Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Vệ tinh quan sát đầu tiên của Việt Nam sẽ được phóng vào tháng 4/2013

Theo thông báo hôm qua 04/01/2013 của công ty Arianespace, vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam sẽ được đưa lên quỹ đạo vào tháng Tư tới, trong lần phóng thứ hai hỏa tiễn Vega của châu Ấu.

Vệ tinh VNREDSat 1 A nặng 120 kg sẽ được phóng kết hợp với vệ tinh khảo sát môi trường Proba-V của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA). Công ty Arianespace, đơn vị chịu trách nhiệm về mặt thương mại đối với dịch vụ phóng hỏa tiễn Vega, hôm qua đã ký hợp đồng với EADS Astrium, tập đoàn đã sản xuất vệ tinh này cho Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam.
Báo chí trong nước cho biết thêm, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam được chính phủ giao nhiệm vụ triển khai dự án « Vệ tinh nhỏ Việt Nam quan sát tài nguyên, môi trường và thiên tai » bằng nguồn vốn vay ưu đãi ODA của Pháp.
Hỏa tiễn Vega được phóng thành công lần đầu vào tháng 2/2012. Trong lần phóng thứ hai này, hỏa tiễn Vega sẽ mang theo vệ tinh Proba-V của ESA ở bên trên, và vệ tinh VNRESSat 1 A của Việt Nam ở tầng dưới. Tên lửa sẽ được phóng đi từ trung tâm vũ trụ Guyane thuộc Pháp. Được biết Arianespace là đơn vị trước đây đã phóng thành công hai vệ tinh VINASAT 1 và VINASAT 2 của Việt Nam, cũng từ Guyane.
Hỏa tiễn Vega do Ý chủ trì thực hiện trị giá khoảng 1 tỉ đô la, nhằm giúp các chính phủ châu Âu có thể đưa vào quỹ đạo các vệ tinh gọn nhẹ, giảm lệ thuộc vào tên lửa của Nga.
Theo RFI 

Trung Quốc hùng hổ, Hoa Kỳ "phát tài"

Trọng tâm của sách lược “chuyển trục chiến lược” sang châu Á của Washington là kế hoạch củng cố sức mạnh quân sự cho các đồng minh hiệp ước cũng như đối tác an ninh trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, ở những điểm nóng bỏng vì những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với Trung Quốc và chương trình hỏa tiễn, vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.
Chiến đấu cơ tàng hình đa năng F-35 Lightning II có thể đáp thẳng như trực thăng

"Chuyển trục chiến lược": tăng cường cho đồng minh

Phi cơ chiến đấu đa năng và hệ thống chống hỏa tiễn là hai trong số những vũ khi đắt giá nhất mà các nước láng giềng của Trung Quốc và Bắc Hàn đua nhau mua của Hoa Kỳ, giúp kỹ nghệ vũ khí Mỹ tăng trưởng nhảy vọt trong bối cảnh hai xứ Cộng Sản này ráo riết tăng cường võ trang.
Hiệp hội Công Nghiệp Không gian Hoa Kỳ, viết tắt là AIA, nhận định rằng chiến lược chuyển trục của Hoa Kỳ đem lại thêm nhiều cơ hội bán vũ khí cho các đồng minh của Mỹ.
Nhu cầu những lô vũ khí đắt tiền sẽ còn rất cao trong ít nhất dăm bảy năm nữa. Bản dự báo cuối năm 2012 của AIA xác định như trên. Thành viên AIA bao gồm những đại công ty hàng đầu cung cấp vũ khí cho Ngũ Giác Đài như Lockheed Martin, Boeing, Northrop Grumman, Raytheon.
Bản dự báo cho rằng mối sợ hãi trước đà tăng chi phí quốc phòng của Trung Quốc sẽ dẫn đến những thương vụ vũ khí của AIA tăng mạnh, vượt qua và bù đắp hơn cả mức trầm lắng trong thị trường vũ khí châu Âu.
Những số liệu thương mại của năm 2013 không được đề cập trong bản dự báo, nhưng Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Ngũ Giác Đài, đáp ứng thỉnh cầu của Reuters, cho biết hợp đồng vũ khí với các quốc gia trong khu vực lãnh thổ phụ trách của Bộ Tư Lệnh quân sự Thái Bình Dương đã lên tới 13,7 tỉ đô la trong tài khóa 2012, tăng 5,4% so với năm trước. Hợp đồng bao gồm những đơn đặt hàng sẽ được giao.
Năm ngoái Ngũ Giác Đài có gửi đến quốc hội 65 thông báo, đề nghị những thương vụ vũ khí bán ra nước ngoài trị giá 66,3 tỉ đô la. Thêm nữa, Văn phòng Điều hòa Thương vụ Trực tiếp của bộ ngoại giao nhận được hơn 85 ngàn đơn xin cấp phép trong năm 2012, tạo kỷ lục mới.
Tổng quát, Hoa Kỳ ký những hợp đồng giao vũ khí trị giá 66,3 tỉ đô la trong năm 2011, chiếm gần 78% hợp đồng trên toàn thế giới. Số tăng nhờ vào kỷ lục 33,4 tỉ vũ khí bán cho Á Rập Xê-Út, trong khi Ấn Độ đứng hạng nhì với gần 7 tỉ đô la .
Công ty Tư vấn về buôn bán vũ khí BowerGroupAsia, có 10 văn phòng ở châu Á, dự đoán ngân sách quốc phòng của Đông Nam Á sẽ gia tăng đều đặn để thành rào chắn ngăn chặn quyết tâm của Trung Quốc trong những cuộc tranh chấp ở các vùng biển Đông và Hoa Đông.
Thương vụ vũ khí có thể tăng thêm sau khi hai nhà lãnh đạo bảo thủ, thân Hoa Kỳ, đắc cử tại Nhật và Nam Hàn, chứng tỏ tình đoàn kết của Hoa Kỳ với đồng minh và đối tác.

Bán vũ khí: “mũi nhọn” bảo vệ lợi ích Hoa Kỳ

Hành pháp Mỹ tuyên bố việc bán vũ khí là mũi tên cốt yếu và đỡ tốn kém trong hằng loạt phương tiện bảo vệ quyền lợi của Mỹ trên khắp thế giới. Những thương vụ chuyển giao vũ khí tăng cường mối quan hệ ngoại giao và cũng cố mối tương tác lâu dài. Washington đánh giá cao những thương vụ này vì chúng tạo dễ dàng cho công cuộc chiến đấu sát cánh bên nhau với đồng minh ở những chiến trường như Afghanistan, và còn giúp các đồng minh tăng cường bảo vệ anh ninh quốc phòng cho chính họ. Như vậy Hoa Kỳ cũng được nhẹ gánh bảo vệ đồng minh vì quyền lợi của mọi bên.
Ngũ Giác Đài đang nhắm mục đích tăng cường khả năng tình báo, giám sát và thám sát tại châu Á Thái Bình Dương, với những hệ thống tự động không người lái. Những phương tiện này sẽ giúp tránh được tai nạn đụng chạm vũ trang và những sự hiểu lầm tai hại, nâng đỡ hợp tác. Tư lệnh Quân khu Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear, tuyên bố điều này tại Washington.
Các đại công ty Lockheed Martin, Boeing, Northrop Grumman và Raytheon dự kiến nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ của họ sẽ giúp giải tỏa khó khăn vì chính sách thắt lưng buộc bụng của Ngũ Giác Đài vì các biện pháp của chính quyền nhằm tiết giảm thâm hụt thương mại. Bốn công ty này hưởng lợi nhiều nhất nhờ sản phẩm của họ là vệ tinh, radar, trạm theo dõi và hỏa tiễn đánh chặn, theo lời chuyên viên phân tích quốc phòng và không gian Drexel Hamilton, một nhà trung gian buôn bán vũ khí trang cụ quốc phòng.

Hàng mới: Global Hawk

Trong hành động mở rộng thị trường vũ khí, tòa Bạch ốc hổi tháng trước chính thức đề nghị với Nam Hàn một “bộ” vũ khí của Northrop Grumman gồm các máy bay thám sát tự hành “Diều hâu toàn cầu” Global Hawk RQ-4 cùng mọi trang bị cần thiết của nó. RQ-4 là loại”drone” không người lái, còn gọi là UAV, unmanned aerial vehicle, có thể bay ở độ cao hằng trăm ki-lô-mét mà vẫn “nhìn” rõ và phân tích rõ được từng mét vuông trong diện tích 10 km vuông ở chế độ ngắm tập trung. Global Hawk mang công cụ nhìn xuyên mây của Raytheon, có khả năng nhìn lướt để truy tìm theo dõi lực lượng và hoạt động của địch trong những khu vực rộng lớn, cả ngày lẫn đêm. RQ-4 sẽ giúp Seoul gia tăng vượt trội khả năng quan sát theo dõi mọi hoạt động quân sự của Bình Nhưỡng.
Nam Hàn đã tỏ ý thích thú với hệ thống Global Hawk từ trên 4 năm nay. nhưng Tòa Bạch ốc trì hoãn mãi tới nay mới bắt mối, một phần vì e ngại tạo nên động lực chạy đua vũ trang cho khu vực. 
Trang bị Global Hawk cho Seoul sẽ đánh dấu thương vụ đầu tiên của loại quân dụng này ở châu Á Thái Bình Dương. Australia, Nhật Bản và Singapore cũng tỏ sự quan tâm đến những con “diều hâu toàn cầu” này, theo Northrop Grumman cho biết.
Thương vụ RQ-4 của Nam Hàn được loan báo chưa đầy hai tuần sau khi Bắc Hàn phóng thành công hỏa tiễn đưa vệ tinh lên quỹ đạo hôm 12 tháng 12, thách thức các nghị quyết Liên Hiệp Quốc. Bắc Hàn bị cấm thử nghiệm hỏa tiễn hay kỹ thuật hạt nhân, theo những chính sách trừng phạt được áp đặt sau khi Bình Nhưỡng thử bom hạt nhân vào 2006 và 2009.
Trong khi đó Nhật Bản trở thành đối tác quan trọng nhất của Hoa Kỳ, với nhiệm vụ phụ trách hàng rào lá chắn hỏa tiễn chống phi đạn đạn đạo tất cả các loại ở mọi giai đoạn trên quỹ đạo tấn công.

Khách cần hàng tốt: Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan

Hành pháp Mỹ nói với Quốc hội hai ngày trước khi Bình Nhưỡng phóng hỏa tiễn vệ tinh rằng Tokyo đang muốn nâng cấp hệ thống AEGIS chống hỏa tiễn, trị giá 421 triệu đô la, cho hai khu trục hạm trang bị hỏa tiễn điều khiển, để tăng cường hoạt động chống những cuộc tấn công bằng hỏa tiễn.
Nhật đã đồng ý dành địa điểm cho một căn cứ radar X-Band trên mặt đất, như một màn dạo đầu cho việc trang bị hệ thống phòng vệ ở độ cao của công ty Lockheed Martin, được thiết kế để đánh chặn phi đạn của địch phóng tới ở mọi tầm, trong bầu khí quyển cũng như ngoài không gian.
Loại vũ khí thượng đẳng mà Hoa Kỳ đang giới thiệu là chiến đấu- oanh tạc cơ tàng hình F-35, của hãng Lockheed Martin. Ba kiểu phi cơ loại này đã là chương trình vũ khí tốn kém nhất cho Ngũ Giác Đài.
Nhật đã chọn F-35 làm phi cơ chủ lực cho không quân, thay thế cho F-4C Phantom đã quá cũ. Thương vụ này trị giá trên 5 tỉ đô la. Singapore và Nam Hàn cũng nhắm nhía loại chiến đấu cơ đa năng này. Hai nước này cũng đang cân nhắc giữa F-15 Silent Eagle “Diều hâu thầm lặng” của hãng Boeing với Typhoon của châu Âu. Riêng Nam Hàn sẽ đặt hàng 60 phi cơ trị giá hơn 7 tỉ đô la.
Vũ khí quân dụng Mỹ bán cho Ấn Độ nay tích tụ đến 8 tỉ đô la, từ mức gần con số 0 năm 2008. Đà cung cấp được dự trù vẫn gia tăng mạnh. Ấn Độ dự định chi khoảng 100 tỉ đô la trong 10 năm tới để nâng cấp kho vũ khí của mình, một phần nhằm đối phó với Trung Quốc.
Trong khi đó thì Đài Loan trang bị thêm cho lực lượng chiến đấu cơ 145 chiếc F-16A/B khả năng radar tối tân nhất, những phương tiện chiến đấu điện tử tiên tiến, cùng nhiều chi tiết nâng cấp khác. Lockheed Martin đã nhận hợp đồng 1, 85 tỉ đô la để khởi sự công tác.
Tòa Bạch ốc cũng vẫn tìm cách giúp không lực Đài Loan tăng tiến cho cân bằng với lực lượng không quân của Bắc Kinh, trong đó có ý kiến bán các chiến đấu cơ F-16C/D tối tân hơn loại hiện dụng. Đài Loan đã nài nỉ mua loại F-16C/D này từ khá lâu.
Thiếu tướng Sampson Lee đứng đầu Ủy ban quân sự của Văn phòng văn hóa kinh tế Đài Loan tại Washington, cho biết Đài Loan sẽ tìm cách tiếp tục mua sắm những hệ thống vũ khí quốc phòng để đối phó với “những mối đe dọa dai dẳng”. Trung Quốc vẫn coi đảo quốc Đài Loan là một tỉnh ly khai có trách nhiệm phải tái hội nhập với chính quốc, và Bắc Kinh nói sẽ sử dụng võ lực nếu cần thiết.
Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Quân khu Thái Bình Dương của Hoa Kỳ , cho biết trọng tâm nhiệm vụ “tái cân bằng” của ông cho Thái Bình Dương sẽ là hiện đại hóa và tăng cường các quốc gia đồng minh có hiệp ước an ninh chung với Mỹ như Australia, Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines và Thái Lan, một công tác mà ông cho biết đã khởi sự trong tinh thần sốt sắng và nghiêm chỉnh.
Theo RFA

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Cách mạng đã xảy ra tại Nga, bạn có nhận ra không?

Trong bối cảnh các sự kiện hỗn loạn chính trị năm 2012, có lẽ ít người nhận thấy rằng ở Nga đã diễn ra một cuộc cách mạng Internet thực sự. Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy điều này. Ví dụ, theo số liệu của nhóm công ty TNS Global, ở Nga, số lượng người sử dụng Internet là 50% dân số và đã đạt đến 70 triệu người. Về số lượng người sử dụng Internet, Nga vượt qua những "đầu tàu châu Âu" như Đức và Pháp.
Theo Google, sinh viên Nga nói chung dành nhiều thời gian hơn so với các sinh viên ở hầu hết các quốc gia khác cho Internet. Đó là khoảng 4 giờ một ngày, giống như thời gian trước đây dành cho việc xem truyền hình.
Nhân thể nói về truyền hình. Và có những dấu hiệu cho thấy Internet đang chiếm ưu thế. Ngay từ hồi tháng Tư, "Yandex" - công cụ tìm kiếm lớn nhất Nga đã có hơn 19 triệu lượt người truy cập trong ngày. Người đứng đầu cơ quan tiếp thị GreenPR Damir Khalilov cho rằng sự kiện này có ý nghĩa cách mạng đối với môi trường phương tiện truyền thông Nga: “Ưu thế chính là người truy cậpt hực sự đi vào Internet, và đặc biệt là trong các mạng xã hội. Và bây giờ các công ty quảng cáo nhằm vào môi trường web. Theo đó, vai trò của Internet như một phương tiện phổ biến thông tin có cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Bằng cách này, một trong những kết quả trong năm qua là cuộc chiến quan hệ công chúng bắt đầu đi vào môi trường trực tuyến. Tất nhiên, đây là sự kiện cách mạng. Ảnh hưởng của nó đã được cảm nhận quasự điều chỉnh của ngân sách tiếp thị, trong việc điều chỉnh các ưu tiên và phân phối thông tin thông qua các phương tiện truyền thông.”
Có thể thấy một thực tế là trên bản đồ Internet toàn cầu Nga chiếm vị trí nổi bật. Trong năm qua người sáng lập mạng xã hội nổi tiếng Facebook  Mark Zuckerberg đã đến thăm Moscow. Ông đã đến cuộc thi của các nhà lập trình phát triển ứng dụng, được gọi là Facebook World Hack. Năm 2012, người giành giả thưởng này là lập trình viên Nga.
Mối quan tâm của Zuckerberg đối với các lập trình viên Nga có thể được hiểu theo hai cách. Có người nói rằng ông Zuckerberg đến để thu hút họ, nhưng có lẽ lý do thực tế hơn là người sáng lập Facebook nhìn thấy triển vọng thú vị của thị trường Internet của Nga. Ông Gherman Klimenko nói: “Thời nay, có thể mua chuộc trí tuệ bằng cách lặng lẽ làm việc từ xa và gửi qua mail mức lương mong đợi. Không cần phải đi đâu cả. Và tôi nghĩ rằng ông chủ Facebook đã từ lâu đã không còn tự mình đi săn tìm nhân sự nữa. Đã có những chiến dịch quan hệ công chúng được tổ chức khá mạnh mẽ để thúc đẩy Nga người dùng các mạng xã hội Nga như "VKontakte" và "Bạn cùng lớp" đến với «Facebook». Thành công hay không, hiện tại vẫn chưa rõ ràng. Nhưng tôi chắc chắn rằng Zuckerberg chỉ đến Nga để tìm cách phát triển trên cơ sở của Nga. Bởi vì ông ta đang gặp giới hạn tăng trưởng, mà bây giờ có thể thấy rõ ràng.”
Tất nhiên, Nga có các kế hoạch phát triển Internet, không phải là đuổi theo như trước đây, mà là phát triển vượt lên. Mỗi năm xu thế này lại càng rõ ràng hơn. Và cách mạng Internet có vẻ là một trong số ít những cuộc cách mạng không làm cho mọi thứ tồi tệ đi, trái lại còn góp phần cải thiện đời sống. Mà ai trong số chúng ta lại không muốn sống tốt hơn?

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Nhật Bản phát minh chất liệu sạc điện thoại di động

Tại Nhật Bản đã phát minh một chất liệu có khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời đủ dùng cho bộ sạc điện thoại di động, - các phương tiện truyền thông địa phương cho biết. Người mang quần áo may từ loại chất liệu này chỉ cần bật nguồn điện trên quần jean hay áo sợi và kết nối với điện thoại.
Quả thật, các nhà khoa học cho rằng cần hoàn thiện một số chi tiết trước khi tung vào thị trường. "Cụ thể là cải thiện bề mặt chất liệu, các kết nối và làm tăng tuổi thọ sản phẩm", - Trung tâm Công nghệ công nghiệp Nhật Bản làm rõ. Nhiều nhà sản xuất đã bày tỏ sự quan tâm tới chất liệu mới này.

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Báo Trung Quốc: Quân cảng Cam Ranh lợi hại nhất châu Á

Cam Ranh là một trong 3 quân cảng tốt nhất thế giới: Rio de Janeiro (Braxin); San Francisco(Mỹ).

Báo Trung Quốc nói cả châu Á cũng không thể tìm kiếm được quân cảng nào độc đáo và “nguy hiểm” như quân cảng Cam Ranh của Việt Nam.
Trong số ra ngày 20/8/2012, tạp chí “Tuần tin tức Trung Quốc” đã có một bài viết rất công phu phân tích sự “hấp dẫn” và lợi thế của quân cảng Cam Ranh của Việt Nam đồng thời phân tích vị thế của quân cảng này đối với tình hình an ninh khu vực trong bối cảnh hiện nay. Infonet xin trích lược bài viết này để giới thiệu với độc giả.
“Có lẽ cả châu Á cũng không thể tìm kiếm được quân cảng nào độc đáo và “nguy hiểm” như quân cảng Cam Ranh của Việt Nam”, tạp chí Tuần Tin tức viết, đồng thời trích dẫn nhận xét của báo chí Mỹ: “Ai chiếm được vịnh Cam Ranh, người đó sẽ chiếm được một nửa Trung Quốc, có thể kiểm soát được tuyến đường giao thông biển Á-Âu…”.

Lợi hại hiếm có
Bán đảo Cam Ranh chạy từ Bắc xuống Nam và được bao quanh bởi rất nhiều đảo to nhỏ khác nhau, biến Cam Ranh trở thành một cảng nước sâu tránh gió rất tuyệt vời. Bên cạnh lối ra vào nhỏ hẹp, Cam Ranh còn được các dãy núi cao khoảng 400m vây quanh nên không những gió bão không thể xâm nhập mà địa thế cao điểm này có thể khống chế cả khu vực xung quanh cảng một cách rất dễ dàng.
Nhờ thế, quân cảng này trở thành một pháo đài vô cùng lợi hại, khó công, dễ thủ. Cửa vào Cam Ranh tuy nhỏ nhưng tổng diện tích mặt nước rộng 98 km2, nước sâu phổ biến ở mức 16-25m, nơi sâu nhất có thể lên đến 32m, cho phép đồng thời khoảng 40 tầu chiến cỡ lớn cùng neo đậu, kể cả tàu sân bay.
Nếu bố trí tên lửa phòng không ở vịnh Cam Ranh và những cao điểm xung quanh thì toàn bộ eo biển Malacca và eo biển Singapore đều nằm trong tầm khống chế của hỏa lực những tên lửa đó.
Ngoài ra, vịnh Cam Ranh còn có thể cho phép triển khai hệ thống giám sát điện tử để kiểm soát toàn bộ khu vực Bắc Ấn Độ Dương, vịnh Persia, biển Hoa Đông và Nam Hải (Biển Đông của Việt Nam).
Vừa có lợi thế tự nhiên rất có lợi cho quân sự, quốc phòng lại cận kề tuyến đường vận tải biển quốc tế trọng yếu nên từ hàng trăm năm nay vịnh Cam Ranh luôn được hải quân các cường quốc coi là “trung tâm dịch vụ hậu cần” quan trọng.
Sân bay quốc tế Cam Ranh với đường băng dài hơn 3.000m đủ khả năng đón máy bay chở khách cỡ lớn. Sân bay có thể đảm bảo cho các máy bay vận tải hạng nặng (C-141, C-5 Galaxy, Il-76), máy bay ném bom chiến lược (B52, Tu-95) cất/hạ cánh.
Bắt đầu từ năm 1905, Nga hoàng, Pháp, Nhật Bản đã đua nhau chiếm Cam Ranh. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ thậm chí đã chi tới hơn 300 triệu USD để mở rộng Cam Ranh.
Từ năm 1979, vịnh Cam Ranh trở thành căn cứ quân sự lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài, đồng thời là vị trí tiền đồn để Liên Xô kiềm chế Trung Quốc và cạnh tranh với Mỹ. Tuy nhiên, do tình hình thế giới có nhiều biến đổi nên từ năm 2002 đến nay, Cam Ranh trở thành một cảng biển “đìu hiu và tĩnh lặng”.
Nhưng kể từ đầu năm 2012 đến nay, Cam Ranh đã bắt đầu “nhộn nhịp” trở lại. Trong chuyến thăm Việt Nam hồi đầu tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã ghé qua Cam Ranh và làm dấy lên tin đồn rằng Mỹ sẽ trở lại Cam Ranh trong một tương lai rất gần. 

Chưa hết, hồi cuối tháng 7/2012, khi chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đi thăm Nga đã đồng ý để Nga thành lập một cơ sở sửa chữa tàu ở Cam Ranh. Đến lúc này, Cam Ranh đã bộc lộ rõ vai trò là một quân cảng mang lại nguồn tài chính lớn đồng thời là con bài chiến lược của Việt Nam khi đối đầu với các nước khác.

Chiến lược kinh tế
Kể từ lần “xuất hiện” trở lại vào tháng 10/2010, quan điểm của chính phủ Việt Nam về Cam Ranh rất thống nhất: Biến cảng này thành một cảng biển cho phép tàu quân sự nước ngoài sử dụng nhưng có thu phí. 
Cựu đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, người đã từng đến thăm Cam Ranh hồi năm 2005, bình luận: “Lần này Nga đến Cam Ranh để sử dụng chứ không phải để thuê. Việt Nam sẽ không cung cấp vịnh Cam Ranh cho nước thứ 3 dùng làm căn cứ quân sự và thái độ đó của Việt Nam là không thay đổi”.
Rõ ràng sự thay đổi lần này rất quan trọng, từ sự thuê dùng đến sử dụng khác nhau một trời, một vực. Thuê dùng nghĩa là ai thuê thì người đó sẽ có đặc quyền sử dụng còn sử dụng là có tính chất mở cửa. Trong chuyến thăm Nga, ông Trương Tấn Sang cũng nói rõ, Việt Nam cung cấp cơ sở trên biển cho Nga hoàn toàn không phải là căn cứ quân sự.
Nhờ có Cam Ranh, Nga đã đồng ý cho Việt Nam vay 10 tỷ USD, nguồn tài chính quan trọng trong việc phát triển kinh tế trong nước. Cùng với đó, mối quan hệ hợp tác về năng lượng, đặc biệt là hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí Nga-Việt sẽ có bước tiến đáng kể.
Một quan chức ngoại giao giấu tên của Trung Quốc còn cho rằng Việt Nam đã rất khôn khéo trong việc sử dụng con bài Cam Ranh trong cuộc chơi với Nga và Mỹ.
“Di chứng từ cuộc chiến tranh Việt Nam đã khiến Việt Nam không thể cởi mở hơn với quân đội Mỹ nhưng họ vẫn có thể dùng Cam Ranh để khiến Mỹ hài lòng đồng thời việc cho phép Nga trở lại có tác dụng cân bằng tâm lý rất tốt”, vị quan chức ngoại giao này nói, “Cam Ranh có thể là trận chiến tương đối ôn hòa trong chiến lược trở lại châu Á mà cả Nga và Mỹ cùng đang thi hành. Có điều trận chiến lần này đã được bày ngửa trên bàn”.

Nâng tầm vị thế Việt Nam
So với những đồn đoán vội vàng của dư luận về sự trở lại của hải quân Nga, nhiều ý kiến khác cho rằng tác dụng chuyến thăm Cam Ranh của ông Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng mang đến những tác dụng rất lớn.
Trong chuyến thăm này, ông Panetta đã phát biểu rằng Mỹ rất hy vọng hợp tác với Việt Nam trong vấn đề biển và sự kiện tàu hậu cần USNS Richard E.Byrd cập cảng Cam Ranh là một sự thể hiện nguyện vọng này. Chắc hẳn, ông Panetta chưa thể quên chuyến thăm Cam Ranh của cựu Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson hồi năm 1966. 
Trong chuyến thăm đó, báo chí Mỹ đã ca ngợi Cam Ranh rằng: “Ai chiếm được Cam Ranh, kẻ đó sẽ chiếm được một nửa Trung Quốc, có thể kiểm soát được tuyến đường vận tải biển huyết mạch Á – Âu, có được địa vị bá quyền thế giới vì thế Mỹ phải chiến thắng Nga, hải quân Mỹ phải được đóng ở Cam Ranh”.
Phải tạo được vị thế cân bằng giữa các cường quốc là quan điểm nhất quán của chính phủ Việt Nam. Với Cam Ranh, Việt Nam không chỉ tìm kiếm lợi ích về kinh tế mà còn tranh thủ sử dụng quân cảng này làm bàn đạp nâng tầm vị thế của họ. Cam Ranh giờ đây không chỉ là sự thèm khát của Nga, Mỹ mà còn có cả Ấn Độ, Nhật Bản…

Quan chức ngoại giao kỳ cựu của Trung Quốc kết luận: “Khi các cường quốc tiến vào Cam Ranh ngày càng nhiều, Việt Nam sẽ cảm thấy tự tin hơn khi tham gia nói chuyện với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông”.
Trung Quốc hiểu rằng, chắc chắn Mỹ sẽ không thể thờ ơ với Cam Ranh được lâu hơn nữa. Tất cả các căn cứ quân sự của họ ở châu Á – Thái Bình Dương như Changi (Singapore), Yokosuka (Nhật Bản), Busan (Hàn Quốc) hay Apra ở đảo Guam đều không thể so sánh vị thế với Cam Ranh trong vấn đề Nam Hải (Biển Đông). Đáng chú ý, từ Cam Ranh ra đến Trường Sa chỉ có khoảng 600km.




Ông Obama cho phép đặc nhiệm nghe trộm điện thoại của người nước ngoài

Hôm Chủ nhật Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã ký đạo luật cho phép các cơ quan tình báo Mỹ nghe trộm các cuộc đàm thoại và đọc lén e-mail của những công dân nước ngoài nghi hoạt động gián điệp và khủng bố. Luật dành quyền cho cơ quan quốc gia không cần có sự cho phép của tòa án để nghe trộm các cuộc nói chuyện điện thoại và kiểm duyệt e-mail giữa người nước ngoài bên ngoài nước Mỹ, nhưng sử dụng truyền hình và dịch vụ kênh liên lạc vệ tinh của Mỹtrong đó có các máy chủ. Mục đích của đạo luật này là tăng hiệu quả ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố chuẩn bị từ nước ngoài nhắm vào nước Mỹ, - như thông báo trên site của Nhà Trắng. Theo nề nếp của tòa án Hoa Kỳ, đặc nhiệm cần phải có giấy phép khi theo dõi các công dân Mỹ.