Vào giữa tháng Mười, Cơ quan dự án
nghiên cứu quốc phòng tiên tiến thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA) sẽ tổ
chức một cuộc họp với các công ty hiện đang phát triển các công cụ chiến
tranh mạng. Ở đây đang nói về vũ khí tuy ảo, nhưng về mức độ ảnh hưởng
là loại vũ khí cao cấp hủy diệt hàng loạt. Các nhà phân tích đã dự đoán
một cuộc chạy đua vũ trang trên không gian mạng giữa các cường quốc lớn
trên thế giới.
“Mùa xuân Ả Rập”, cuộc tấn công mạng
vào Iran, các kiểm duyệt ở Trung Quốc, rò rỉ thông tin ở WikiLeaks và
tiếp đó là các cuộc tấn công của tin tặc vào máy chủ của các tập đoàn và
các cơ quan tình báo toàn cầu, tình trạng bất ổn gần đây nhất ở Trung
Đông do video phát tán trên Youtube ... Một loạt các sự kiện xảy ra
trong những năm gần đây gắn bó với nhau một cách chặt chẽ trong thế giới
ảo và thực ngày càng tạo thêm nhiều lý do cho các chuyên gia dự đoán về
một cuộc chiến tranh mạng đang diễn ra trên thế giới. Hiện tại `những
thành viên của cuộc chiến này chỉ mới tiến hành diễn tập và những hoạt
động tác chiến theo mục tiêu, nhưng cũng chẳng khó khăn gì để qua đó
nhận ra rằng “vũ khí mạng” có thể trở thành loại vũ khí đáng sợ nhất.
Phát
biểu về chủ đề này, các chuyên gia nhất định sẽ nhắc lại lịch sử đầu
những năm 2000 với hệ thống nghe trộm toàn cầu "Echelon" do người Mỹ và
những đồng minh của họ sở hữu. Ngoài ra cũng khó quên được những vụ tấn
công trên các máy chủ của chính phủ Mỹ, mà người ta đã cáo buộc hoặc tin
tặc Trung Quốc, hoặc tin tặc Bắc Triều Tiên. Nhưng vụ việc gần đây nhất
và gây cộng hưởng lớn nhất – đó là nỗ lực phá hoại các cơ sở hạt nhân
của Iran bằng cách sử dụng “con sâu” Stuxnet (mà, theo số liệu không
chính thức, đứng đằng sau là Mỹ và Israel). Và chính những trường hợp
này đã phản ánh những hướng chủ đạo cho sự phát triển vũ khí không gian
mạng, ông Evgeni Yushchuk, một chuyên gia trong lĩnh vực điều tra cạnh
tranh nhận định:
“Hướng đầu tiên là theo dõi khu vực
trường thông tin trên Internet. Giả sử thư từ riêng của người dân cũng
đang được hiển thị rõ. Tất cả sẽ được kết hợp thành một cơ sở dữ liệu,
mối liên hệ giữa mọi người được thiết lập và tiếp đó xác định những thủ
lĩnh mới nổi và các dòng chảy ngầm. Bằng cách đó có thể xây dựng một bản
đồ thông tin về những hoạt động khủng bố đang được chuẩn bị, về việc
chuẩn bị đưa người xâm nhập lãnh thổ, v.v. Hướng thứ hai là vô hiệu hoá
các mạng máy tính của đối phương”.
Có thể điểm qua
một số ví dụ chứng minh sự nguy hiểm trong việc sử dụng vũ khí mạng. Chỉ
trong năm nay, trên nhiều sân bay của thế giới đã xảy ra sự cố trong
các hệ thống đăng ký hành khách và xử lý hành lý. Kết quả là đã có hàng
ngàn chuyến bay bị gián đoạn. Sau vụ bê bối WikiLeaks, các tin tặc đã
tấn công các trang web và mạng máy tính của những hệ thống thanh toán
lớn nhất, các ngân hàng, các cơ quan chính phủ trên toàn thế giới và cả
Thị trường chứng khoán New York. Việc ngừng các hoạt động nghiệp vụ, dẫu
chỉ trong một vài giờ, cũng sẽ gây nên tình trạng hỗn loạn. Nhưng đây
mới chỉ là cách sử dụng vũ khí mạng bình thường trong sinh hoạt. Trong
cuộc đối đầu trên phạm vi toàn cầu, đấy sẽ là việc phá hoại hoạt động
của các nhà máy điện, mạng lưới điện thoại di động, giao thông vận tải
và dĩ nhiên, của các hệ thống quân sự - từ giao thông liên lạc cho đến
kiểm soát an toàn hạt nhân. Sau đây là nhận định của ông Mikhail
Yakushev, phó chủ tịch tập đoàn Internet Mail.Ru:
“Nhiều
năm trước đây, chúng ta đã thảo luận về những mối đe dọa như chiến
tranh tâm lý và chiến tranh thông tin. Nhưng đó là trước khi Internet
xuất hiện và các công nghệ máy tính được đưa vào sử dụng. Hiện nay chúng
ta phải đối phó với các dạng chiến tranh mới, và cần phải bàn về vấn đề
an ninh mạng. Bởi vì rất nhiều cơ sở hạ tầng và hệ thống máy tính có
thể bị các loại vũ khí không gian mạng và các phần mềm của kẻ địch gây
tổn hại. Tất nhiên là sự thâm nhập ngày càng tăng của Internet, mà chúng
ta hiện đang chứng kiến, làm cho các quốc gia ngày một dễ bị tổn thương
hơn trong trường hợp có ai đó quyết định sử dụng vũ khí mạng”.
Các
nước khác trên vũ đài chiến tranh không gian mạng trong tương lai cũng
không kém phần năng động. Tích cực nhất là Trung Quốc, quốc gia mà trước
đó đã tách khỏi thế giới bằng cách sử dụng "Tường lửa-Vạn lý trường
thành" để lọc những thông tin đến từ bên ngoài và từ trong nước đi ra.
Tin tặc Trung Quốc (dường như là làm việc cho chính phủ) được xem là một
trong những lực lượng mạnh nhất trên thế giới. Cả khối NATO cũng thực
hiện việc đào tạo các chuyên gia mạng, tổng biên tập của tạp chí "Quốc
phòng" Igor Korotchenko liệt kê:
“Trung Quốc hiện
đang tích cực chống lại các mối đe dọa không gian mạng. Vấn đề này nằm ở
cấp chính trị cao nhất và do Bộ tổng tham mưu phụ trách. Trong những
năm gần đây, những hoạt động chống lại các cuộc tấn công mạng cũng được
Iran đặc biệt chú ý quan tâm. Tất nhiên, chúng ta (Nga) cũng cần phải
thành lập cho mình một cách đầy đủ các trung tâm để đối phó với những
nguy cơ đe dọa từ không gian mạng. Nga hiện đã có Chiến lược an ninh
thông tin. Đã có công bố rằng Bộ Quốc phòng Nga quan tâm đặc biệt đến
việc này và trong cấu trúc của Các lực lượng vũ trang Nga cũng sẽ phải
được thành lập bộ tư lệnh không gian mạng.
Nước Iran,
mà ông Igor Korotchenko nhắc đến, trong năm qua đã chặn truy cập đến
Google và Gmail, Twitter và Facebook. Ngoài ra, trong danh sách bị cấm
có cả một số phương tiện truyền thông đại chúng phương Tây, mà theo nhận
định của chính quyền nước này, đang thực hiện một cuộc chiến tranh
thông tin. Tuy nhiên Tehran không muốn thừa nhận bản chất chính trị của
vấn đề này mà chỉ đưa tuyên bố chính thức về việc chăm sóc đạo đức cho
nhân dân. Đó cũng là xuât xứ của thuật ngữ Internet "được phép", kỹ sư
Iran ông Daryush Soleimani nói.
“Cụm từ "Internet
sạch" hay " Internet được phép" có nghĩa là gì? Trước hết “Internet
sạch" là Internet mà trong đó không có chỗ cho các nội dung khiêu dâm và
các biểu hiện khác của sự vô đạo đức. Đây không phải nói về việc cắt bỏ
chức năng thông tin như nhiều người nghĩ. Nếu như thật sự có Internet
"sạch", chắc chắn mọi người sẽ tích cực hưởng ứng. Hiện nay hầu như tất
cả trẻ em đều biết cách tự sử dụng Internet, và sự kiểm soát từ phía cha
mẹ của chúng thì đang lỏng lẻo dần. Và như thế các em sẽ dễ bị ảnh
hưởng của các hiện tượng tiêu cực, thật tiếc rằng, cũng do mạng lưới
toàn cầu mang đến”.
Trong thực tế, việc sử dụng bất
cứ thuật ngữ nào ("Internet được phép" hay "Tường lửa Trung Quốc"), cũng
chỉ nhằm một mục tiêu bảo vệ đất nước khỏi các mối hiểm họa từ không
gian mạng bên ngoài. Nhiều chuyên gia tin rằng người Mỹ hoặc là đã tự
tạo ra hoặc đang chế tạo một hệ thống tương tự. Đơn giản là những công
việc liên quan đến dự án này mang tính tối mật. Các nhà chức trách Nga
đã nhiều lần tuyên bố rằng họ không loại trừ khả năng phát triển một hệ
điều hành riêng cho quốc gia. Tất cả các chương trình phần mềm sử dụng
tại các cơ quan nhà nước phải qua kiểm soát của các cơ quan đặc nhiệm để
kiểm tra sự hiện diện của các thành phần gián điệp, còn trong lĩnh vực
quân sự thì các chương trình của nước ngoài bị cấm sử dụng hoàn toàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét