Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Các kỹ thuật đã làm thay đổi phương thức tiến hành chiến tranh

Kỹ thuật tác chiến điện tử

Kỹ thuật tác chiến điện tử là kỹ thuật nghiên cứu sử dụng trang bị hoặc khí tài điện tử tiến hành đấu tranh điện từ. Nó bao gồm các lĩnh vực đối kháng ra-đa, đối kháng thông tin, đối kháng C3I, phân biệt địch ta và đối kháng dẫn đường. Sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật điện tử, khiến cho tác chiến điện tử từ bảo đảm tác chiến vọt lên thành hình thức tác chiến quan trọng, và đang mở ra cánh cửa lớn của chiến tranh thông tin.

Ngày 5-6-1967, I-xra-en tập kích chớp nhoáng vào bán đảo Si-nai, mở màn cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ 3, một cuộc chiến tranh mà người Ai-cập không muốn nhắc đến, trong thời gian 6 ngày, toàn bộ chủ lực không quân lục quân Ai-cập bị tiêu diệt, duy có hải quân Ai Cập đã giáng một đòn bất ngờ khiến cho người I-xra-en kinh hãi. Trong chiến tranh Ai-cập đã bắn 6 quả đạn tên lửa hạm đối hạm SS-N-2 do Liên Xô chế tạo vào hạm tàu của I-xra-en ở ngoài cảng Xa-ít, toàn bộ đều trúng mục tiêu, Đó là lần đầu tiên sử dụng tên lửa hạm đối hạm trong lịch sử chiến đấu trên biển. Nhưng trong cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ tư 6 năm sau đó, quân đội Ai-cập đã phóng 50 quả đạn tên lửa SS-N-2 , nhưng chẳng trúng quả nào, nguyên nhân là quân I-xra-en đã gây nhiễu điện tử mạnh, khiến cho tên lửa SS-N-2 như bị bịt mất mắt, rơi hết xuống biển. Quân I-xra-en còn sử dụng kỹ thuật tác chiến điện tử, gây nhiễu điện tử mạnh đối với trận địa tên lửa "SAM" của quân đội Si-ri ở thung lũng Bê-ca, phá huỷ toàn bộ trận địa tên lửa SAM mà Si-ri khổ tâm xây dựng bấy lâu. Các học giả phương Tây cho rằng, trận chiến ở thung lũng Bê-ca đã mở ra tiền lệ cho chiến tranh điện tử.

Cuộc chiến tranh vùng Vịnh nổ ra năm 1991 đã để lại trong trí nhớ mọi người những cảnh tượng chiến đấu máu lửa với "Bão táp Sa mạc", "Tiếng sấm sa mạc", "Thanh kiếm sa mạc", nhưng những cuộc đại chiến điện tử "Snow" do 2 bên triển khai xoay quanh cuộc đấu tranh giành quyền khống chế điện tử lại ít người biết. Đó thực là một cuộc tác chiến điện tử, do lực lượng đa quốc gia tiến hành nhằm xé toang hệ thống phòng thủ mà I-rắc tự cho là vững như tường đồng. Ngay trước khi xảy ra chiến tranh, lực lượng đa quốc gia đã tiến hành trinh sát và gây nhiễu toàn diện các mục tiêu chiến lược của I-rắc trong vùng đất của I-rắc và Cô-oet, toàn bộ khu vực vùng Vịnh không lúc nào là không đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của mạng lưới tình báo điện tử chiến lược Mỹ, thậm chí mỗi hành động của Sát-đam đều bị hệ thống trinh sát điện tử của quân Mỹ theo dõi. Sau khi bắt đầu chiến tranh, quân Mỹ xuất kích nhiều loại máy bay gây nhiễu điện tử để gây nhiễu chế áp mạnh thông tin của quân đội I-rắc. Máy bay tác chiến điện tử EA-6B và máy bay đối kháng điện tử EC-130 gây nhiễu chi viện tầm xa ngoài lưới lửa phòng không của I-rắc, làm tê liệt hoàn toàn hệ thống C3I của quân đội I-rắc, toàn bộ mạng thông tin và mạng ra-đa phòng không bị mù. Do bị gây nhiễu điện tử mạnh, liên lạc vô tuyến giữa Bộ tư lệnh quân đội I-rắc với bộ đội bị gián đoạn, thậm chí nghe đài phát thanh cũng chỉ thấy tiếng sóng nhiễu.

Tác chiến điện tử là thủ đoạn để giành quyền sử dụng và khống chế phổ tần điện tử của 2 bên giao chiến. Có người nói, thế kỷ 19 là thế kỷ của tác chiến trên biển, thế kỷ 20 là thế kỷ của tác chiến trên không, thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của tác chiến điện tử. Chiến trường điện từ đã trở thành chiến trường của chiếu thứ 5 tiếp sau chiến trường của 4 chiếu trên đất, trên biển, trên không, trên vũ trụ. Thực tiễn của mấy cuộc chiến tranh cục bộ sau đại chiến thế giới đã suy diễn ra một nguyên lý chung (công lý): năng lực tác chiến điện tử mạnh hay yếu đã trở thành nhân tố quan trọng quyết định thắng bại của chiến tranh.

Trong thời gian đại chiến thế giới lần thứ nhất, hai bên giao chiến đã sử dụng thiết bị thông tin vô tuyến để trinh sát thông tin của đối phương, gây nhiễu liên lạc thông tin của đối phương. Trong đại chiến thế giới lần thứ hai, ra-đa mới phát minh được ứng dụng vào tác chiến phòng không, do ra-đa liên hệ chặt chẽ với hành động tác chiến và hệ thống vũ khí, gây uy hiếp trực tiếp đến đối phương, nên đã nhanh chóng thúc đẩy sự phát triển của kỹ thuật trinh sát, gây nhiễu ra-đa. Trong thời gian đại chiến, phát minh quan trọng nhất của kỹ thuật tác chiến điện tử là: gây nhiễu không có nguồn bằng các dải kim loại mỏng theo nguyên lý các sợi kim loại phản xạ sóng điện từ; kỹ thuật gây nhiễu có nguồn bằng cách phát xạ tạp âm xạ tần để chế áp ra-đa; kỹ thuật trinh sát và báo động đối với ra-đa.

Những năm 50 đến 70 của thế kỷ 20, kỹ thuật tên lửa, hàng không, hàng không vũ trụ phát triển nhanh chóng, sự xuất hiện vũ khí điều khiển chính xác cùng các loại ra-đa và thiết bị thông tin đồng bộ với chúng, hình thành mối uy hiếp mới đối với máy bay, hạm tàu và mục tiêu quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kỹ thuật tác chiến điện tử. Thời gian sử dụng kỹ thuật trữ tần và ống dẫn sóng dải rộng, phát triển các loại kỹ thuật gây nhiễu kiểu đánh lừa đối với ra-đa ngắm pháo và ra-đa điều khiển tên lửa; nghiên cứu chế tạo ra tàu trinh sát điện tử chuyên dụng, máy bay trinh sát điện tử, vệ tinh trinh sát điện tử và máy bay gây nhiễu điện tử; nghiên cứu chế tạo ra khoang treo đối kháng điện tử mắc bên ngoài máy bay để nâng cao khả năng đối kháng điện tử của máy bay tác chiến hiện đại; phát triển loại máy bay gây nhiễu kép với 2 dạng gây nhiễu chế áp và đánh lừa; cùng với việc ứng dụng rộng rãi kỹ thuật hồng ngoại và la-de trong quân sự, đã sinh ra kỹ thuật đối kháng quang điện, và nghiên cứu chế tạo ra các thiết bị đối kháng quang điện như máy báo động hồng ngoại, máy báo động la-de, máy gây nhiễu hồng ngoại và đạn nhử mồi hồng ngoại. Tác chiến điện tử là một thủ đoạn tác chiến cả công lẫn phòng bắt đầu tỏ rõ uy lực trong chiến tranh hiện đại.

Từ những năm 80 đến nay, việc chỉ huy, kiểm soát, thông tin quân sự và sử dụng trang bị vũ khí kỹ thuật cao càng dựa vào kỹ thuật điện tử. Cùng với việc ứng dụng rộng rãi kỹ thuật vi điện tử, kỹ thuật máy tính và kỹ thuật số hoá, kỹ thuật các chiến điện tử cũng có những tiến bộ rất lớn. Đối kháng thông tin sau một thời gian phát triển chậm, cũng đã có bước phát triển nhanh chóng. Kỹ thuật tác chiến điện tử trên nhiều phương diện như thích ứng với môi trường tín hiệu điện tử dầy đặc phức tạp luôn thay đổi, mở rộng phổ tần, tăng cường khả năng phân biệt chọn lọc nhận biết tín hiệu, tăng thêm nhiều kiểu gây nhiễu, nâng cao công suất gây nhiễu, rút ngắn thời gian tác động của hệ thống và khả năng tổng hợp nhất thể hoá, trí thông minh nhân tạo, tự thích ứng, khả năng gây nhiễu đối với nhiều mục tiêu và thiết bị điện tử thể chế mới, nên đã phát triển đến một giai đoạn mới chưa từng có. Như vậy trong hành động tác chiến của hai bên, có thể chuyển ngay những tình báo trinh sát được cho thiết bị gây nhiễu điện tử và vũ khí chống bức xạ, làm cho tiến công điện tử được thực hiện đồng thời và liên tục, nâng cao được hiệu quả và giá trị tác chiến của chiến tranh điện tử.

Sự phát triển của kỹ thuật trang bị tác chiến điện tử thế hệ mới, tạo ra những đổi thay có tính thời đại đối với vũ khí trang bị. Sự phát triển máy gây nhiễu la-de công suất lớn sẽ trở thành vũ khí la-de. Hệ thống gây nhiễu la-de công suất nhỏ có thể gây nhiễu cho các thiết bị quang điện. Sự phát triển các trang bị phát xạ vi sóng công suất lớn sẽ thành vũ khí vi sóng, không những có thể gây nhiễu phá hoại thiết bị điện tử, mà có thể dùng làm vũ khí huỷ diệt phá hoại mục tiêu.

Tác chiến điện tử trong tương lai sẽ mở ra một chiến trường phi tuyến tính, toàn phương vị, nhiều tầng lớp, tung thâm sâu, phổ tần lớn, dải tần rộng.

Kỹ thuật vi điện tử

Vi điện tử là kỹ thuật vi hình hoá thu nhỏ kích thước các linh kiện điện tử và thiết bị điện tử mà chủ yếu là kỹ thuật mạch điện IC. Trong các vũ khí trang bị kỹ thuật cao, chi phí cho các trang bị vi điện tử đã chiếm hơn nửa giá thành của vũ khí.

Năm 1991, cuộc chiến tranh vùng Vịnh vừa mới kết thúc, lời khẳng định của Nhật Bản làm chú Sam toát mồ hôi: Chiến tranh vùng Vịnh thức tế là do người Nhật đánh thắng! Lý do của họ là: thắng lợi của chiến tranh vùng Vịnh hoàn toàn dựa vào công kích "phẫu thuật", mà công kích "phẫu thuật" lại phải dựa vào kỹ thuật điện tử hiện đại, vũ khí kỹ thuật cao của quân đội Mỹ phải dựa vào kỹ thuật điện tử hiện đại, vũ khí kỹ thuật cao của quân đội Mỹ không thể thiếu các linh kiện bán dẫn mà 80% là do Nhật sản xuất. "Phiến Silic" của người Nhật bốn lạng nặng bằng ngàn cân lần đầu tiên đã đánh bại "gang thép".

Năm 1906, nhà vật lý Mỹ Đơ-phrét-xtơ nghiên cứu chế tạo thành công đèn điện tử 3 cực đầu tiên trên thế giới, dùng đèn điện tử để khuếch đại và kiểm soát tín hiệu điện tử, thực hiện một bước đột phá quan trọng đầu tiên của kỹ thuật điện tử. Năm 1947, người Mỹ Sô-cơ-rê, Ba-đin và Pra-ta-in cùng nhau phát minh ra bóng bán dẫn. Bóng bán dẫn hoàn toàn thay thế cho đèn điện tử chân không.

Năm 1959, Giắc Kin-bi, Rô-bớt Nốt-xư (về sau là một trong những người sáng lập ra công ty Intel) đã phát minh ra mạch điện tập thành
IC, mang lại cho công nghiệp điện tử, nhất là công nghiệp máy tính một sự đột biến cực lớn, nó làm cho phát minh máy tính cá nhân trở thành hiện thực, đó là bước đột phá to lớn thứ 3 trong lĩnh vực điện tử thế kỷ 20 của loài người. Năm 1962 chỉ chế tạo được mạch điện IC quy mô nhỏ gồm 12 nguyên linh kiện; năm 1966 đã phát triển thành mạch IC quy mô vừa với độ tập trung 100-1000 nguyên linh kiện; năm 1967-1973 nghiên cứu chế tạo được mạch IC quy mô lớn từ 1000 đến 100.000 nguyên linh kiện; năm 1977 nghiên cứu chế tạo được mạch IC quy mô siêu lớn, tập trung đến 15 vạn nguyên linh kiện trên một tinh thể Silic 30mm2. Đó là bước đột phá lớn thứ 4 của kỹ thuật điện tử, từ đó thực sự đã bước bào thời đại vi điện tử.

Các lĩnh vực mà kỹ thuật vi điện tử có dính dáng đến là kỹ thuật thiết kế phụ trợ cho máy tính và đo kiểm bổ trợ máy tính, kỹ thuật chế tạo mô-đun, kỹ thuật gia công vật liệu, kỹ thuật về độ tin cậy, kỹ thuật điều chế Simcard, kỹ thuật bao gói, kỹ thuật gia cố bức xạ. Kỹ thuật điện tử là cối lõi và nền tảng của kỹ thuật quân sự hiện đại, được sử dụng vào các loại thiết bị quân dụng như ra-đa, máy tính, thiết bị thông tin, thiết bị dẫn đường, hệ thống điều khiển hoả lực, thiết bị điều khiển và thiết bị đối kháng điện tử. Nếu không có trụ cột là mạch IC có độ tin cậy cao thì kế hoạch "Apôlô" lên mặt trăng là không thể thực hiện được. Trong các hệ thống điện tử và vũ khí mới như tên lửa đường đạn, thiết bị điện tử trên máy bay mà Bộ Quốc phòng Mỹ đang nghiên cứu chế tạo, có đến gần 80% mạch điện bộ phận phi lưu trữ sử dụng mạch iC chuyên dụng. Máy bay F-111 của Mỹ sau khi sử dụng mạch điện IC siêu cao tốc, thời gian gián cánh hỏng hóc bình quân là 40 giờ đã nâng lên khoảng 5000 giờ, số nguyên kiện từ 224 cái, giảm còn 60 cái. Tên lửa "Patriot" sau khi sử dụng mạch điện IC siêu cao tốc, các mô-đun điện tử từ 200 cái, giảm còn 13 cái, mà có thể đồng thời theo dõi tới 100 mục tiêu, còn có thể phân loại mục tiêu và đồng thời điều khiển 8 tên lửa công kích vào 8 mục tiêu. Ngoài ra hệ thống giám sát không gian, bộ phận thám sát và máy tính của tên lửa động năng đánh chặn trong "Chương trình phòng thủ chiến lược" (SDI, tức kế hoạch chiến tranh giữa các vì sao) của Mỹ cũng đều sử dụng mạch điện IC siêu cao tốc và mạch điện IC đơn phiến sóng milimét, vi sóng.

Tấm silic bé nhỏ như một nhà ảo thuật thần kỳ, sau khi "biến đá thành vàng", đã chắp thêm cánh hiện đại cho vũ khí trang bị, đẩy nhanh nhịp độ số hoá, đa năng hoá, cao tốc hoá và tự động hoá cho trang bị điện tử quân dụng. Kỹ thuật vi điện tử đã trở thành kỹ thuật cơ sở và kỹ thuật chủ đạo để phát triển vũ khí trang bị hiện đại và nhất là vũ khí trang bị kỹ thuật cao.

Kỹ thuật điều khiển chính xác

Kỹ thuật điều khiển chính xác là kỹ thuật dùng để điều khiển vũ khí một cách chính xác. Kỹ thuật điều khiển chính xác được dùng nhiều hiện này có: hệ thống điều khiển có dây, hệ thống điều khiển bằng ra đa vi sóng, hệ thống điều khiển truyền hình, hệ thống điều khiển hồng ngoại và hệ thống điều khiển la-de.

Phương pháp điều khiển vũ khí điều khiển chính xác được thực hiện bởi khí tài trinh sát và hệ thống kiểm soát tự động. Nguyên lý cơ bản của nó là lợi dụng các hiện tượng vật lý của mục tiêu, nắm bắt đặc trưng và thông tin cung cấp vị trí của mục tiêu, sử dụng khí tài thám sát và sen-sơ nắm bắt những đặc trưng và thông tin đó của mục tiêu, tách mục tiêu ra khỏi bối cảnh xung quanh, để phát hiện và nhận biết mục tiêu, định vị chính xác vị trí của mục tiêu. Sau đó chuyển mục tiêu và những thông tin nắm được sang trung tâm xử lý thông tin,cuối cùng thông qua máy tính điện tử chuyển chỉ lệnh tiêu diệt mục tiêu đến vũ khí tác chiến. Chiến tranh vùng Vịnh đã mở đầu cho chiến tranh kỹ thuật cao tương lai. Trong chiến tranh, bộ đội đa quốc gia đã sử dụng 82 loại vũ khí điều khiển dẫn chính xác thuộc 13 chủng loại, ném 740 tấn bom điều khiển, tất cả 15.500 quả, chiếm 8,36% lượng bom đạn chung. Bom đạn điều khiển chính xác đã phá huỷ 75 hăng-ga máy bay được gia cố của I-rắc, chiếm 63% tổng số hăng-ga máy bay; trong 24 ngày tập kích đường không, vũ khí điều khiển chính xác đã phá huỷ 650 xe tăng I-rắc, chiếm 86% tổng số xe bị phá huỷ. Tác chiến liên hợp không đối đất chống thiết giáp và công kích tung thâm với tập kích đường không chiến lược lấy vũ khí làm thủ đoạn chế áp sát thương chủ yếu, là 2 yếu tố trụ cột lớn để bộ đội đa quốc gia nhanh chóng giành thắng lợi. Trong chiến tranh Cô-xô-vô nổ ra cách đây không lâu, khối NATO đứng đầu là Mỹ lại diễn trò cũ, trong hành động tập kích đường không 78 ngày đêm, dựa vào ưu thế to lớn trên không và trang bị tác chiến điện tử, đã sử dụng rất nhiều vũ khí điều khiển chính xác, công kích chính xác có tính chất huỷ diệt hầu như vào tất cả các mục tiêu chiến lược của liên bang Nam Tư, trên 90% mục tiêu chiến lược điểm đã bị phá huỷ.

Thuật ngữ điều khiển chính xác được ra đời vào giữa những năm 70. Năm 1972, trong chiến tranh Việt Nam quân đội Mỹ đã sử dụng rất nhiều bom điều khiển bằng la-de và truyền hình, phá huỷ khoảng 80% mục tiêu bị công kích, tỉ lệ hiệu năng tác chiến cao gấp trăm lần vũ khí không có điều khiển. Trong chiến tranh Trung Đông lần thứ tư, tháng 10 năm 1973, Ai-cập sử dụng tên lửa chống tăng "AT-3" điều khiển bằng dây và tên lửa đất đối không "SA-6" điều khiển bằng ra-đa do Liên Xô chế tạo, I-xra-en sử dụng tên lửa chống tăng kiều "TOW" điều khiển bằng dây và tên lửa không đối đất "Maverick" điều khiển bằng truyền hình của Mỹ chế tạo, đều giành được chiến tích không nhỏ. Kỹ thuật điều khiển chính xác được đưa vào ứng dụng trong chiến tranh, làm tăng xác suất trúng mục tiêu từ dưới 30% trước đây, lên trên 50%, vòng tròn sai số đối với mục tiêu điểm là từ 0,5-1,5m, đối với mục tiêu diện là trong vòng 3m.

Sau đại chiến thế giới, kỹ thuật điều khiển chính xác được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực quân sự, trực tiếp kích thích sự phát triển của tên lửa, làm cho tên lửa trở thành binh khí chủ chiến của chiến tranh kỹ thuật cao hiện đại. Sau đại chiến thế giới lần thứ hai, 2 nước Mỹ và Liên Xô trên cơ sở của tên lửa hành trình V-1 và tên lửa đường đạn V-2 của Đức, bắt đầu phát triển tên lửa hành trình và tên lửa đường đạn tầm trung, Tiếp sau đó tháng 11.1958 tên lửa đường đạn vượt đại châu của Mỹ cũng phóng thành công. Sau những năm 60 do có sự phát triển của kỹ thuật điện tử, kỹ thuật điều khiển và kỹ thuật động cơ phản lực cánh gió tuốc-bin cỡ nhỏ, nên tên lửa hành trình lại được coi trọng. Năm 1982 trong cuộc chiến tranh ở quần đảo Malvinas giữa Anh và Ac-hen-ti-na, máy bay chiến đấu "Siêu quân kỳ" của Ac-hen-ti-na đã phóng tên lửa không đối hạm từ ngoài 30 km, bắn chìm hạm khu trục "Sê-phen-đơ" của Anh, làm cả thế giới kinh ngạc. Theo thống kê của những tư liệu có liên quan, trước đây bình quân phải sử dụng 250 viên đạn pháo 155 ly không có điều khiển, mới bắn huỷ được một xe tăng, bây giờ đạn pháo sử dụng kỹ thuật điều khiển chính xác chỉ cần 1-2 phát, hiệu suất được nâng lên 125-250 lần. Giá một quả tên lửa chống tăng "TOW" tuy tới 1 vạn đôla, nhưng dùng nó để bắn huỷ một xe tăng kiểu M-1 giá tới 244 vạn đôla, tỷ giá của 2 bên là 1: 244. Nếu sử dụng đạn thông thường không có điều khiển để bắn huỷ một xe tăng M-1, cần khoảng 250 phát đạn, mỗi phát đạn tính giá 150 đô-la, cũng phải mất 3,75 vạn đô-la.

Giữa những năm 50 của thế kỷ 20, hai nước Mỹ và Liên Xô bắt đầu nghiên cứu vấn đề lấy tên lửa chống tên lửa. Sau những năm 70, có sự tiến bộ của kỹ thuật tìm mục tiêu, kỹ thuật thám sát, kỹ thuật máy tính và kỹ thuật định hướng năng lượng, tạo điều kiện để phát triển hệ thống chống tên lửa có hiệu quả. Hai nước Mỹ và Liên Xô triển khai nghiên cứu hệ thống phòng thủ tên lửa đường đạn xuyên lục địa bằng thủ đoạn đánh chặn của vũ khí động năng và vũ khí năng lượng định hướng.

Những năm 80, Mỹ đưa ra "Chương trình phòng thủ chiến lược" (SDI), nghiên cứu kỹ thuật đánh chặn nhiều tầng lớp đối với tên lửa đường đạn bắn tới và khí tài bay khi quay trở về tầng không khí. Gần đây Mỹ lại đưa ra chương trình phòng thủ tên lửa chiến trường (TMD) và phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD).

Xu thế phát triển chung hiện nay của kỹ thuật điều khiển chính xác là: chú trọng phát triển kỹ thuật sóng cm, tia hồng ngoại sóng dài và kỹ thuật điều khiển nhiều mô-đun; nâng cao khả năng nhận biết mục tiêu và khả năng tự thích ứng theo dõi và chống nhiễu trong hoàn cảnh chiến trường phức tạp; phát triển kỹ thuật thám sát mới, tăng cự ly tác dụng, để vũ khí có thể công kích mục tiêu từ ngoài khu vực phòng thủ; mô-đun hoá, đa dạng hoá đầu dẫn, thực hiện một quả đạn có nhiều đầu nổ, thoả mãn các yêu cầu của tác chiến.

Kỹ thuật máy tính

Máy tính quân dụng là máy tính điện tử ứng dụng trong lĩnh vực quân sự. Quá trình nghiên cứu, định hình, sản xuất máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ có trên 90% công việc được hoàn thành trực tiếp hoặc bổ trợ trên máy tính.

Phát minh ra máy tính điện tử là một trong những thành quả khoa học rực rỡ nhất của thế kỷ 20. Việc phát minh ra máy tính làm cho loài người tìm được "chìa khoá" bước vào thời đại thông tin. Tiếp theo năng lượng hoá học, năng lượng vật lý, loài người lại tìm được năng lượng thông tin.

Trong đại chiến thế giới lần thứ hai, quân đội Mỹ bắt đầu nghiên cứu chế tạo máy tính điện tử. Năm 1946, chiếc máy tính điện tử đầu tiên (ENIAC) do 2 kỹ sư Mỹ của trường đại học Pen-xin-va-ni-a "lắp ráp" ra đời. Lúc đó, "con vật khổng lồ" này có công năng chưa bằng chiếc máy vi tính dùng để học tập ngày nay, nhưng lại dùng tới 17.468 chiếc đèn chân không, 800 km dây dẫn, nặng tới 30 tấn, cao 5,5m, dài 24 m, chiếm diện tích 140m2.

Sau đại chiến thế giới lần thứ hai, kỹ thuật máy tính có bước phát triển nhảy vọt, khiến nó trở thành kỹ thuật mang tính thế giới, ứng dụng trong lĩnh vực quân sự có dính dáng đến nhiều mặt như tính toán khoa học, mô phỏng hệ thống vũ khí, kiểm soát tự động, chỉ huy tự động và quản lý đảm bảo hậu cần. Trình độ máy tính và quy mô sản nghiệp đã trở thành tiêu chí quan trọng để đánh giá thực lực kinh tế, thực lực quân sự, thực lực khoa học kỹ thuật quân sự của một quốc gia.

Kỹ thuật máy tính được ứng dụng sâu rộng trong lĩnh vực quân sự, làm cho hệ thống quân sự phát triển theo hướng tính năng cao, chất lượng cao, tốc độ cao, đa năng và trí năng hoá. Phạm vi tác dụng, độ phản ứng nhanh nhậy, độ chính xác, sức sát thương phá hoại, khả năng tự bảo vệ của vũ khí trang bị kỹ thuật cao đều có quan hệ cực kỳ chặt chẽ với máy tính. Đồng thời kỹ thuật máy tính đã trở thành thủ đoạn tất yếu không thể thiếu để phát triển hơn nữa kỹ thuật quân sự. Nó rút ngắn chu kỳ nghiên cứu vũ khí trang bị, tiết kiệm kinh phí nghiên cứu chế tạo, tăng nhanh chu kỳ nghiên cứu chế tạo vũ khí trang bị hiện đại. Nếu đầu thế kỷ 20 chu kỳ nghiên cứu vũ khí trang bị cùng một họ phải mất 60 năm, thì đến nay tốc độ đổi mới vũ khí trang bị cùng một họ đã rút xuống còn 1 năm, thậm chí ngắn hơn nữa.

Trong chiến tranh vùng Vịnh, mỗi ngày quân Mỹ xuất kích 2000-3000 chiếc máy bay tập kích đường không, việc chỉ huy kiểm soát tác chiến, độ trúng đích chính xác của tên lửa hành trình "Tô-ma-hốc", tên lửa "SLAM" tới 90-100%, đều có quan hệ bản chất với việc sử dụng kỹ thuật máy tính có tính năng cao.

Hiện nay nhiều nước đua nhau phát triển sử dụng hệ thống và mạng máy tính, kỹ thuật xử lý thông tin với phương tiện mang máy tính tính năng cao, kết cấu hệ thống máy tính song hành, máy tính kiểu kết nối, và đẩy nhanh sự phát triển kỹ thuật trí năng nhân tạo. Những kỹ thuật đó một mặt thúc đẩy sự tiến bộ của vũ khí trang bị, hệ thống vũ khí trang bị phát triển theo hướng trí năng hoá và tự động hoá toàn diện. Mặt khác sẽ thay đổi triệt để hệ thống C3I truyền thống của quân đội và bộ mặt các ngành nghiệp vụ huấn luyện, quản lý, bảo đảm hậu cần. Đồng thời tính chất quan trọng về mặt quân sự của kỹ thuật đa phương tiện (Multi-media), kỹ thuật mô phỏng của máy tính ngày càng nổi bật. Người máy thông minh quân dụng sẽ có thể mô phỏng được một số công năng của người, có thể thay thế con người làm một số nghiệm vụ quân sự trong hoàn cảnh phức tạp, ác liệt, nguy hiểm.

Sắp bước sang thế kỷ 21, thể tích của máy tính sẽ càng nhỏ, tốc độ diễn toán sẽ ngày càng nhanh, công năng ngày càng nhiều. Chiếc máy tính NIAC mỗi giây làm được 5.000 phép tính, còn tốc độ tính toán của máy tính cỡ lớn hiện nay có thể đạt tới ngàn tỷ phép tính trong một giây. Theo những tài liệu có liên quan, Mỹ đã nghiên cứu chế tạo được một loại máy siêu vi tính, giá thành rất rẻ, đặt tên là IPIC, có kích thước chỉ bằng viên thuốc Aspirin, bố trí bộ phận xử lý trung tâm 4 MH và bộ nhớ 32 KB, có công năng đơn giản, giá thành chế tạo chưa đến 1 đôla. Hiện nay tốc độ của bộ phận vi xử lý máy tính, cứ 5 năm lại nâng cao gấp 10 lần. Sang thế kỷ tới có thể kỹ thuật vi xử lý kết hợp với kỹ thuật đa xử lý sẽ thay đổi các máy tính cỡ nhỏ, cỡ lớn và cực lớn, bao trùm lên các máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính kiểu sổ tay. Dựa vào đó, quân đội Mỹ đã nghiên cứu thiết kế trang bị thông tin cá nhân số hoá tập hợp cả các tính năng baó động chiến trường, quét hình nhìn đêm, định vị toàn cầu, thông tin chỉ huy. Kỹ thuật na-nô mới bắt đầu từ những năm 90 hướng tới thế kỷ 21, như vật liệu học na-nô, sinh học na-nô, điện tử học na-nô và cơ khí học na-nô được phát triển đưa vào ứng dụng, có khả năng sẽ dấy lên một cơn bão táp có tính cách mạng mới trong lĩnh vực kỹ thuật máy tính.

Các học giả có uy tín cho rằng: Bước vào thế kỷ 21, máy tính sẽ được ứng dụng trong khắp các lĩnh vực quân sự, lớn như mạng C4I chiến lược, nhỏ như trang bị dụng cụ cá nhân, đâu đâu cũng thấy bóng dáng của máy tính. Máy tính mang sức sống mãnh liệt vào bộ máy quân sự, và tự nó cũng trở thành chiến trường và vũ khí tác chiến quan trọng, trong lịch sử chiến tranh sẽ ra đời một binh chủng mới, binh chủng máy tính. Binh chủng máy tính sử dụng máy tính và những tri thức tương ứng làm vũ khí, nhiệm vụ chủ yếu là công kích hệ thống máy tính của địch, bảo vệ hệ thống máy tính của ta. Thủ đoạn tác chiến chủ yếu là: Thông qua thiết kế phần mềm, sản xuất vi-rút máy tính, công kích vào mạng máy tính của địch, đánh cắp tài liệu bí mật, gây rối hệ thống; ngăn chặn sự phá hoại bởi vi-rút máy tính của địch và sự truy nhập mạng của địch, sửa chữa phần cứng, phần mềm bị địch phá hoại. Cùng với sự phát triển của kỹ thuật mạng xây dựng trên kỹ thuật máy tính, phạm vi của chiến tranh tương lai ngày càng rộng lớn, giới hạn của con người tham chiến càng mờ nhạt, "cuộc chiến tranh không khói súng" sẽ lại diễn ra với hàm ý chiến tranh cổ điển.

Kỹ thuật C3I

Thế kỷ 19, người Mỹ S.F.B Moóc-xơ A.G.Ben, người Nga A.S.Pô-pốp và người Italia G. Macôni lần lượt phát minh ra điện báo hữu tuyến, điện thoại và điện báo vô tuyến, thực hiện truyền dẫn thông tin nhanh cự ly xa, dẫn tới cuộc cách mạng truyền tin. Những thành tựu đó được nhanh chóng ứng dụng vào quân sự làm thay đổi căn bản phương thức chỉ huy quân đội. Những năm 30 của thế kỷ 20, sau khi người Anh phát minh ra-đa, kỹ thuật vô tuyến điện được ứng dụng vào các mặt trinh sát, cảnh giới, theo dõi, điều khiển hoả lực và dẫn đường, nâng cao hiệu năng tác chiến của bộ đội.

Sau đại chiến thế giới lần thứ hai, phương tiện chỉ huy cũ kỹ, lạc hậu đã không thể thích ứng được với đòi hỏi cấp bách của chiến tranh,phương tiện chỉ huy truyền thống phải đối mặt với cuộc thử thách thay xương đổi thịt. Để có thể thích ứng được với nhu cầu chiến tranh hiện đại, từ những năm 50 của thế kỷ 20, một số nước đã xây dựng hệ thống chỉ huy, kiểm soát, truyền tin và tình báo (hệ thống C3I) (có quốc gia còn nhấn mạnh kỹ thuật máy tính trong hệ thống C3I, quy nạp vào C3I thành C4I; có quốc gia lại gộp cả giám sát và trinh sát thành C4ISR) và ngày càng phát triển theo hướng tự động hoá cao, linh hoạt, tin cậy, phản ứng nhanh khả năng sinh tồn mạnh, tính bảo mật tốt. Hệ thống C3I được xây dựng trên cơ sở lý luận của lý thuyết hệ thống, lý thuyết kiểm soát và lý thuyết tin học hiện đại, là hệ thống lấy vũ khí trang bị điện từ, quang điện làm chủ thể, lấy máy tính làm hạt nhân, lấy nhận biết, phân biệt, truyền dẫn, xử lý thông tin làm thủ đoạn, kết nối người chỉ huy các cấp với người lính chiến đấu thành tổng thể hữu cơ, để cùng thực hiện nhiệm vụ chỉ huy tác chiến, kiểm soát, truyền tin và trinh sát. Kỹ thuật hệ thống C3I bao gồm kỹ thuật kết nối thông nhau, kỹ thuật công trình phần mềm, kỹ thuật ra đa độ nhạy cao, kỹ thuật xử lý tín hiệu và hình ảnh, kỹ thuật hội tụ dữ liệu. Hệ thống C3I sử dụng những kỹ thuật này không những có thể thu thập, xử lý, truyền tin tình báo, chi viện điều động bố trí và hiệp đồng binh lực, thực hiện chỉ huy tác chiến mà còn kết nối các loại vũ khí thành một khối, làm chúng phát huy được hiệu năng và uy lực tối đa 1+1>2

Đặc điểm phát triển hệ thống C3I của các cường quốc quân sự phát triển hiện nay là: Phát triển hệ thống thám sát trinh sát có nhiều thủ đoạn, độ chính xác cao, cự ly xa; phát triển hệ thống truyền tin có khả năng bảo mật, chống phá huỷ, chống nhiễu; phát triển hệ thống xử lý dữ liệu tự động rải rác trí năng hoá; coi trọng tính thông nhau và tính kiêm nhiệm của hệ thống, nâng cao trình độ nhất thể hoá và hiệu năng tổng thể.

Hệ thống C3I hiện đại đã rút ngắn rất lớn thời gian của chu kỳ tác chiến giám sát chiến trường; phát hiện mục tiêu - đánh giá và xử lý thông tin - ra chỉ lệnh tác chiến và thực tiễn công kích, từ đó làm cho thời gian tác chiến thực tế bằng súng đạn càng ngắn, nhịp độ chiến tranh càng nhanh, một cuộc chiến tranh có thể chỉ là một lần chiến dịch, thậm chí chỉ là một cuộc chiến đấu, trận đầu có thể đã là một trận quyết chiến. Từ những năm 80 của thế kỷ 20, những cuộc chiến tranh có trình độ tương đối cao về kỹ thuật cao trên thế giới, nói chung đều có thời gian liên tục tương đối ngắn. Năm 1986, cuộc chiến tranh "kiểu phẫu thuật ngoại khoa" của Mỹ tập kích đường không vào Li-bi, toàn bộ hành động tập kích đường không chỉ có 18 phút, trong đó thời gian liên tục công kích mục tiêu chủ yếu chỉ có 11 phút. Năm 1989 cuộc tác chiến chủ yếu của quân Mỹ trong chiến tranh xâm nhập Panama chỉ có 15 giờ. Cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và cuộc chiến tranh Cô-xô-vô năm 1999 có quy mô tương đối lớn, thời gian liên tục cũng không quá 42 ngày và 78 ngày. Tác chiến mặt đất trong chiến tranh vùng Vịnh chỉ có 100 giờ. Trong đó hệ thống C3I đã phát huy tác dụng then chốt. Hệ thống C3I hiệu năng cao là điều kiện quan trọng nâng cao hiệu năng chỉ huy tác chiến trong chiến tranh cục bộ kỹ thuật cao, và cũng là "phương tiện tăng bội sức mạnh" không thể thiếu để tăng cường khả năng tác chiến tổng thể.

Kỹ thuật C3I trong tương lai sẽ phát triền theo hướng nâng cao khả năng chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân chủng, khả năng cơ động phản ứng nhanh của hệ thống, khả năng sinh tồn chống phá huỷ, khả năng tổ chức mạng kết nối mạng, đồng thời với việc tiếp tục phát triển C3I chiến lược còn phát triển C3I ở tầng ngoài vũ trụ. Dự tính sang thế kỷ tới, hệ thống C3I sẽ từ vũ trụ kéo dài xuống tận biển sâu, hình thành mạnh lớn bố trí lập thể, nối thông toàn cầu. Cho nên kỹ thuật hệ thống C3I thế hệ mới là kỹ thuật nhất thể hoá hệ thống sẽ nổi trội, kỹ thuật này bao gồm kỹ thuật nhất thể hoá C3I-EW, kỹ thuật nhất thể hoá nhiều xen-xơ, kỹ thuật nhất thể hoá trí năng nhân tạo với tái sinh phần mềm và kỹ thuật thiết kế hệ thống IC.

Cần phải nói rằng, thực chất của hệ thống C3I là hệ thống đối thoại giữa người với máy, dựa vào kỹ thuật máy tính điện tử giúp người chỉ huy chiến trường phán đoán tình hình, hạ quyết tâm.

Nhà khoa học nổi tiếng Tiền Học Thâm đã từng nói "dùng kỹ thuật thông tin và tình báo hiện đại tổ chức hệ thống chỉ huy, rồi dùng kỹ thuật mô phỏng để xác định, mô phỏng và chọn phương án tác chiến tối ưu, đó là thực chất hệ thống chỉ huy hiện đại". Con người vĩnh viễn là nhân tố chủ yếu nhất trong hệ thống, là người quyết định. Còn hệ thống chỉ có thể là chấp hành càng nhanh càng tốt, càng toàn diện và kích động vai trò năng động chủ quan của con người truyền đạt một cách hoàn mỹ toàn diện nhanh chóng ý chí của người chỉ huy tác chiến, để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.

Kỹ thuật C3I là kỹ thuật vận dụng lý luận và phương pháp công trình hệ thống để phát triển và quản lý hệ thống chỉ huy, kiểm soát, truyền tin, tình báo quân sự. Tổng thống Mỹ sử dụng C3I để hạ lệnh cho bộ đội ở tuyến một, nhanh nhất chỉ cần đến 6 phút, nếu hạ lệnh vượt cấp, nhanh nhất chỉ cần 1 đến 3 phút.

Kỹ thuật hàng không vũ trụ quân dụng

Kỹ thuật vũ trụ hàng không quân sự là một môn kỹ thuật công trình có tính tổng hợp phát triển và sử dụng khoảng không vũ trụ nhằm mục đích ứng dụng quân sự. Đến nay các nước trên thế giới đã phóng hơn 5000 khí cụ hàng không vũ trụ, trong đó 70% dùng vào mục đích quân sự.

Ngày 4-10-1957 ngày vệ tinh nhân tạo của Liên Xô, khí cụ hàng không vũ trụ đầu tiên trong lịch sử loài người được phóng lên vũ trụ. Từ đó loài người bước vào thời đại hàng không vũ trụ. Khoảng không vũ trụ tĩnh lặng hàng tỷ năm không còn yên tĩnh được nữa.

Mới đầu khí cụ hàng không vũ trụ do con người chế tạo đều tương đối giản đơn, sau khi phóng lên trời thường không thể thu hồi được nữa, chưa nói gì đến chuyện ứng dụng trong quân sự. Đến ngày 10-8-1960, vệ tinh trinh sát chụp ảnh của Mỹ "người phát hiện số 1
" được phóng lên và thu hồi thành công, mở màn cho việc sử dụng không gian vào mục đích quân sự.
Năm 1963, Mỹ sử dụng kỹ thuật truyền tin trung kế vi sóng phóng thành công vệ tinh truyền tin kiểu năng động "sao điện số 1", bắt đầu lịch sử truyền tin vệ tinh. Ngày 16-7-1969, con tàu vũ trụ Apolo chở người đổ bộ lên mặt trăng thành công, đánh dấu việc loài người đã hoàn thành thời kỳ đầu thăm dò và thử nghiệm ứng dụng vũ trụ. Bước vào những năm 70, các loại khí cụ hàng không vũ trụ quân dụng xuất hiện như măng xuân gặp mưa, dày đặc trên bầu trời. Từ những năm 80, sự phát triển của kỹ thuật hàng không vũ trụ các nước đã xuất hiện một viễn cảnh và đặc điểm mới. Khí cụ hàng không vũ trụ hiệu năng cao, nhiều công dụng thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư nối tiếp nhau xuất hiện. Công cuộc nghiên cứu chế tạo con tàu hàng không vũ trụ chở người đã có bước tiến nhảy vọt, lần lượt nghiên cứu chế tạo ra trạm không gian vĩnh cửu và máy bay hàng không vũ trụ, thực hiện ghép nối con tàu vũ trụ với trạm không gian và những chuyến bay cơ động đi về có tính lịch sử giữa vũ trụ và trái đất, khiến cho các khí cụ hàng không vũ trụ lần đầu tiên có được bến đậu trên vũ trụ để thực hiện việc thu hồi, sửa chữa, tiếp dầu, đồng thời cũng là căn cứ hoạt động để chỉ huy, kiểm soát, tác chiến, tạo điều kiện để con người khai phá, sử dụng tầng ngoài không gian vào mục đích quân sự với quy mô to lớn hơn nữa.

Ngày 13-9-1985, một chiếc máy bay chiến đấu F-15 của Mỹ cất cánh từ căn cứ không quân Edward, sử dụng thành công tên lửa chống vệ tinh, bắn huỷ một vệ tinh cũ đã bỏ phế, đánh dấu việc tên lửa chống vệ tinh đã được ứng dụng trong thực tế chiến đấu. Cuộc chạy đua quân sự trên tầng ngoài không gian lại sang trang mới. Tiếp sau đó là công cuộc nghiên cứu vũ khí động năng vũ trụ, vũ khí định hướng năng lượng, pháo điện từ là những vũ khí vũ trụ khái niệm mới cũng được triển khai rầm rộ.

Sự phát triển khí cụ hàng không vũ trụ quân dụng, làm cho khả năng trinh sát quân sự, truyền tin, đo vẽ bản đồ, dẫn đường, định vị, báo động từ xa, giám sát và dự báo khí tượng được nâng cao chưa từng thấy.

Việc ứng dụng kỹ thuật hàng không vũ trụ quân sự chủ yếu gồm có 4 mặt: Giám sát hàng không vũ trụ, chi viện hàng không vũ trụ, tác chiến hàng không vũ trụ và bảo đảm hậu cần hàng không vũ trụ. Giám sát hàng không vũ trụ là những việc sử dụng ưu thế của khí cụ hàng không vũ trụ có phạm vi giám sát lớn, không bị hạn chế bởi điều kiện địa lý và biên giới quốc gia, có thể giám sát định kỳ lặp đi lặp lại một khu vực, có thể nhanh chóng thu được những tình báo mà các phương tiện khác khó thu được. Tiến hành giám sát mục tiêu bằng các loại thiết bị trinh sát, giám sát trên khí cụ hàng không vũ trụ, chủ yếu gồm trinh sát chụp ảnh, trinh sát điện tử báo động tên lửa từ xa, giám sát hải dương và giám sát các vụ nổ hạt nhân. Chi viện hàng không vũ trụ là sử dụng kỹ thuật trên không, gồm truyền tin quân sự, quan trắc khí tượng quân sự, dẫn đường và đo đạc quân sự. Hai mặt trên đây đều đã được ứng dụng rộng rãi và phát triển theo kỹ thuật điện tử, kỹ thuật máy tính xen-xơ, khả năng của nó ngày càng được nâng cao.

Tác chiến hàng không vũ trụ là sử dụng vũ khí năng lượng định hướng hoặc vũ khí động năng như la-de, chùm sóng ion, sóng vi ba để công kích, phá huỷ mục tiêu là khí cụ hàng không vũ trụ hoặc tên lửa đường đạn, hoặc sử dụng cánh tay máy lắp trên khí cụ hàng không vũ trụ người máy vũ trụ hoặc người phi hành vũ trụ để trực tiếp phá hoại hoặc chụp bắt khí cụ hàng không vũ trụ quân dụng của địch. Kỹ thuật về mặt này còn đang trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm ban đầu đã có thể sử dụng vệ tinh đánh chặn tiếp cận vệ tinh đối phương, dùng phương thức tự nổ hoặc va đập để đạt mục đích công kích huỷ diệt vệ tinh đối phương. Bảo đảm hậu cần hàng không vũ trụ là những hoạt động sử dụng khí cụ hàng không vũ trụ đang bay trong không gian để đo kiểm, sửa chữa, nạp nhiên liệu, thay thiết bị máy móc, thay linh kiện và các khí tài tiêu hao khác, tổ hợp và kiến tạo khí cụ hàng không vũ trụ quân dụng. Hiện nay kỹ thuật về mặy này còn trong giai đoạn nghiên cứu thăm dò.

Năm 1985, Mỹ thành lập bộ tư lệnh hàng không vũ trụ quân sự liên hợp. Hiện nay trong hơn 100 nhân viên phi hành vũ trụ, có đến 2/3 là quân nhân. Các chuyên gia phương Tây dự đoán, sang thế kỷ tới, "quân chủng vũ trụ" của Mỹ sẽ gồm nhiều binh chủng: binh chủng hàng không vũ trụ tiêm kích, binh chủng hàng không vũ trụ oanh tạc, binh chủng hàng không vũ trụ trinh sát, binh chủng hàng không vũ trụ cứu viện, binh chủng hàng không vũ trụ vận tải. Năm 1992, Nga đi đầu xây dựng bộ đội hàng không vũ trụ. Đến cuối năm 1997, tổng cộng Mỹ tiến hành tiến hành 118 lần phóng tàu vũ trụ chở người, đưa 537 nhà phi hành vũ trụ lên không gian. Liên Xô và Nga phóng tất cả 85 lần tàu vũ trụ chở người, đưa 191 nhà phi hành vũ trụ lên không gian. Trọng điểm chạy đua vũ trang giữa các nước lớn quân sự đã dần dần chuyển sang tầng ngoài không gian, những cuộc giao chiến trên chiến trường trong thế kỷ tương lai sẽ là những cuộc đại chiến toàn phương vị trên chiến trường lập thể 6 chiều trên bộ, trên biển, trên không, trên vũ trụ, trên sóng điện từ, trên mạng, cuộc chiến tranh giữa các vì sao sẽ từ trong các trường quay của Hô-li-út bước ra trận địa tiền duyên của đấu tranh quân sự.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét