Rađa K-860 đ/k pháo cao xạ 57ly TQ |
Hai năm tự mày mò nghiên cứu đã tìm ra cách sửa
chữa, cải tiến Ra đa K860, chuyển ứng dụng từ hỗ trợ pháo cao xạ sang hỗ
trợ tên lửa, ông và các đồng đội đã góp phần quan trọng vào chiến thắng
của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”
Tên lửa LX SAM-2 |
Ở khu tập thể Nam
đồng. Mọi người mách nhau, ai muốn xay bột thật mịn, chịu khó leo lên
tầng 4 nhà Đ11 đến phòng 403 gặp “Ông xay bột”. Nhìn ông già gày yếu hom
hem, cần mẫn làm việc. Nào ai biết được “ông xay bột” có một thời trai
trẻ đã lập được chiến công góp phần hạ máy bay B52 của Mỹ trong chiến
dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972.
“Ông xay bột” bây giờ chính là Thượng uý - Kỹ sư - Nguyễn Ngọc Lạc năm 1972, khi ông cùng đồng đội lập nên chiến công đó.
Thành quả của hai năm mày mò, nghiên cứu
Thượng uý - Kỹ sư - Nguyễn Ngọc Lạc ngày ấy và bây giờ |
Là người rất gần gũi
ông mới cho tôi xem cuốn Lịch sử ngành Quân khí phát hành năm 2006 ,
trong đó có đoạn: Đồng chí đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong một lần họp ở
Bộ Quốc phòng khi trao đổi với đồng chí Cục trưởng Cục Quân khí Nguyễn
Quang Lộc, đã khen ngợi thành công của Cục Quân khí trong việc cải tiến
Ra đa K860. Tổng kết thi đua năm 1972, Phòng Vũ khí Phòng không của Cục
Quân khí được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba về thành tích năm
1972. Riêng đồng chí Nguyễn Ngọc Lạc được chọn làm báo cáo để đề nghị
tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Hỏi ông về bối cảnh
tạo nên chiến công đó. Ông kể: Một hôm, đang công tác ở cơ quan, có một
cán bộ quân khí ở Quân chủng Phòng không Không quân đến cho biết: “Mình
vừa đưa Ra đa K860 về Xưởng Quân giới để sửa chữa, không hiểu tại sao cả
hai băng sóng 1 và 2 đều hỏng. Đây là tình trạng chung của đơn vị”.
Nghe được thông tin
đó. Tôi báo cáo với đồng chí Trưởng phòng và xin xuống ngay đơn vị xem
tình hình hư hỏng như thế nào. Xuống đến nơi, tôi thấy khoảng ba chục
cán bộ kỹ thuật chuyên gia Trung quốc đang tìm cách sửa chữa băng sóng
1. Còn băng sóng 2 hỏng họ chưa làm, có lẽ vì khó hoặc vì một lý do nào
đó.
Tôi thắc mắc hỏi ông:
Trong cải tiến Ra đa K860 thấy nói là tập trung khắc phục tình trạng kỹ
thuật của băng sóng 2. Vậy việc khôi phục được băng sóng 2 có khó khăn
như thế nào?
Ông giải thích vắn tắt:
Ra đa K860 hoạt động ở cả hai băng mới có tác dụng, nếu băng này bị
hỏng hoặc bị địch gây nhiễu thì phải sử dụng băng kia để bắt mục tiêu
cho Pháo cao xạ 57 bắn hạ máy bay tầm thấp.
Thực tế ra đa K860 sử
dụng băng sóng 1 đã bị địch gây nhiễu và phóng tên lửa “Sơ-rai” vào trận
địa, gây nên nhiều tổn thất. Trong khi đó băng sóng 2 của Ra đa K860
lại bị hỏng.
Việc khôi phục băng
sóng 2 có nhiều khó khăn. Ngay từ khi tiếp nhận khí tài đã không có tài
liệu nguyên lý cấu trúc của băng sóng 2. Mà thiếu tài liệu này thì khó
tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục.
Ông đã phải tìm mua
sách chuyên ngành bằng tiếng Nga, tiếng Trung để nghiên cứu trong gần 2
năm. Đến khi ông hiểu được nguyên lý cấu trúc của băng sóng 2 thì cũng
đúng lúc ông biết về thông tin băng sóng 2 bị hỏng.
Một điều khó khăn nữa
là việc sửa chữa ra đa được phân cấp là hư hỏng nhẹ đơn vị tự sửa, hỏng
nặng thì đưa về Xưởng Cục Quân giới. Còn ông ở Cục Quân khí chỉ quản lý
cấp phát khí tài chứ không có trách nhiệm sửa chữa. Mà nếu có về Xưởng
sửa chữa thì chủ yếu là thay thế chi tiết hư hỏng chứ không dám cải tiến
thay đổi thiết kế.
Ông đã chọn giải pháp
xin xuống một đơn vị có Ra đa hỏng chờ đi xưởng để tự sửa chữa theo kết
quả nghiên cứu của mình. Sau khi xuống đơn vị, qua thực nghiệm, ông đã
phát hiện ra nguyên nhân và chính ông đã mạnh dạn thay đổi thiết kế, có
biện pháp khôi phục băng sóng 2 đưa Ra đa K860 hoạt động ổn định cả hai
băng sóng. Chiến công này thực ra chỉ giải quyết trong khoảng hai giờ,
nhưng đó là quá trình nghiên cứu tìm tòi gần hai năm của ông.
Sáng tạo góp phần bắn hạ máy bay B52
Tôi lại hỏi ông:
Ra đa K860 trang bị đồng bộ với pháo cao xạ 57, vậy tại sao Ra đa K860
lại được xác định là khí tài quan trọng góp phần hạ máy bay B52 bằng tên
lửa?
Ông trả lời:
Trong gần hai năm, các ra đa của pháo, tên lửa của ta đều dùng băng
sóng 1 nên kẻ địch tìm cách gây nhiễu băng sóng 1. Đến thời điểm tháng
12 năm 1972, ta có băng sóng 2 hoạt động ổn định. Đó chính là một bí mật
bất ngờ đối với kẻ địch. Địch không kịp có biện pháp gây nhiễu cho băng
sóng 2.
Mặt khác, do trước đó
ông được giao quản lý khí tài tên lửa Sam -2, nên ông biết có thể vận
dụng Ra đa K860 vào trận địa tên lửa để hỗ trợ tên lửa xác định mục tiêu
máy bay B52. Ông đã đề xuất và được triển khai thí điểm đưa Ra đa K860
đến một tiểu đoàn tên lửa của Sư 361 đóng tại Hà nội. Kết quả là Ra đa
K860 hoạt động ổn định tốt ở cả hai băng sóng.
Băng sóng 2 đã hỗ trợ
tên lửa bắt rõ mục tiêu trong vòng 30km đủ thời gian cho trắc thủ và
người chỉ huy quyết định phóng tên lửa. Sau đó, Bộ Tư lệnh phòng không
không quân đã nhanh chóng triển khai ứng dụng cải tiến cho toàn bộ Ra đa
K860, kịp thời chiến đấu trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972.
Tôi hỏi tiếp: Tại sao hồi đó ông đã được chọn làm báo cáo để đề nghị tuyên dương Anh hùng mà ông chưa được trao tặng danh hiệu đó.
Ông cười trả lời:
Câu hỏi đó chú phải hỏi cơ quan khen thưởng chứ sao tôi biết được. Mình
làm việc theo lương tâm trách nhiệm của người lính Cụ Hồ. Thấy việc thì
nhảy vào làm, còn kết quả để cấp trên đánh giá. Anh hùng là danh hiệu
vinh dự, nhưng khi làm mình có nghĩ sẽ được đề nghị phong Anh hùng đâu !
Chưa được vinh danh
Lịch sử đã lùi xa 38
năm. Nhìn lại tầm vóc chiến công đó và bối cảnh khen thưởng cuối năm
1972. Chúng ta thấy nổi lên vấn đề: Chiến thắng “ Điện Biên Phủ trên
không” 1972 có ý nghĩa quyết định, buộc Mỹ phải ngừng ném bom và ký kết
Hiệp định Pa - ri, chấp nhận rút quân năm 1973.
Trong chiến thắng đó
có biết bao đóng góp của quân và dân ta, cũng như bè bạn quốc tế. Đó là
chiến công của tập thể, do từng con người cụ thể, bình dị không tiếc hy
sinh xương máu, của cải và trí tuệ tạo nên. Những người trực tiếp chiến
đấu thường được khen thưởng kịp thời. Những người có chiến công thầm
lặng chưa được vinh danh xứng đáng, trong đó có các cán bộ phục vụ chiến
đấu như trường hợp của Kỹ sư Nguyễn Ngọc Lạc .
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Lạc
nay đã 80 tuổi. Cụ sinh năm 1930 tại quê Hà Nam theo gia đình ra Hà nội
từ nhỏ. 15 tuổi đã là chiến sỹ liên lạc đại đội 2 tiểu đoàn 3 chiến đấu
bảo vệ nơi làm việc của Chính phủ tại Hà nội. Sau đó được đi học trường
Quân giới. Tiếp đến , được đi nhận vũ khí, lái xe kéo pháo từ Trung quốc
về phục vụ chiến dịch Điện biên phủ. Hoà bình lập lại, ông được cử đi
học ở Trung quốc 4 năm về vũ khí tên lửa, ra đa. Về nước bên cạnh công
việc bận rộn vẫn cố gắng học hàm thụ Đại học Bách khoa có bằng Kỹ sư.
Sau 44 năm trong quân
ngũ. Năm 1989 về hưu với quân hàm Đại tá, nguyên trưởng phòng Cục quân
khí. Cụ thường tự hào mình đã trải qua ba chiến dịch lớn: Chiến dịch
Điện Biên Phủ 1954; Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” 1972 và chiến
dịch Hồ Chí Minh 1975. Cuộc sống gia đình cụ vẫn mang bản chất anh bộ
đội Cụ Hồ cần cù , giản dị.
Từ ngày về hưu, cụ vẫn
tham gia tích cực công tác chi bộ giao, là tổ trưởng dan phố và đang
còn là chi hội trưởng Cựu chiến binh ở Cụm 9 phường Nam đồng, Quận Đống
đa. Những năm qua, lúc còn khoẻ và rỗi, cụ chữa đồ điện gia dụng cho anh
em và hàng xóm láng giềng để có việc làm cho vui. Cụ không chịu ngồi
yên, có lúc còn xay bột gạo , làm bột đậu để được vận động và có thêm
thu nhập. Mà có lẽ chính do hoạt động cả trí óc, chân tay như vậy, nên
vóc dáng tuy hom hem nhưng cụ vẫn tinh tường.
Một con người hết lòng
vì nhiệm vụ, tận tâm tận lực đóng góp cho sự nghiệp cách mạng như thế.
Một tấm gương thường xuyên học tập nâng cao trình độ để khi cần sẽ phát
huy. Một con người có động cơ trong sáng làm nên chiến công không phải
để mang lại lợi ích cho cá nhân mình.
Con người như Kỹ sư Nguyễn Ngọc Lạc đáng để chúng ta nhắc đến để mọi người biết một
“Chiến công thầm lặng”, và cũng để giới thiệu một trong nhiều nguyên
nhân dẫn tới chiến thắng trong chiến dịch “ Điện Biên Phủ trên không”
cuối năm 1972.
Phạm Huy Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét