Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

CÔNG NGHỆ QUÂN SỰ

Hiện đại, chính xác, tính sát thương cao, khả năng tấn công trên diện rộng, song cũng khó xác định hơn… đó là các tiêu chuẩn được rượt đuổi bởi bất kỳ một sản phẩm ra lò nào có tên “vũ khí công nghệ cao”. Rộng hơn, đó là đích nhắm của lĩnh vực công nghệ quân sự, lĩnh vực vốn trước đây được coi là “tối mật”, nhằm mục tiêu phòng vệ an ninh hay tham vọng sử dụng bạo lực chiến tranh của bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, công nghệ quân sự thế kỷ XXI đã “mở” hơn, kèm theo nó là sự đua tranh khốc liệt hơn.

Trước tiên cần nói rằng, công nghệ quân sự dù đã manh nha từ rất lâu nhưng chỉ chừng một thập kỷ trở lại đây, nó mới thực sự trở thành một lĩnh vực có tốc độ phát triển vượt bậc. Cuộc cách mạng khoa học-công nghệ tạo cơ sở vật chất - kỹ thuật và công nghệ cho một nền kinh tế phát triển cao hơn hẳn nền kinh tế công nghiệp trong thế kỷ XX, thay đổi căn bản diện mạo sản xuất và đời sống đương đại, trong đó có lĩnh vực công nghệ quân sự.

Từ vũ khí công nghệ đến chiến tranh công nghệ

Công nghệ cao được ứng dụng trong quân sự đã tạo nên thế hệ vũ khí hoàn toàn mới, với đặc điểm quan trọng và nổi bật nhất là có tính lưỡng dụng, nghĩa là vừa có để sản xuất ra hàng hoá dân dụng, vừa chế tạo ra các phương tiện chiến tranh, vì thế nên nó còn được gọi là công nghệ cao lưỡng dụng. Trong thế kỷ XXI, công nghệ quốc phòng chủ yếu sẽ là công nghệ cao lưỡng dụng và chiến tranh sẽ được tiến hành bằng vũ khí công nghệ cao, hay còn gọi là chiến tranh công nghệ cao (High-Technology War).

Đa số các chuyên gia quân sự đều nhất trí nhận định rằng cuộc chiến tranh Vùng Vịnh do Mỹ và liên quân phát động (1990-1991) là nơi thử nghiệm đầu tiên loại hình chiến tranh công nghệ cao, mà ở đó vũ khí có thể chỉ đơn giản là một loại virus máy tính. Việc ứng dụng rộng rãi công nghệ và kỹ thuật cao của quân đội tham chiến trong cuộc chiến này được cho là những thử nghiệm cơ bản hình thành chiến tranh công nghệ. Kết quả của nó là sau 42 ngày đêm chiến đấu, quân đội Iraq hứng chịu số thương vong lên tới vài trăm ngàn người, trong khi của quân đội đồng minh chỉ 126 người. Kỳ tích này chính là do sự vận dụng công nghệ kỹ thuật cao, trong đó có việc quân đồng minh dùng công nghệ phá huỷ toàn bộ hệ thống chỉ huy thông tin của Iraq.

Theo tiết lộ của báo chí Anh sau này, trước khi chiến tranh bùng nổ, Iraq đã đặt mua của Pháp một lô máy in hiện đại để dùng trong hệ thống quốc phòng, chuẩn bị vận chuyển vào Baghdad qua thủ đô Amma của Jordan. Nắm được thông tin, các nhân viên đặc nhiệm của Mỹ tại Amma đã bí mật cài virus vào số máy in này, từ đó thông qua máy in xâm nhập vào máy chủ của hệ thống chỉ huy quân sự. Loại virus này mang tên AF91, là do Cục An toàn quốc gia của Mỹ viết ra. Khi Mỹ cầm đầu quân đồng minh phát động chiến dịch “Bão táp sa mạc” tấn công vào Iraq, Mỹ đã dùng thiết bị điều khiển từ xa kích hoạt số virus đó khiến cho hệ thống phòng không của Iraq bị tê liệt hoàn toàn.

Trong khi đó, những cuộc tấn công của liên quân trong cuộc chiến này lại được chỉ huy bởi hệ thống máy tính có công nghệ tiên tiến nhất, với hệ thống khoảng 60 vệ tinh, nhiều máy bay do thám, trinh sát điện tử làm “tai, mắt”, các loại tên lửa có thiết bị dẫn đường thông minh tiến hành cuộc tấn công “điểm huyệt”, mở đường cho máy bay Mỹ không kích Iraq. Thống kê sau chiến dịch “Bão táp sa mạc” cho thấy, riêng số máy tính dùng để liên lạc về Mỹ có tới 3.000 chiếc. Về thực chất, đây là cuộc chiến tranh công nghệ cao nhưng mới chỉ dừng ở cấp độ thông tin, biến thông tin thành ưu thế trên chiến trường. Có ý kiến cho rằng, một cuộc chiến tranh công nghệ - thông tin trong tương lai sẽ có thể có số binh sĩ mang máy tính nhiều hơn số binh sĩ mang súng đạn.

Trong các cuộc chiến tranh tiếp sau đó ở Kosovo (1999), Afghanisstan (2001) và Iraq (2003), chiến tranh công nghệ cao đã được phát triển lên những nấc thang mới. Nhiều chuyên gia quân sự đã tính tới khả năng chế tạo thế hệ vũ khí công nghệ cao có tầm tiến công xuyên lục địa để tiến hành chiến tranh từ xa trên phạm vi toàn cầu. Giữa các nước lớn, đang diễn ra cuộc chạy đua và cạnh tranh, thậm chí “ăn cắp công nghệ” vô cùng quyết liệt để tranh giành thị trường công nghệ cao. Đáng chú ý là mới đây, trong tuyên bố khung về Hiệp ước hạn chế vũ khí tiến công chiến lược (START) mới giữa Mỹ và Nga, hai bên đã nhất trí đưa vũ khí trang bị công nghệ cao vào danh mục các vũ khí có tác dụng tạo nên sự cân bằng chiến lược quân sự.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét