Về vũ khí cá nhân, thực sự các nguyên tắc, cấu tạo cơ bản của chúng không thay đổi nhiều. Sự phát triển đáng chú ý nhất là các thiết bị bổ trợ đi kèm nhằm tăng hiệu năng cho súng. Loại thiết bị bổ trợ quan trọng nhất là các thiết bị quang học. Trước kia hầu như chỉ có các xạ thủ, lính bắn tỉa được trang bị ống ngắm, lính bộ binh thông thường chỉ ngắm bằng đầu ruồi và thước ngắm có sẵn trên súng. Ngày nay, các loại kính ngắm, ống ngắm trở nên phổ biến cho mọi người lính.
Khi tác chiến ở khoảng cách trung bình, từ 300m đến 600m, người lính được trang bị những ống ngắm giúp ngắm mục tiêu chính xác hơn. Những loại này tất nhiên không mạnh bằng các loại ống ngắm chuyên dụng của lính bắn tỉa. Loại thứ 2 là các loại kính ngắm tầm gần, 300m trở xuống. Chúng không có tác dụng phóng đại hình ảnh mà dùng tia laser phản chiếu lên 1 tấm kính quang học đặc biệt để tạo thành điểm ngắm.
Một lính Mỹ tại Afghanistan được trang bị ống ngắm ACOG, có độ phóng đại 4 lần. Hộp màu vàng nằm trên ốp lót tay là thiết bị chiếu sáng và phát tia laser
So với việc ngắm bằng thước ngắm và đầu ruồi như truyền thống, việc dùng kính ngắm laser có 2 ưu điểm. Thứ nhất là chúng cho phép người lính ngắm bắn và vẫn mở cả 2 mắt, như vậy có thể vừa bắn vừa quan sát xung quanh. Thứ hai chúng giúp rút ngắn thời gian để ngắm trúng mục tiêu. Cả 2 ưu điểm này rất hữu dụng, đặc biệt khi tác chiến tầm gần, hoặc trong đô thị, nơi mà người lính có thể phải đối phó với nhiều mục tiêu, xuất hiện bất ngờ ở cự li gần.
Nhìn qua kính ngắm laser giao thoa 3 chiều
Đơn vị trinh sát lính thuỷ đánh bộ Mỹ tập luyện với kính ngắm giao thoa laser
Một loại thiết bị quan trọng nữa là các đèn chiếu. Chúng gồm 3 loại chính: đèn chiếu ánh sáng thấy được, đèn chiếu ánh sáng hồng ngoại và đèn chiếu laser. Đèn chiếu ánh sáng thấy được phát ra 1 luồng ánh sáng trắng cường độ cao, có độ tập trung cao để chiếu sáng mục tiêu trong đêm hoặc dùng để làm loá mắt đối phương. Tất nhiên chúng có điểm yếu là làm lộ vị trí của người sử dụng.
Loại đèn thứ hai chỉ phát ra ánh sáng trong dải hồng ngoại, mắt thường không thể nhìn thấy được, chỉ những ai trang bị kính nhìn đêm là có thể thấy được. Những người lính được trang bị loại đèn này và kính nhìm đêm có thể chiếu sáng 1 khu vực mà đối phương không hề hay biết.
Loại đèn cuối cùng phát ra 1 tia laser, có thể nhìn thấy bằng mắt thường hoặc chỉ qua kính nhìn đêm. Chúng có thể được dùng để hỗ trợ việc ngắm bắn hoặc chỉ thị mục tiêu cho các đồng đội hoặc phương tiện khác. Ban đầu 3 loại đèn chiếu này là những thiết bị riêng biệt, hiện nay chúng đã được tích hợp chung vào trong 1 thiết bị duy nhất, do đó tiết kiệm được không gian và trọng lượng.
Một lính Mỹ tại Afghanistan. Thiết bị màu vàng ở đầu súng là bộ chiếu sáng. Ngoài ra súng còn được gắn thêm ống ngắm ACOG và tay cầm dọc
Tác chiến đêm tại Baghdad, Iraq. Có thể thấy rõ tia laser phát ra từ súng của người lính đứng giữa. Ngoài ra ở hậu cảnh có thể thấy một số vùng sáng, đó là do được đèn hồng ngoại chiếu sáng, những ai không đeo kính nhìn đêm sẽ không thể thấy các vùng sáng này
Đóng vai trò quan trọng nhất cho sự phổ biến của các thiết bị bổ trợ này là loại ray Picatinny. Nó đóng vai trò như một ‘chuẩn giao tiếp’ giữa súng và các thiết bị bổ trợ. Nếu súng được gắn loại ray này, người ta có thể gắn và tháo mọi loại thiết bị khác nhau (nếu chúng được thiết kế để dùng cho với loại ray này) một cách nhanh chóng và dễ dàng. Để so sánh, có thể xem ray Picatinny giống như cổng USB, giúp máy tính kết nối với mọi loại thiết bị ngoại vi một cách đơn giản. Các loại súng hiện nay hầu hết đều tích hợp ray này ngay vào thiết kế của súng.
Ray Picatinny
Một khẩu M4 với thiết kế cải tiến, với 5 ray Picatinny. Mỗi ray có thể gắn 1 thiết bị phụ trợ
Một loại thiết bị quan trọng khác là kính nhìn đêm, giúp người lính có 1 lợi thế khổng lồ khi tác chiến trong đêm. Hiện nay, quân đội Mỹ đang sử dụng loại kính nhìn đêm thế hệ thứ 3, với đơn đặt hàng 50,000 đơn vị, đủ cung cấp cho mọi lính bộ binh đang chiến đấu trên chiến trường. Đặc điểm nổi bật nhất của thế hệ 3 là chúng kết hợp cả 2 công nghệ nhìn đêm là thiết bị khuyếch đại ánh sáng và cảm biến bức xạ nhiệt.
Các thế hệ kính nhìn đêm trước chỉ dựa vào công nghệ khuyếch đại ánh sáng. Trong đa số trường hợp, con người không thể nhìn thấy gì trong đêm tối không phải vì không có ánh sáng mà là vì ánh sáng quá yếu để mắt người có thể cảm nhận được. Các bộ khuyếch đại ánh sáng mới có thể khuyếch đại lượng ánh sáng mà mắt nhận được lên hơn 50,000 lần so với mức 20,000 lần của thế hệ 2, cho phép người đeo có thể nhìn rõ xung quanh ngay cả với những nguồn sáng cực yếu, như ánh sáng từ các ngôi sao trong đêm.
Hình ảnh nhìn qua bộ khuyến đại ánh sáng. Người lính trong hình cũng được trang bị kính nhìn đêm, và đèn chiếu sáng hồng ngoại gắn trên súng
Tuy vậy, cho dù có mạnh đến đâu thì bộ khuyếch đại ánh sáng vẫn cần có ánh sáng để có tác dụng. Trong một số trường hợp, ví dụ trong hang động hoặc khi trời có nhiều mây, hoàn toàn không có ánh sáng. Khi đó sẽ cần đến bộ cảm biến nhiệt. Chúng thu nhận các bức xạ nhiệt phát ra từ các vật thể và hiển thị thành hình ảnh. Do đó, chúng cũng có thể được dùng khi có bão cát, hoặc sương mù. Trước đây, cảm biến bức xạ nhiệt có kích thước lớn, chỉ có thể được dùng trên xe bọc thép, máy bay. Chỉ đến gần đây chúng mới đủ nhỏ gọn để trang bị cho bộ binh.
Với kính nhìn đêm thế hệ thứ 3 này, người lính có thể chọn sử dụng riêng bộ khuyếch đại và cảm biến nhiệt, hoặc kết hợp cả 2. Người lính cũng có thể chụp lại hình ảnh từ kính nhìn đêm của mình và gửi đi dưới dạng kỹ thuật số. Sử dụng loại thiết bị này, người lính có thể phát hiện đối phương ở khoảng cách 300m trong mọi điều kiện ánh sáng. Thiết bị 3+, đang sắp hoàn tất quá trình phát triển, cung cấp hình ảnh sắc nét hơn, đặc biệt là cho phép hiển thị màu sắc thực, thay vì hình ảnh đơn sắc (thường là xanh lá cây) như trước kia.
Kính nhìn đêm thế hệ thứ 3
Hình ảnh từ kính nhìn đêm thế hệ 3. Bên trái là nếu chỉ dùng bộ khuyếch đại ánh sáng. Bên phải là kết hợp cả bộ khuyếch đại ánh sáng và cảm biến nhiệt, cho phép phát hiện mục tiêu trong bụi rậm
Không chỉ có thể nhìn trong đêm tối, người lính ngày nay còn có thể nhìn xuyên qua tường. Những thiết bị này dùng sóng radio cao tần để phát hiện các vật thể chuyển động phía sau các bức tường. Các thế hệ mới có thể ‘nhìn’ xuyên qua tường dày 30cm, phát hiện mục tiêu ở cách tường tối đa 6m. Nó có thể hoạt động với mọi loại vật liệu xây dựng, trừ kim loại. Chúng cũng có thể được dùng để phát hiện các đường hầm, nằm dưới mặt đất tối đa từ 3m-4m. Những thiết bị này càng ngày càng trở nên nhỏ gọn hơn, bản nhỏ nhất có thể được đeo trên cánh tay.
Người lính chỉ cần áp cảm biến vào tường để phát hiện mục tiêu ở phía bên kia
Áo giáp cũng chứng kiến những bước tiến nhảy vọt. Trước kia nếu được trang bị áo giáp thì thường đó chỉ là giáp mềm, tức là áo giáp dệt từ sợi Kevlar. Chúng không đủ sức chịu được đạn súng trường tự động như AK hay M16. Hiện nay mọi lính bộ binh của Mỹ và nhiều nước đồng minh được trang bị giáp mềm kết hợp với giáp cứng, tức là những tấm chắn làm từ boron carbon, một loại vật liệu siêu cứng. Độ cứng của nó theo thang đo độ cứng là trên 9, trong khi của kim cương là 10. Hiệu quả của loại giáp mới được thể hiện qua thực tế chiến trường tại Iraq và Afghanistan.
Một ví dụ là lính cứu thương Stephen Tschiderer bị trúng đạn từ 1 súng bắn tỉa Dragunov tại Baghdad, Iraq. Phát súng mạnh đến mức anh này bị hất ngã xuống đất. Tuy nhiên viên đạn không xuyên qua giáp, và Shelhart ngay sau đó vẫn có thể tham gia truy đuổi người bắn tỉa. Điều hy hữu là chính Shelhart sau đó đã sơ cứu cho tay súng bắn tỉa khi người này bị thương trong quá trình truy đuổi. Trong một trường hợp khác, 1 lính Iraq, trong chính quyền mới, sau khi nhận tiền từ Al Qaeda đã bắn liên tiếp 4 phát đạn từ khẩu M16 của mình vào lưng 1 lính Mỹ. 3 trong số đó bị cản lại, viên thứ 4 đi vào nách trái, là nơi không có giáp bảo vệ, và xuyên ra ngoài. Người lính hồi phục hoàn toàn chỉ 1 tháng sau đó. Hay 1 lính Mỹ khác trúng liên tiếp 2 phát đạn AK từ khoảng cách chỉ 4m nhưng vẫn không hề hấn gì.
Tấm giáp đã cứu mạng Stephen Tschiderer. Vị trí phát đạn đi ngay gần tim
Không chỉ có áo giáp, các binh sĩ Anh còn đang sử dụng loại quần đùi làm từ sợi Kevlar, chủ yếu để bảo vệ 2 động mạch chính ở đùi. Nếu các động mạch này bị rách, khả năng tử vong do mất máu là rất cao do rất khó để có thể cầm máu từ các động mạch lớn như vậy.
Vật liệu cho quân phục cũng có những cải tiến lớn. Lính thuỷ đánh bộ Mỹ hiện đang sử dụng quân phục làm từ vật liệu chịu lửa. Tuy nhiên công nghệ này hiện vẫn chưa thực sự hoàn thiện, do chúng không bền như quân phục thường, có tuổi thọ chỉ bằng ¼ quân phục bằng sợi cotton, ngoài ra chúng cũng không thấm hút mồ hôi tốt.
Tất nhiên khi nói đến việc bảo vệ cho người lính không thể không đề cập đến mũ bảo vệ. Trước kia mũ thường được làm từ sợi Kevlar, ngày nay chúng được đúc nguyên khối từ loại nhựa tổng hợp cao phân tử mới UHMW, tăng mức độ bảo vệ từ 40%-70% so với các loại mũ cũ. Các loại mũ mới thường nhỏ gọn hơn so với các thế hệ trước. Đó là do người lính ngày nay có thể đeo thêm 1 số thiết bị khác, đặc biệt là tai nghe của radio cá nhân và kính nhìn đêm. Ngoài ra, áo giáp hiện nay đã có phần bảo vệ cổ, nên mũ bảo vệ không cần phải che phủ phần cổ nữa.
Một loại mũ bảo vệ thường được các lực lượng đặc nhiệm sử dụng. Có thể thấy phần tai được cắt bỏ để người sử dụng đeo tai nghe. Trên mũ có sẵn nhiều điểm gắn thiết bị
Binh sĩ Mỹ tại chiến trường hiện đang bắt đầu được cung cấp 1 loại mũ đặc biệt, bên trong có gắn cảm biến chấn động. Khi người lính bị ảnh hưởng bởi sóng chấn động của 1 vụ nổ, cảm biến này sẽ đo mức độ chấn động mà não người lính vừa chịu đựng và sẽ báo động nếu chấn động ở mức độ nguy hiểm.
Hiệu quả tác chiến của lính bộ binh hiện đại ngày nay lớn hơn trước kia nhiều lần một phần còn nhờ sự xuất hiện của các micro UAV, hay máy bay không người lái siêu nhỏ. Những UAV này đủ nhỏ để người lính bộ binh có thể mang theo người, và đơn giản để bất kì 1 người lính nào cũng có thể sử dụng ngay tại chiến trường.
Mẫu micro UAV phổ biến nhất hiện nay là Raven, đang được lục quân Mỹ sử dụng. Nặng 2kg, Raven có thể được tháo rời và lắp ráp dễ dàng và bỏ vừa 1 balô, người sử dụng chỉ cần phóng đi bằng tay là Raven có thể cất cánh. Raven hoạt động bằng pin, do đó rất yên lặng, nó có thể hoạt động liên tục trong hơn 60 phút. Tầm hoạt động tối đa là 15km. Người điều khiển có thể lập trình trước lộ trình của Raven, sử dụng toạ độ GPS, thông qua 1 bộ điều khiển cầm tay. Raven được trang bị cả camera ban ngày và ban đêm, truyền hình ảnh video trực tiếp về cho người điều khiển bên dưới. Trung bình Raven có thể được sử dụng 200 lần. Raven có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, như trinh sát, bảo vệ các đoàn xe quân sự, tuần tra an ninh quanh các khu căn cứ. Phiên bản mới nhất của Raven đã được đưa vào sử dụng từ cách đây 3 năm, và hiện nay đang dần được thay thế bằng những thiết kế mới hiện đại hơn.
Một người lính phóng Raven bằng tay tại Iraq
Các đơn vị đặc nhiệm Anh tại Afghanistan sắp tới sẽ được sử dụng một loại UAV cực nhỏ PD-100, có kích thước và hình dáng như 1 con chuồn chuồn, và chỉ nặng 15g. Một hộp chứa 3 chiếc như vậy cộng với bộ điều khiển chỉ nặng 1kg. Nhiệm vụ của PD-100 là thám thính bên trong các toà nhà trước khi lính đặc nhiệm ập vào.
PD-100
Giày bộ binh cũng có những bước phát triển vượt bậc. Đây là một vật dụng tuy nhỏ nhưng lại cực kỳ quan trọng với 1 người lính bộ binh. Điểm khác biệt lớn nhất hiện đó là giày bộ binh hiện nay sử dụng các thiết kế dân sự, đặc biệt là từ các mẫu giày chuyên dụng cho việc dã ngoại hoặc leo núi. Ví dụ như mẫu Belleville 950 mà quân đội Mỹ vừa đặt mua đầu năm 2011 để trang bị cho binh sĩ đóng quân tại Afghanistan. Đây là mẫu giành cho những vận động viên leo núi, rất thích hợp địa hình nhiều sa mạc đá và đồi núi của Afghanistan. Và không chỉ giày, mà ngay cả đối với vớ (tất), quân đội cũng dần chuyển sang các mẫu vớ thể thao cao cấp. Mỗi đôi như vậy có thể có giá đến $20, loại vớ này có 2 lớp. Bên trong là lớp lông cừu, bên ngoài là sợi tổng hợp.
Một loại giày mới hiện nay áp dụng từ trường để giảm chấn động lên gót chân người lính khi di chuyển. Nguyên tắc hoạt động của nó khá đơn giản, 2 nam châm được đặt bên trong gót giày, với 2 cực trái dấu đối diện nhau. Lực đẩy tạo ra giữa 2 cực đó sẽ đóng vai trò như một lò xo vô hình hấp thụ tác động tạo ra trong mỗi bước đi. Bên cạnh đó, nó cũng giải phóng năng lượng mỗi khi người lính nhấc chân lên, tạo ra 1 lực đẩy nhẹ cho bước chân sắp tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét