Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Trang điện tử tai tiếng nhất: WikiLeaks

Trang web WikiLeaks xuất hiện vào năm 2010 đã trở thành một trong những nguồn chính cung cấp các thông tin bê bối của năm 2011.
Các chuyên gia nhận xét rằng, sự xuất hiện của WikiLeaks là một mốc quan trọng trong lịch sử Internet hiện đại. Những người sử dụng thông thường, và quan trọng hơn cả là các chính phủ, bắt đầu đánh giá mạng toàn cầu không chỉ như một nguồn tài nguyên giải trí, thông tin và liên lạc, mà còn là công cụ hiệu quả để ảnh hưởng đến dư luận. Cùng với sự ra đời của WikiLeaks và các trang web tương tự, đặc tính quan trọng của Internet không chỉ là "tự do" mà cả "sự thật", - giám đốc phát triển kinh doanh hãng Grotek, ông Alexandr Vlasov nhận định.
“Đây là biểu hiện của sự cởi mở mạnh mẽ, và Internet - nói cho cùng,  được tạo nên với mục tiêu công bố những gì có được”.
Trang web WikiLeaks cũng làm thay đổi quan điểm về các vấn đề an ninh mạng. Tồn tại khá lâu huyền thoại về các hacker như mối đe dọa chính đối với cơ sở dữ liệu thông tin điện tử. Nhưng trong trường hợp của WikiLeaks - các thông tin tai tiếng lại được đánh cắp không phải bởi tin tặc vô danh, mà do quân nhân Hoa Kỳ thực hiện. Bradley Manning, một người có cơ hội truy cập dữ liệu mật của Lầu Năm Góc, đã sao chép hàng trăm tài liệu và sau đó chuyển cho các nhân viên WikiLeaks. Tin tặc không thể ăn cắp dung lượng lớn thông tin như vậy cùng lúc, - ông Alexandr Vlasov khẳng định.
“Sự xuất hiện nguồn tài nguyên này đã khẳng định nhận định cơ bản của giới chuyên gia bảo mật thông tin là, sự thất thoát lớn trong bất kỳ hệ thống dữ liệu thường xảy ra không phải do lỗi của tin tặc, mà bởi rò rỉ nội bộ. Luôn có những người vì nhiều nguyên nhân: bởi ý thức hệ hay mong muốn trả thù ai đó, sẽ chuyển giao các thông tin nhất định cho đối thủ cạnh tranh, cho tình báo đối phương hay các nguồn dữ liệu có tính chất như Wikileaks”.
Phần lớn các thông tin do WikiLeaks đăng tải, liên quan đến chính sách đối ngoại của Mỹ. Trên Internet đã xuất hiện những thông tin bí mật về cuộc chiến ở Afghanistan. Các dữ liệu này cho thấy lực lượng NATO đang thất bại trong cuộc chiến, gia tăng vụ tấn công từ Taliban, còn con số thương vong của thường dân tăng gấp nhiều lần, như các phương tiện truyền thông đưa tin. Đăng tải lên Internet còn có những thư tín của giới ngoại giao Mỹ, không hiếm khi chứa đựng phát biểu, nhận xét khiếm nhã về các quốc gia khác. Việc công bố những dữ liệu này làm tổn thương đáng kể cho uy tín của Hoa Kỳ trên trường quốc tế. Đó là lý do tại sao hiện Mỹ đang cố gắng thông qua một số dự luật (được cộng đồng mạng thảo luận sôi động nhất hiện là Luật về vi phạm bản quyền trên Internet (Stop Online Piracy Act SOPA) và Đạo luật bảo vệ địa chỉ IP – (Protect IP Act), nếu được kết hợp sẽ là một hệ thống tốt về kiểm soát Internet. Ông Evgheni Vojko, một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung tâm cơ chế chính trị chia sẻ nhận xét.
“Hiện nay Hoa Kỳ đang thực sự tích cực tiến hành công tác ngăn chặn, áp đảo những chính kiến bất đồng, nỗ lực làm lay chuyển, suy giảm uy tín của ban lãnh đạo Mỹ cũng như sứ mệnh chính trị đối ngoại của nước này. Thời gian đầu, rõ ràng là ông Barack Obama và bà Hillary Clinton đã cố gắng giữ bộ mặt tốt trong cuộc chơi tồi, bào chữa và biện minh rằng đây là các tài liệu không tương ứng với thực tế”.
Tuy nhiên, sau một năm trôi qua, khi sự hào hứng cảm giác hoàn toàn tự do của Internet đã lắng xuống, người ta nhận thức được về những yếu tố nguy hiểm có thể. Ví dụ WikiLeaks ở cấp độ toàn cầu đã chỉ ra rằng,  không tồn tại thông tin được hoàn toàn bảo vệ. Và nếu có thể tìm đọc những thông tin siêu mật trên Internet, thì chẳng gì khó khai thác các thông tin cá nhân hoặc thương mại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét