thí nghiệm tại Orlando nhằm tiếp tục nghiên cứu thêm. Theo họ, bắn một viên SPLAT vào một đống rác nghi ngờ, các máy cảm biến hoá chất sẽ xác định xem có thuốc nổ trong đó hay không.


Đạn dính

Nếu dữ liệu truyền về cho thấy không có đạn dược có hại, có thể lấy lại viên đạn để tái sử dụng. Sau nầy có thể được nhét vào bên trong nhiều thiết bị điện tử khác (như máy đo gia tốc, hệ thống cơ khí điện tử) vào bên trong làm cho SPLAT như máy thu âm thanh, như thiết bị phát hiện vũ khí hoá học. Kramer cho biết: ''Chẳng khó gì khi khai thác mọi khả năng của đạn dính. Theo các chuyên viên, gắng làm sao có thể sử đụng dạn dính SPLAT với các vũ khí thông thường và sẽ hữu ích trong cuộc chiến chống khủng bố.

12. Hệ thống Mắt Thần của lính Mỹ.

Bộ
Quốc Phòng đang hoàn tất một dự án khoảng 5 tỷ Mỹ kim ban đầu để thiết lập một hệ thống Internet cho lính Mỹ khi lâm trận. Hiện nay Mỹ đã có cả một hệ thống phát và thu thiên lý nhĩ, thiên lý nhãn trị giá 25 tỷ đô la, do vệ tinh nhân tạo thực hiện để làm nhiệm vụ trinh sát, do thám, truyền tin, giúp Bộ chỉ huy chỉ thị các phi cơ không người lái làm nhiệm vụ. Đây là một chương trình khả thi. Bộ Quốc Phòng và Cố vấn Khoa học Kỹ thuật của Bộ là ông Vint Clef tin-tưởng rằng đó là một "viễn tượng" chớ không phải là "ảo tưỏng" như phim Star Wars.

Công ty Locheed Martin Inc. cho biết Công ty đã dự tưởng để thành lập một “hệ thống mắt thần Internet” để tập trung những hoạt động quân sự và tình báo hầu đáp ứng cho nhu cầu của Hoa Kỳ trong thời gian tới. Nếu thành hiện thực, hệ thống Internet này sẽ giúp các Tư Lệnh chiến trưòng, các giới chức thẫm quyền ở các Bộ Tư lịnh, Bộ Quốc Phòng, Tổng Tham Mưu trưởng đều có "con mắt như của Thượng Đế" để thấy hết những gì đang diễn tiến ở các chiến trận trên khắp thế giới. Với nhân, tài, vật lực như Mỹ đang có, chắc chắn họ sẽ thực hiện được dự họ án mong muốn.

13. Dự án chiến tranh toàn cầu.

Ngoài
những phương tiện chiến tranh đã chính thức công bố ra, Mỹ đang nghiên cứu các loại vũ khí mới. Tuy chính phủ Mỹ chưa thừa nhận nhưng những tin tức tiết lộ cho hay Mỹ đang chuẩn bị “chiến lược tấn công toàn cầu”, một chiến lược còn trong vòng bí mật, trang bị loại vũ khí tấn công và tự vệ trong không gian vô cùng lợi hại. Chiến lược nầy dùng một tàu không gian chở những vũ khí dẫn đường chính xác. Theo lời Tư-Lệnh Không quân Mỹ, Tướng Lance Lord tuyên bố tại Quốc hội Mỹ: “Kế hoạch tấn công toàn cầu có khả năng phá hủy các trung tâm chỉ huy và căn cứ hỏa tiễn ở khắp mọi nơi trên thế giới”.

Theo tài liệu cho biết, vũ khí của kế hoạch nầy có thể tấn công trong phạm vi nửa vòng trái đất chỉ trong vòng 45 phút bằng những loại vũ khí mới, vệ tinh mới, cách tấn công mới, chi phí vô cùng lớn. Tuy vậy, nếu thấy cần thiết, ngân sách Mỹ cũng có thể đáp ứng được đòi hỏi.

Sau hơn 20 năm xây dụng kế hoạch phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo tốn kém hàng trăm tỷ Đô la, trong một chừng mực nào đó đã có được thành công, ít nhất, nó cũng là tiền đề, là những thí nghiệm bổ ích cho các thành tựu sau nầy. Không lực Mỹ hiện đã có kho vũ khí chiến lược trong không gian. Theo tiết lộ, hỏa tiễn XSS-11 của Không lực Mỹ có thừa khả năng vô hiệu hóa hay tiêu diệt các vệ-tinh liên lạc, do thám của đối phương hiện diện trong không trung khi có lệnh.

Ngoài ra, loại vũ khí mang tên “Những cây gậy của Chúa” có thể tấn công mục tiêu địch với vận-tốc 11.500km/giờ. Một loại vũ khí bí mật khác có khả năng làm phóng tia Laser ra từ các vệ tinh hay khí cầu, hướng các tia nầy đến các mục tiêu của địch trên toàn cầu qua hệ thống định vị toàn cầu GPS. Các loại vũ khí nầy rất đắt, vào khoảng từ 220 tỷ đến 1.000 tỷ USD.

-“Tuy đắt tiền nhưng đối với quan niệm thực tiễn của Mỹ, việc đầu tư để có được những loại vũ khí chiếm thế thượng phong như vậy không phải là điều khó thực hiện với Mỹ”, theo lời một viên chức cao cấp của Mỹ thố lộ trên một tạp chí khoa học.

Như vậy, rõ ràng là chiếm lĩnh được không gian cả là một vấn đề quan trọng, là mục tiêu hàng đầu của nhiều quốc gia, không riêng gì Hoa-Kỳ đang theo đuổi.

Ngoài ra, theo thông báo chính thức của NASA, họ vừa phóng một vệ tinh mới và tối tân nhất vào không gian, ngoài nhiệm riêng của nó, vệ tinh nầy còn giúp “hệ thống 28 vệ tinh hiện hữu” của Mỹ trên không trung hoạt động hữu-hiệu thêm. Vệ tinh nầy được phóng vào ngày 26-9-2005 bằng hỏa tiễn Boeing Delta II, trị giá 75 triệu USD. Khi vào quỹ đạo, nó sẽ tự mở các tấm pin mặt trời, mở antenna ra và khai hỏa một hỏa tiển nhỏ bên sau để đẩy nó vào quỹ đạo cuối cùng (khoảng 18.000 km) mà NASA ấn định. Trong hệ thống 28 vệ tinh tối tân nhất hiện hữu của Mỹ đang bay trong vũ-trụ, có 8 vệ tinh GPS-IIR do Lookheed Martin chế tạo, đảm-nhiệm nhiều nhiệm-vụ quan trọng, nhất là giúp quân đội Mỹ trên toàn cầu trong các hoạt động quân sự.

Loại vệ tinh nầy có nhiều nhiệm vụ bí mật, tín hiệu nó phát ra rất mạnh, hoạt động nhờ vào lấy điện năng từ mặt trời. Nó giải quyết tình trạng tắt nghẽn tín hiệu GPS trên mọi phương tiện cần tín hiệu từ đường bộ, máy bay, tàu thủy; cải thiện thêm độ chính xác của các loại vũ khí thông minh xử dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS của quân đội Mỹ; giảm thiểu lỗi định-vị do lớp hạt tích-điện của khí quyển trái đất gây ra.

Theo dự trù, NASA sẽ phóng thêm 3 vệ tinh GPS-IIR tối tân hơn để hỗ trợ và tăng cường cho hệ thống đang hoạt động. Sau đó, cũng theo NASA, vệ tinh đầu tiên trong 12 vệ tinh của thế-hệ mới GPS-IIF (cũng do hãng Boeing chế tạo) sẽ được đưa vào không gian, nằm trong kế hoạch “chiến lược không gian” mới của Hoa Kỳ trong vòng vài năm tới.

Hình bên cho chúng ta thấy hệ thống vệ tinh phủ sóng lên nhau trong không trung để giúp các loại phương tiện (phi cơ, bộ binh, tàu thủy) biết chính xác vị trí địch quân, vị trí quân bạn, khoảng cách, địa hình địa vật hầu xử dụng loại vũ khí nào thích nghi cho chiến trường.

Ngoài các phương tiện chiến tranh vừa kể, Hoa Kỳ đã và đang nghiên cứu các sản phẩm mới. Xin sơ lược vài phát minh, phát kiến điển hình:

14. Bánh xe mới:

Để
giải quyết trở ngại cho các quân xa khi bánh xe bị bể vỏ không xử dụng được, công ty Resilient Technologies của Mỹ vừa phát minh một lọai lốp xe không cần bơm hơi nên không còn phải lo bị nổ lốp! Bánh xe được làm bằng một lớp vỏ bánh và phần ruột bánh xe trước đây được thay bằng phần tổ ong với lọai cao su mềm chắc có tác dụng nhún như một chiếc bánh xe được bơm hơi. Lọai vỏ xe nầy được Ngũ Giác Đài đặt mua cho loại quân xa Humvees. Jim Dobbs, phát ngôn viên của Resilient Technologies đã trả lời cho Washingtonpost khi được hỏi:

-”Với một chiếc xe, bạn có thể trang bị đủ máy móc tiện nghi thật tuyệt, nhưng rồi khi lốp xe bị nổ, xe nằm ở bên lề đường, thì tất cả đều ngưng lại hết”.

15. Đũa thần giám sát an ninh hàng không:

Công
ty Công nghệ TeraView mới sáng chế ra một hệ thống dò được các vũ khí, kim loại cũng như phi kim loại, bằng cách sử dụng ánh sáng TeraHertz. Ánh sáng TeraHertz nằm giữa sóng cực ngắn (shortest wave) và tia hồng ngoại trong quang phổ điện từ. Nó là vùng sóng radio và quang phổ ánh sáng cuối cùng. Ánh sáng TeraHertz rất an toàn đối với con người, không giống tia X phải sử dụng “bức xạ ion hoá” có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. TeraHertz có thể đi xuyên vải vóc, giấy, plastic,… để dò thuốc nổ, vũ khí kim loại, gốm, chất dẻo hay các chất có thể gây tử vong. Công nghệ teraHertz được ví như một chiếc đũa thần, có tiềm năng cao, có thể vượt qua những hạn chế của các kỹ thuật giám sát an ninh hiện nay.

16 Thổi hơi dò vũ khí:

Đây
là một phát minh tân kỳ, gồm hệ thống thổi không khí vào hành khách, đồ đạc, hành lý… để dò thuốc nổ, vũ khí… . Nghiên cứu nầy hiện được thử nghiệm tại một nhà ga của một phi trường tại Mỹ được dấu tên, cũng là “sản phẩm của công nghệ” như đề tài nầy.

17. Phi đạn Hellfire (Lửa Hỏa Ngục):

Tên
đầy đủ là AGM-114N Metal Augmented Charge Hellfire, một loại phi đạn hơi ngạt. Phi đạn này sử dụng loại đầu đạn đặc biệt, khi nổ, phóng ra một làn sóng hơi ngạt chết người mà không phá vỡ các cơ sở vật chất như dinh thự, hầm hố, công sự... Ngũ Giác Đài đã chi .8 triệu mỹ kim để chế tạo loại đầu đạn nầy sau khi nhận được yêu cầu của Thủy Quân Lục Chiến, xin một loại vũ khí hiệu quả để đối đầu với địch ẩn trốn trong những nơi chật hẹp, công sự, hầm hố, hoặc những gian phòng bên trong một cao ốc. Một chuyên gia quân sự Mỹ cho biết:

-“Loại hỏa tiễn mới này có thể dời đi nguyên lầu của một ngôi nhà mà không làm hại đến các tầng ở trên, có thể vươn vào các ngõ ngách, đánh quân thù trốn trong hang động, hầm hoặc các loại kiến trúc kiên cố khác."

Để đặt một đầu đạn có máy tầm nhiệt trên hỏa tiễn Hellfire, phải tốn ,000 mỹ kim ngoài phí tổn ,000 mỹ kim của một hỏa tiễn thông thường. Cựu Bộ Trưởng Rumsfeld đã phải ra điều trần trước tiểu ban Chuẩn Chi Thượng Viện nhằm ủng hộ dự thảo 0 triệu mỹ kim để nghiên cứu loại đầu đạn nầy.

18. Chất dẻo may áo chống phóng xạ:

Trước
nay, người ta dùng chì để bọc các loại áo chống phóng xạ. Chì là kim loại nặng: mỗi nguyên tử chì có nhiều điện tử quay quanh một nhân, sẽ tạo thành các "đám mây" dày. Những "đám mây điện tử" này có thể giữ năng lượng của tia phóng xạ, hoặc ngăn chặn để nó không đi qua được.

Các nhà khoa học Mỹ của công ty Radiation Shield Technologies ở Miami phát minh ra loại áo chống phóng xạ làm từ polyethylen và một loại chất dẻo đặc biệt khác. Nó có thể ngăn được các tia alpha, beta, tia X và tia gamma. Các nhà khoa học đã thay thế chì bằng chất Demron, một loại chất dẻo cao phân tử, được tổng hợp từ polyethylen và một loại chất dẻo đặc biệt khác có gốc tên là PVC. Các phân tử của Demron cũng có những đám mây điện tử lớn bao quanh nhân, khiến tia phóng xạ không đi qua được, sẽ ngăn chặn phóng xạ, tương tự như chì. Một chiếc áo loại này nặng khoảng 3 kg so với 8-10 kg như các loại áo bọc chì.

19. Bom N.

Để
tránh thảm họa như 2 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki các nhà nghiên cứu Mỹ thí nghiệm và chế tạo bom N. Bom N (neutron), còn gọi là Vũ khí gia tăng phóng xạ ERW, là một loại vũ khí sử dụng nhiệt hạch để tạo ra một vụ nổ nhỏ, nhưng sản xuất một khối lượng lớn tia phóng xạ gây thương vong. Bom N do ông Sam Cohen phát minh vào năm 1958. Ông tách bỏ các vỏ Uranium trong bom khinh khí (bom H hay bom Hydro) để các tia neutron phát tán xa hơn để có thể xuyên qua những lớp thép dày hay những công trình kiên cố.

Nhưng Tổng thống John Kennedy chống lại việc sản xuất bom N rồi sau đó là quyết định của Tổng thống Jimmy Carter vào đầu tháng 4 năm 1978. Tuy nhiên, Tổng Thống Ronald Reagan quyết định thay đổi chính sách của 2 vị tiền nhiệm. Reagan ra lệnh cho tái sản xuất các đầu đạn có chứa neutron vào năm 1981để trang bị cho các hỏa tiễn Lance và đạn pháo binh. Các tư lệnh quân đội Mỹ tin tưởng vào loại vũ khí nầy nhưng nhiều chính trị gia thiên tả và mỵ dân ở Mỹ và các nước Tây Âu thì chống lại vì lý do chống Mỹ. Quốc hội Mỹ bỏ phiếu về chương trình phát triển vũ khí cũng như các khí tài quân sự, trong đó có chương trình hạt nhân mới sau khi xem xét ngân sách quốc phòng. Bộ Quốc Phòng muốn tiến hành nhiều chương trình nhưng vấn đề ngân sách là một trở ngại lớn.

20. Các loại bom, hỏa tiễn mới:

Hiện
nay, Mỹ xử dụng nhiều loại bom tối tân hơn các loại bom cổ điển nhiều. Các loại bom ngày nay có sức công phá khủng phiếp, độ chính xác cao để tránh gây thương vong cho nhưng đối tượng không phải là mục tiêu, tiện lợi khi di chuyển, được trang bị cho nhiều loại phương tiện để phóng ra, tiêu diệt nhiều loại mục tiêu. Ta có thể kể:

- Hỏa tiễn Tomahawk BGM-109: Dài 5,5 m, cánh ngắn, động cơ tua bin phản lực, bay xa 1.609 km với vận tốc k885 km/giờ trên độ cao từ 30m đến 95 m, được hướng dẫn bởi vệ tinh, phóng đi từ tàu chiến, tàu ngầm, giàn phóng, máy bay.

- Hỏa tiễn địa không tầm xa AGM-158 (JASSM) có biệt hiệu Jazz'em: Dài 4,3m, tầm bay trên 370km, cánh có thể gấp được, được trang bị trên chiến đấu cơ, oanh tạc cơ của Không quân, Hải quân và TQLC. Nó có thể được gắn đầu đạn 453,6 kg để phá huỷ các công sự kiên cố nhất hay hầm ngầm trong lòng đất.

- Bom tấn công trực tiếp Joint Direct Attack Munition (JDAM), một loại bom “thông-minh”: nặng 907,2 kg, có cánh dẫn hướng ở phía đuôi, được hệ thống dẫn đường nhận tín hiệu trực tiếp từ vệ tinh để điều chỉnh và chỉ thị, không bị thời tiết (như mây, khói, bão cát, gió lốc tạo ra bui mờ) hay địch quân tạo nên các màn khói để phi công ném bom không thấy mục tiêu. JDAM cũ gồm 4 loại bom: GBU-29, GBU-30, GBU-31 và GBU-32.


Bom GBU-24 phá các công sự, hầm ngầm tại Afghanistan.

- Bom Paveway-3 GBU-24 có laser dẫn hướng: nặng 907,2 kg, có cánh điều khiển ở cả 2 đầu, được thiết kế để tiêu diệt các công sự bằng sắt thép, bê tông. Bom được dẫn đường bằng tia laser từ máy bay hoặc các bộ chỉ huy hành quân.

- Bom phá công sự GBU-28 có laser chỉ đường: nặng 2.086 kg, do laser dẫn hướng, bom có thể diệt mục tiêu nằm sâu trong lòng đất.

(Xem tiếp phần 2)

Lê Chánh Thiêm.
San Jose, 2-2008, có hiệu đính.

Chú thích:

(1) Các tài liệu mật và quan trọng của Mỹ được Cơ quan Lưu trữ an ninh quốc gia Mỹ (National Security Archive) quản thủ. Cơ quan nầy chỉ công bố tài liệu nào hết thời hạn bảo mật và phổ biến như thế nào, dựa theo điều khoản "Tự do thông tin" của luật pháp Liên bang Mỹ đã ban hành.

(2) Mỗi chiến đoàn (battle group) của Hải Quân Mỹ thường thì có 1 Hàng-không Mẫu-hạm, một số Khu-trục-hạm, Hộ-tống-hạm, Tuần-dương-hạm, Khuc-trục-hạm hạng nhe, tàu ngầm, tàu tiếp tế, và phi cơ cơ-hữu trên các HKMH và quân nhân tăng phái, có thể là LLĐB (Special forces), BĐQ, TQLC, Task Force Sword ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét